Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

« Một thế giới không có vũ khí nguyên tử »

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 09/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  09/04/2009 15:05 TU

Tổng thống Barack Obama nói chuyện với người dân Praha, ngày 05/04/2009Ảnh : Reuters

Tổng thống Barack Obama nói chuyện với người dân Praha, ngày 05/04/2009
Ảnh : Reuters

Ngày 05/04/2009, nhân chuyến công du Cộng Hòa Séc, tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc nói chuyện với hàng chục ngàn người tại thủ đô Praha. Một trong những nội dung quan trọng của bài phát biểu là ông kêu gọi một thế giới không có vũ khí nguyên tử. RFI xin trích dịch bài diễn văn này.

Tôi tự hào có mặt tại đây, ngày hôm nay, với các bạn, giữa thành phố kỳ diệu, ở trung tâm châu Âu (…)

Khi tôi sinh ra, thế giới đã bị phân chia và các quốc gia đã phải đương đầu với những hoàn cảnh rất khác nhau. Ít ai lúc đó tiên đoán rằng một người nào đó như tôi chẳng hạn, một ngày nào đó, sẽ trở thành thổng thống Mỹ. Ít người tiên đoán rằng một tổng thống Mỹ một ngày nào đó, sẽ được phép nói chuyện với công chúng, như thế này, tại thành phố Praha. Và cũng ít ai có thể tưởng tượng được rằng Cộng Hòa Séc sẽ trở thành một quốc gia độc lập, thành viên của NATO và đứng đầu một châu Âu thống nhất. Những ý tưởng này có thể đã bị xua tan như những giấc mơ.   

Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, bởi vì đã có khá nhiều người không cần biết đến những tiếng nói bảo họ rằng thế giới không thể thay đổi được.

(…) Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây là bởi vì mùa xuân Praha – bởi vì sự đòi hỏi đơn giản và chính đáng, về tự do và những triển vọng tương lại – đã trở thành mối nhục cho những kẻ dựa vào sức mạnh của xe tăng và vũ khí để đè bẹp ý chí của người dân.

Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây bởi vì, cách nay 20 năm, người dân của thành phố này đã xuống đường nhằm đòi hỏi sự hứa hẹn một ngày mới và những quyền cơ bản của con người mà họ đã bị từ chối từ rất lâu. Cuộc « Cách Mạng Nhung » đã dậy cho chúng ta rất nhiều điều. Cuộc cách mạng đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng một sự phản đối trong hòa bình có thể làm lung lay những nền tảng của một đế chế và làm lộ rõ sự trống rỗng của một ý thức hệ. Cuộc cách mạng đã chỉ ra cho chúng ta thấy là những nước nhỏ có thể đóng một vài trò trụ cột trong các sự kiện trên thế giới và những người trẻ có thể chỉ ra cách để vượt qua những xung đột cũ. Và cuộc cách mạng đã chứng minh rằng quyền lực tinh thần mạnh hơn bất kể loại vũ khí nào.  

Đó là lý do vì sao tôi nói chuyện với các bạn vào lúc nào, ở giữa một châu Âu hòa bình, thống nhất và tự do : bởi vì những người bình thường đã nghĩ rằng các hố ngăn cách có thể được lấp đầy và những bức tường có thể sụp đổ và hóa bình có thể thắng thế.

Hôm nay, chúng ta ở đây bởi vì, người Mỹ và người Séc đã nghĩ rằng ngày này là có thể có, bất chấp mọi chờ đợi.

Chúng ta chia sẻ lịch sử chung này. Nhưng giờ đây, thế hệ này – thế hệ chúng ta – không thể ngồi im. Chúng ta cũng phải có một sự lựa chọn. Nếu thế giới có giảm bớt chia rẽ, thì nó lại có nhiều liên hệ kết nối với nhau hơn. Và chúng ta đã thấy những sự kiện xẩy ra dồn dập dến mức vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta : nền kinh tế đang khủng hoảng, khí hậu thay đổi, những hậu quả nguy hiểm của các cuộc xung đột cũ, những mối đe dọa mới vẫn tồn tại và việc phát triển các loại vũ khí gây thảm họa.

Không một thách thức nào trên đây có thể được giải quyết một cách nhanh chóng và đơn giản. Nhưng tất cả những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe nhau và cùng làm việc với nhau; rằng chúng ta phải tập trung vào những lợi ích chung chứ không phải vào những khác biệt nhất thời; rằng chúng ta cần phải khẳng định lại những giá trị mà chúng ta chia sẻ và những giá trị này mạnh hơn bất kể sức mạnh nào có thể làm chúng ta chia rẽ (…)

Để tiếp tục sự phồn thịnh, chúng ta cần hành động có phối hợp vượt qua các đường biên giới. Điều đó có nghĩa là phải đầu tư để tạo những việc làm mới. Điều đó có nghĩa là chống lại những bức tường bảo hộ (…) Điều đó có nghĩa là phải có một sự thay đổi trong hệ thống tài chính của chúng ta, với những luật lệ mới để ngăn ngừa những lạm dụng và các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Và chúng ta có nghĩa vụ đối với sự phồn thịnh chung và nhân loại, chìa bàn tay hướng về các thị trường trỗi dậy và những con người nghèo khổ khốn khó nhất và chính vì vậy, hồi đầu tuần, chúng tôi đã giữ lại một nghìn tỷ đô la trong quỹ dự trữ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. 

Để bảo vệ hành tinh của chúng ta, giờ đây đã đến lúc thay đổi cách thức chúng ta sử dụng năng lượng. Cùng nhau, chúng ta phải đương đầu với thay đổi khí hậu bằng cách chấm dứt sự phụ thuộc của thế giới vào các năng lượng hóa thạch và khai thác các nguồn năng lượng mới. (…) Và tôi hứa với các bạn, là trong sự nỗ lực toàn cầu, Hoa Kỳ giờ đây sẵn sàng đi đầu.

Để bảo đảm an ninh chung của chúng ta, chúng ta phải tăng cường mối liên minh (…)

Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày Cộng Hòa Séc gia nhập khối NATO. Tôi biết rằng đã nhiều lần trong thế kỷ 20, các quyết định đã được đưa ra mà các bạn không được tham khảo. Những cường quốc lớn đã bỏ rơi các bạn hoặc quyết định vận mệnh của các bạn mà không cần nghe đến tiếng nói của các bạn. Tôi có mặt tại đây để nói rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ quay lưng với người dân nước này. Chúng ta gắn bó với nhau bởi những giá trị chung, lịch sử chung và cam kết liên minh bền vững. Điều 5 của (Hiệp ước) NATO nói rõ : một cuộc tấn công nhắm vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên. Lời hứa này có giá trị trong hiện tại và mãi mãi.  

Người dân của Cộng Hòa Séc đã giữ lời hứa sau khi nước Mỹ bị tấn công, và hàng ngàn người đã bị giết hại trên đất nước chúng tôi, và khối NATO đã đáp trả. Tại Afghanistan, NATO có nhiệm vụ cơ bản để bảo đảm an ninh cho người dân ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Chúng ta cùng nhắm vào những tên khủng bố Al Qaida, những kẻ đã tấn công từ New York đến Luân Đôn và chúng ta giúp đỡ nhân dân Afghanistan lãnh trách nhiệm về tương lai của họ. Chúng ta chứng minh rằng những quốc gia tự do có thể tiến hành sự nghiệp chung vì an ninh chung của chúng ta. (…)

Không một liên minh nào tự cho phép bất động. Chúng ta phải cùng nhau làm việc với tư cách là những thành viên NATO nhắm thực hiện những kế hoạch khẩn cấp để đối phó với những mối đe dọa mới, bất kể chúng từ đâu tới. Chúng ta phải tăng cường sự hợp tác với nhau (…) Và chúng ta  phải duy trì mối quan hệ xây dựng với nước Nga trên những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.

Một trong những vấn đề có tính chất cơ bản đối với các quốc gia và đối với hòa bình, an ninh trên thế giới mà hôm nay tôi sẽ tập trung nói tới : đó là tương lai của vũ khí nguyên tử trong thế kỷ 21.

Sự tồn tại của hàng ngàn vũ khí nguyên từ là di sản nguy hiểm nhất của Chiến Tranh Lạnh. Đã không có chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô nhưng các thế hệ sống với nhận thức rằng thế giới của họ có thể bị xóa sạch trong chớp nhoáng.

Giờ đây, Chiến Tranh Lạnh đã biến mất, nhưng hàng ngàn vũ khí đó vẫn tồn tại. Trong một sự thay đổi kỳ lạ của lịch sử, mối đe dọa chiến tranh nguyên tử thế giới đã giảm, nhưng nguy cơ một cuộc tấn công nguyên tử lại gia tăng. Ngày càng có nhiều quốc gia trang bị loại vũ khí đó. Các vụ thử diễn ra liên tục. Các thị trường đen kinh doanh những bí mật và vật liệu hạt nhân. Công nghệ chế tạo một quả bom đã lan rộng. Những kẻ khủng bố quyết tâm mua, chế tạo hoặc đánh cắp một quả bom. Nỗ lực của chúng ta nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm đó tập trụng vào một cơ chế chung không phổ biến hạt nhân, nhưng ngày càng có nhiều người và quốc gia vi phạm các luật lệ (…)  

Vấn đề này liên quan đến tất cả mọi người và mọi nơi. Một vũ khí nguyên tử nổ trong một thành phố, cho dù đó là New York, hay Matxcơva, Islamabad hay Bombay, Tokyo hay Tel Aviv, Paris hay Praha – có thể gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người. Và bất kể nó xẩy ra ở nơi nào, thì các hậu quả sẽ là vô tận trên phạm vi thế giới, đối với sự an toàn, an ninh chung, đối với xã hội, kinh tế và cuối cùng là đối với sự sống còn của chúng ta.

Tổng thống Obama và phu nhân bắt tay người dân Praha, ngày 05/04/2009Ảnh : Reuters

Tổng thống Obama và phu nhân bắt tay người dân Praha, ngày 05/04/2009
Ảnh : Reuters

(…) Bởi vì chúng ta đã đứng dậy trong thế kỷ 20 để đấu tranh cho tự do, chúng ta phải cùng nhau trong thế kỷ 21 đứng lên để bảo vệ quyền của người dân ở mọi nơi được sống, gạt bỏ mọi sợ hãi. Với tư cách là siêu cường nguyên tử, - với tư cách là siêu cường nguyên tử duy nhất đã sử dụng vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo lý phải hành động. Chúng tôi không thể thành công một mình nhưng chúng tôi có thể dẫn đầu công cuộc này.

Do vậy, ngày hôm nay, tôi khẳng định một cách rõ ràng và tin tưởng về sự cam kết của nước Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình và an ninh cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Mục tiêu này không thể đạt được nhanh chóng, chắc chắn là không thể đạt được lúc tôi còn sống. Nó đòi hỏi kiên trì và bền bỉ. Nhưng giờ đây, chính chúng ta phải không cần biết đến những tiếng nói bảo rằng thế giới không thể thay đổi được. 

Trước tiên, Hoa Kỳ sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể hướng tới một thế giới không có vũ khí nguyên tử.

Để chấm dứt tư duy Chiến Tranh Lạnh, chúng tôi sẽ giảm thiểu vai trò của vũ khí nguyên tử trong chiến lược an ninh quốc gia và kêu gọi các nước khác làm tương tự. Xin đừng hiểu lầm : chừng nào những vũ khí này còn tồn tại, chúng tôi sẽ lưu giữ một hệ thống vũ khí chắc chắn, an toàn và hiệu quả nhằm răn đe mọi kẻ thù và có đủ khả năng bảo vệ các đồng minh, đặc biệt là Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành thu hẹp hệ thống vũ khí hạt nhân của chúng tôi.

Nhằm giảm bới các đầu đạn hạt nhân và kho vũ khí nguyên tử, trong năm nay, chúng tôi sẽ thương lượng một hiệp định mới về giảm trừ vũ khí chiến lược với nước Nga. Tổng thống Medvedev và tôi đã bắt đầu tiến trình này ở Luân Đôn và từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tìm cách đạt được một hiệp định mới có hiệu lực ràng buộc và khá mạnh bạo. Điều này sẽ mở ra một giai đoạn cho những cắt giảm mới và chúng tôi tìm cách lôi kéo tất cả những Nhà nước có vũ khí nguyên tử tham gia vào nỗ lực này.

Nhằm đạt tới việc cấm các vụ thử hạt nhân trên thế giới, chính quyền của tôi ngay lập tức và kiên quyết sẽ tính tới việc Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp Ứớc Cấm Toàn Bộ Các Vụ Thử Hạt Nhân. Sau hơn năm thập niên đàm phán, đã đến lúc cần phải cấm vĩnh viễn các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Để xóa bỏ các thành phần cần thiết trong việc chế tạo một quả bom, Hoa Kỳ sẽ tìm cách thiết lập một hiệp ước mới cho phép chấm dứt một cách có thể kiểm chứng được việc sản xuất các nguyên liệu phóng xạ nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử. Nếu chúng ta muốn ngăn chặn một cách nghiêm túc việc phổ biến các vũ khí này, thì chúng ta phải chấm dứt việc sản xuất những vật liệu mang tính quân sự chế tạo ra chúng.

Thứ hai, tất cả chúng ta cùng nhau củng cố Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, coi đó là cơ sở của sự hợp tác.

Thỏa thuận rất đơn giản : các nước có vũ khí nguyên tử sẽ cam kết hướng tới giải trừ quân bị, những nước không có loại vũ khí này thì sẽ không trang bị nữa ; và tất cả các nước có thể tiếp cận với nguồn năng lượng hạt nhân hòa bình. Để hỗ trợ Hiệp ước, chúng ta cần thông qua nhiều nguyên tắc. Chúng ta cần có thêm các phương tiện và quyền lực để tăng cường thanh tra quốc tế. Chúng ta cần có các biện pháp trừng phạt thực sự và tức thời đối với những nước vi phạm luật lệ hoặc tìm cách từ bỏ Hiệp ước mà không có lý do chính đáng.

Và chúng ta sẽ xây dựng một khuôn khổ mới cho hợp tác hạt nhân dân sự, bao gồm một ngân hàng quốc tế về nhiên liệu để các nước có thể tiếp cận nguồn năng lượng hòa bình mà không làm tăng các nguy cơ phổ biến hạt nhân. Đó phải là quyền của mọi quốc gia từ bỏ vũ khí nguyên tử, đặc biệt là các nước đang phát triển thực hiện các chuơng trình hòa bình. Không một phương pháp nào thành công nếu dựa trên sự khước từ quyền của các quốc gia tôn trọng luật lệ. Chúng ta phải khai thác năng lượng hạt nhân vì các nỗ lực đấu tranh chống lại sự thay đổi khí hậu và tạo ra cơ hội cho tất cả các dân tộc.

Chúng ta hướng về phía trước nhưng không ảo tưởng. Một số quốc gia sẽ không tôn trọng luật lệ và chính là lý do vì sao chúng ta cần lập ra một cơ cấu bảo đảm là khi một quốc gia vi phạm, thì quốc gia đó phải gánh chịu các hậu quả. Sáng nay, thời sự lại nhắc nhở chúng ta rằng cần phải có một cách tiếp cận vấn đề mới và chặt chẽ hơn nhằm đương đầu với mối đe dọa này. Bắc Triều Tiên lại một lần nữa vi phạm các luật lệ khi tiến hành thử hỏa tiễn có thể được sử dùng làm tên lửa tầm xa.

Sự khiêu khích này cho thấy sự cần thiết phải hành động : không chỉ ngay trong chiều nay, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cả trong quyết tâm của chúng ta ngăn chặn việc phát tán các loại vũ khí này. Các luật lệ phải có tính giàng buộc. Những hành động vi phạm phải bị trừng phạt. Các lời nói phải có nội dung. Thế giới phải cùng nhau hành động để ngăn cản việc phổ biến loại vũ khí này. Giờ đây, đã đến lúc cần phải có một câu trả lời mạnh mẽ của quốc tế. Bắc Triều Tiên phải biết rằng con đường đi tới an ninh và tôn trọng sẽ không bao giờ đạt với những mối đe dọa và vũ khí bất hợp pháp. Tất cả các quốc gia phải đoàn kết để xây dựng một khuôn khổ luật lệ chung mạnh mẽ hơn.

Iran chưa chế tạo vũ khí nguyên tử. Chính quyền của tôi sẽ tìm kiếm thỏa thuận với Iran dựa trên những lợi ích của hai bên và sự tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi sẽ cung cấp một sự lựa chọn rõ ràng. Chúng tôi mong muốn Iran có vị trí chính đáng của mình trong cộng đồng các quốc gia, về mặt chính trị và kinh tế. Chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của Iran có năng lượng hạt nhân hòa bình trong khuôn khổ kiểm soát chặt chẽ. Đó là con đường mà Cộng hòa Hồi Giáo có thể chấp nhận. Hoặc chính phủ (Iran) cũng có thể lựa chọn sự cô lập và hứng chịu sức ép quốc tế mạnh mẽ hơn và có thể tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử trong khu vực, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh của tất cả các nước.

Tôi xin nói rõ : các hoạt động của Iran liên quan đến tên lửa đạn đạo và hạt nhân là một mối đe dọa thực sự, không chỉ đối với Hoa Kỳ mà đối với các nước láng giềng của Iran và các đồng minh của Mỹ. Cộng hòa Séc và Ba Lan đã có lòng can đảm khi chấp nhận các lực lượng phòng thủ trên lãnh thổ của mình để chống lại những tên lửa đó. Chừng nào mối đe dọa của Iran còn tồn tại, chúng tôi vẫn có ý định hướng tới một hệ thống phòng thủ chống tên lửa có hiệu quả về mặt kinh tế và đã được thử thách. Nếu mối đe dọa Iran biến mất, chúng ta sẽ có những cơ sở vững chắc hơn cho nền an ninh và nhu cầu xây dựng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu, vào lúc đó, sẽ không còn nữa.

Cuối cùng, chúng ta phải bảo đảm là những kẻ khủng bố không bao giờ có được vũ khí nguyên tử.

Đây là mối đe dọa tức thời và cao nhất đối với an ninh thế giới. Một tên khủng bố có vũ khí nguyên tử có thể tiến hành một cuộc hủy diệt hàng loạt. Al Qaida đã nói là chúng đang tìm kiếm bom nguyên tử. Và chúng ta biết rằng các vật liệu hạt nhân không được bảo đảm an toàn thì có ở khắp nơi trên thế giới. Để bảo vệ những người dân, chúng ta phải kiên quyết hành động không chậm trễ.

Hôm nay, tôi thông báo một nỗ lực mới của quốc tế nhằm bảo đảm an toàn trong vòng bốn năm tới tất cả các thiết bị hạt nhân nhậy cảm trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ định ra những chuẩn mực mới, mở rộng hợp tác với nước Nga và tìm cách có được những quan hệ đối tác mới để quản lý chặt chẽ những vật liệu nhậy cảm này.

Chúng ta cũng phải tiếp tục các nỗ lực để xóa bỏ những thị trường đen, phát hiện, ngăn chặn các vật liệu quá cảnh và sử dụng các công cụ tài chính nhằm phá vỡ hoạt động buôn bán nguy hiểm này. Do mối đe dọa này có thể còn kéo dài, chúng ta phải cùng nỗ lực nhắm biến đổi những biện pháp như Sáng kiến an ninh chống phổ biến hạt nhân và Sáng kiến toàn cầu đấu tranh chống khủng bố hạt nhân thành những định chế quốc tế bền vững. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an ninh hạt nhân mà Hoa Kỳ sẽ tổ chức từ nay đến năm tới.

Tôi biết rằng một số người sẽ tự hỏi phải chăng chúng ta có khả năng tiến hành một chương trình rộng lớn đến như vậy. Một số người khác sẽ nghi ngờ về khả năng hợp tác quốc tế thực sự, do có những khác biệt không tránh khỏi giữa các quốc gia (…)

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫy tay chào công chúng sau bài diễn văn đọc tại quảng trường Hradcany, Praha, ngày 05/04/2009Ảnh : Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫy tay chào công chúng sau bài diễn văn đọc tại quảng trường Hradcany, Praha, ngày 05/04/2009
Ảnh : Reuters

Nhưng xin đừng lầm lẫn : chúng tôi biết điều này đi đến đâu. Khi mà các quốc gia và dân tộc để cho các bất đồng thắng thế, thì hố ngăn cách giữa họ sẽ ngày càng sâu. Nếu chúng ta không muốn tìm kiếm hòa bình, thì hòa bình sẽ luôn luôn nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Tố cáo hay chối bỏ một lời kêu gọi hợp tác thì dễ và hèn nhát. Cũng chính vì thế mà các cuộc chiến tranh đã nổ ra và  bắt đầu và chính ở đó mà nhân loại ngừng tiến bộ. 

Chúng ta phải đương đầu với bạo lực và bất công trên thế giới. Nhưng chúng ta đương đầu không phải bằng cách chia rẽ mà phải đoàn kết lại, như các quốc gia tự do, các dân tộc tự do. Tôi biết rằng lời kêu gọi cầm vũ khí thay vì lời kêu gọi hạ vũ khí có thể khuấy động tâm trí mọi người, nam cũng như nữ. Chính vì vậy, tất cả những tiếng nói vì hòa bình và tiến bộ phải đồng thời cất lên.  

Chính những tiếng nói này còn âm vang trên đường phố Praha. Đó là những linh hồn của năm 1968. Đó là những âm thanh mừng vui của cuộc Cách Mạng Nhung. Đó là những người dân Séc đã góp phần lật nhào một đế chế có vũ khí nguyên tử mà không cần đến một phát súng nào.

Vận mệnh nhân loại sẽ do chúng ta tạo ra. Tại đây, ở Praha, chúng ta vinh danh quá khứ bằng cách hướng về một tương lai tốt đẹp nhất. Chúng ta hãy vượt qua những chia rẽ, tạo dựng hy vọng và chấp nhận trách nhiệm để lại một thế giới phồn thịnh hơn và hòa bình hơn cái thế giới mà chúng ta đã thấy. Xin cảm ơn.