Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Phóng sự cộng đồng người Việt tại Praha – phần III : Ngôi làng Việt Nam trên đất Cộng Hòa Séc

  Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 14/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  15/04/2009 18:55 TU

Có người từng nói, người Việt sống tại quận Cam, bang California Hoa Kỳ không cần biết tíếng Mỹ vẫn có thể sinh hoạt thoải mái vì cộng đồng Việt Nam tại đây rất đông. Anh Trần Quang Hùng, tổng giám đốc công ty VietMedia tại Praha cũng có câu nói tương tự khi nhắc tới Trung Tâm Thương Mại Sapa ở Praha 4. Anh nói « Tới đây cũng giống như về nhà thôi ! ». Lời ví von này không quá đáng.

Tới Trung Tâm Thương Mại Sapa, bạn sẽ có cảm giác như sống trong nước. Buổi sáng sớm, các quán ăn với đủ món điểm tâm Việt Nam từ phở, bánh cuốn, bún chả… đã mở cửa đón khách, trong lúc các quầy hàng bán buôn đủ lọai hàng hóa bắt đầu trưng bày hàng đón một ngày mới. Xe tải nhỏ ra vào tấp nập, tiếng bạn hàng í ới gọi nhau.

Càng về trưa, số người ra vào Trung Tâm Sapa càng tấp nập thêm. Người đi buôn tới mua hàng, khách đi chợ, và đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, có thêm  nhiều người lao động Việt Nam bị thất nghiệp tới đây tìm việc làm hay sự giúp đỡ của người đồng hương.

Trung Tâm Thương Mại Sapa như tên gọi là một địa điểm buôn bán. Trên diện tích đất tư nhân rộng 35 hecta, bắt đầu hình thành từ năm 1999 hiện có khoảng ba ngàn người Việt kinh doanh đủ các mặt hàng, mà tuyệt đại đa số là hàng may mặc. Các dịch vụ ăn uống, văn phòng, đời sống cũng có mặt tại đây. Ngày cuối tuần, Trung Tâm Thương Mại Sapa rộn rịp hẳn lên với cả chục ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về mua sắm ăn uống, kể cả người dân địa phương. Các em nhỏ được cha mẹ đưa tới các lớp học thêm đủ trình độ hay chuyên tiếng Việt.

Người Việt tại Cộng Hòa Sec chủ yếu làm nghề buôn bán

Bác Vũ Thị Thư, một Việt kiều "lão làng" tiếp chúng tôi tại Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm trong khuôn viên Sapa. Nói về nguyên nhân người Việt ở Cộng Hòa Séc tập trung vào việc buôn bán, bác Thư cho biết :

"Cộng đồng người Việt Cộng Hòa Séc hình thành từ những người sang công tác, đi học hay đi lao động. Nhưng sau Cách mạng Nhung 1989, Cộng Hòa Séc mở ra thị trường rộng rãi hơn, từ đó, người Việt Nam ở lại đây để kinh doanh. Có xin đi làm thì cũng không ai thuê mướn, con số người đi làm công chắc không bao nhiêu. Rồi công việc buôn bán cứ phát triển dần, người Việt sinh sống ở đây đón con cháu sang, mua nhà cửa, phát triển thêm.

Nhưng giờ đây, do tình hình khó khăn kinh tế toàn thế giới, công việc của chúng tôi cũng gặp khó khăn theo. Phần lớn người ở đây buôn bán mặt hàng quần áo may sẵn nhập từ Việt Nam, Trung Quốc, Ba Lan hay các nước lân cận, họ bán sỉ cho các bạn hàng từ nơi khác đến. Mặt hàng vải chiếm đến 90% nguồn kinh doanh tại đây, các mặt hàng khác như thực phẩm, máy móc điện tử… chỉ chiếm con  số rất ít". 

Một cửa hàng thực phẩm Việt Nam trong Trung Tâm Thương Mại SapaẢnh : Ánh Nguyệt / RFI

Một cửa hàng thực phẩm Việt Nam trong Trung Tâm Thương Mại Sapa
Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Do người Việt định cư tại Cộng Hòa Séc ngày càng đông, nhu cầu ẩm thực theo lối Việt Nam bắt đầu tăng thêm. Một số doanh nhân bắt đầu khai thác ngành hàng lương thực, thực phẩm nhập từ trong nước trong đó có anh chị Tâm Hằng.

"Chúng tôi kinh doanh mặt hàng thực phẩm châu Á cũng đã sáu bảy năm nay rồi, chủ yếu là những mặt hàng khô để phục vụ công đồng ở đây có nhu cầu mua hàng Việt Nam như gạo, nấm hương, mộc nhĩ, nước mắm, măng khô.. Chúng tôi chỉ nhập các mặt hàng khô, còn hàng tươi sống hay đông lạnh đã có các cửa hàng khác phụ trách. Hàng từ Việt Nam xuất sang đây đã được bộ Nông Nghiệp trong nước lo thủ tục xin phép, nhập vào đây phải qua thủ tục kiểm phẩm, hải quan rất gắt gao. Hàng của chúng tôi nhập chủ yếu bán cho người Việt, khách tây cũng có mua nhưng rất ít. Họ mua những thực phẩm đã quen dùng như gạo là nhiều nhất, sau đấy là  bún, phở…

Việc buôn bán của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng của khó khăn kinh tế.  Ảnh hưởng dây chuyền. Các ngành khác buôn bán ế ẩm, họ chi tiêu dè sẻn hơn. Thực phẩm Việt Nam lại đắc hơn thức ăn tây vì giá hàng của mình còn phải tính thêm chi phí nhập khẩu, vận chuyển. Khi làm ăn được người ta chi tiêu rộng rãi không sao nhưng gặp lúc khó khăn ai cũng thắt bóp hầu bao, tính tóan hợp lý hóa túi tiền". 

Buôn bán sút giảm, kinh tế khó khăn là đề tài hầu như nói không bao giờ cạn của người Việt trong Trung Tâm Thương Mại Sapa. Anh Nguyễn Văn Sơn, kinh doanh mặt hàng bông vải sợi, giải thích các nguyên nhân khác nhau đưa tới tình hình hiện nay

"Tình hình buôn bán của cộng đồng người Việt trong Trung Tâm Thương Mại Sapa so với cách nay hai năm đã sút kém rất nhiều. Khó khăn kinh tế toàn cầu bây giờ bắt đầu tác động mạnh ở Tiệp. Khó khăn này đã ảnh hưởng tới công cuộc làm ăn của người Việt tại đây. Càng khó khăn thêm khi có thêm sự cạnh tranh khốc liệt của các siêu thị ; mặt khác, nhìều bạn hàng trong chợ nhận hàng từ kho mang về bán theo lối buôn đầu chợ, bán cuối chợ tức là không có sức cạnh tranh lâu dài. Việc buôn bán như thế sẽ ngày càng bị thu hẹp lại, chỉ có những ai có cơ sở có nguồn gốc thì  cạnh tranh được, còn những ai lấy đi lấy lại hàng hóa thì sẽ không cạnh tranh nổi, phải chuyển ngành hay ra làm dịch vụ, hay buôn bán nhỏ.  Rốt cuộc chỉ còn những người nào có nguồn hàng ổn định ở đầu vào và tiêu thụ tốt ở đầu ra là có thể tiếp tục tồn tại". 

Một phần gian hàng bán buôn quần áo trong Trung Tâm Thương Mại SapaẢnh : Ánh Nguyệt / RFI

Một phần gian hàng bán buôn quần áo trong Trung Tâm Thương Mại Sapa
Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Báo chí tiếng Việt, món ăn tinh thần không thể thiếu

So với các cộng đồng Việt Nam khác trên thế giới, đông đảo hơn, lâu đòi hơn,  tập thể người Việt ở Cộng Hòa Séc với khỏang sáu mươi ngàn người, chỉ có một thế hệ di dân định cư có thể hào hứng nói đến sinh họat báo chí của mình trên đất khách. Praha có 6 tuần báo tư nhân, mà đông đọc giả hơn cả là hai tờ Tuần Tin Mới, Thế Giới Trẻ với số phát hành sau bảy ngàn bản mỗi kỳ, bán sạch. Ngoài tờ báo điện tử Séc Việt, các báo khác như Sức Sống, Vạn Xuân, Xa Xứ mỗi tuần phát hành cũng ít nhất 2000 bản. Đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt ở Tiệp.

Anh Trần Quang Hùng, tổng giám đốc công ty ViệtMedia, chủ trương hai tuần báo Tuần Tin Mới, Thế Giới Trẻ hào hứng nói tới nghề làm báo tại đây

« Đầu tiên phải nói vì sao người Việt ở Séc chỉ có 60 000 người mà lại có đến bảy tờ  báo như thế. Thứ nhất là do bà con ở đây rất thích đọc báo giấy, nhiều người  cũng chưa biết cách tiếp cận với internet. Thứ hai là bà con ở đây chủ yếu là người bán hàng, trong khi chờ đợi khách hàng bà con đọc báo để biết thông tin của quê nhà, của nước sở tại và ngòai ra còn đọc được những sáng tác thơ văn của chính người tại đây viết ra. Thành ra có người mua một lúc hai ba tờ báo để đọc. Các báo ở đây cạnh tranh cũng cạnh tranh với nhau nhưng không phải bằng cách chỉ trích hay lôi kéo bè phái mà âm thầm cạnh tranh bằng bài vở của mình. Đối với bà con ở đây nếu có thêm hai ba tờ báo nữa họ vẫn mua.

Tòa soạn báo Tuần Tin Tức, thuộc công ty VietMedia. Người đứng góc phải là ông Trần Quang Hùng, tổng giám đốc công ty Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Tòa soạn báo Tuần Tin Tức, thuộc công ty VietMedia. Người đứng góc phải là ông Trần Quang Hùng, tổng giám đốc công ty
Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Anh em làm báo ở đây vì lòng nhiệt thành muốn đưa thông tin tới đồng hương chứ thực sự tại Cộng Hòa Séc không ai có thể sống bằng đồng lương của nghề làm báo cả. Các anh em làm báo tại đây đều có một nghề nghiệp chính để ổn định cuộc sống, víết báo là nghề tay trái.

Do đó, báo chí tại đây đều là tuần báo, trong tuần anh em tìm kiếm tin tức bài vở và cuối tuần tập họp nhau lại ra báo. Nếu nói về lợi nhuận từ công việc làm báo thì không ai sống với nghề làm báo được cả. Về phát hành báo chí thì tại đây có một lọat các cửa hàng thực phẩm châu Á, người ta có xe tải nhỏ đi giao hàng ở những khu tập thể của người Việt Nam ở những vùng xa xôi và mỗi lần đi giao hàng họ đều mang theo báo đi bán. »

Làm báo tại Cộng Hòa Séc là công việc tài tử và đòi hỏi lòng yêu thích của người làm công việc này. Anh Nguyễn Hòai Vũ, giám đốc điều hành tuần báo Vạn Xuân phát hành tại Cộng Hòa Séc từ năm năm qua cho biết, tờ báo có năm người chăm lo phần bài vở và trình bày. Người làm báo chủ yếu do tâm huyết và sự yêu thích vì đồng lương không bao nhiêu. Tờ báo sống được phần lớn là do nguồn thu từ quảng cáo.

Giữ nguồn gốc Việt cho thế hệ thứ hai

Thế hệ thứ hai của cộng đồng Việt Nam tại Cộng Hòa Séc đang lớn dần. Nếu người Việt Nam định cư tại đây từ vài ba mươi năm có rất ít người tham gia vào guồng máy công tư chức địa phương, phần lớn là do trở ngại về văn hóa, ngôn ngữ. Với thế hệ con em sinh ra hoặc lớn lên tại quê người, trở ngại này không còn nữa, nhưng các bậc cha mẹ lại bận tâm với việc giữ gìn cội rễ cho các cháu. Các lớp dạy tiếng Việt tại Trung Tâm Thương Mại Sapa ra đời vì thế. Một giáo viên được mời từ trong nước sang đứng lớp, dạy tiếng Việt cho các học sinh theo đúng chương trình giáo dục trong nước.

Cô giáo Đỗ Bích Hậu cho biết :

"Vì các cháu trong lớp có nhiều trình độ khác nhau nên em phải chuẩn bị bài vở các em ra giấy từ nhà. Vào lớp đầu tiên là phải kiểm tra xem các cháu có làm bài tập ớ nhà hay không, rồi chữa bài, giảng dạy bài mới. Lớp học dạy đầy dủ các môn, từ ngữ pháp tiếng Việt cho tới chính tả, lịch sử. Vì lớp có nhiều trình độ nên các cháu mới bắt đầu học sẽ chỉ được dạy tập đọc, tập viết, khá hơn sẽ được dạy về lịch sử, địa lý,  phong tục tập quán Việt Nam và cả văn học nữa. Có nhiều cháu thông minh, tiếp thu rất nhanh quá sự mong đợi của em nhưng có nhìều cháu  còn mải chơi, học rất chậm hoặc không làm bài tập ở nhà, không chịu nói, không như ý của em". 

Người Việt thế hệ 2 trong một lớp học thêm thuộc Trung Tâm Luyện Thi Success Trần Trí Dũng trong Trung Tâm Thương Mại SapaẢnh : Ánh Nguyệt / RFI

Người Việt thế hệ 2 trong một lớp học thêm thuộc Trung Tâm Luyện Thi Success Trần Trí Dũng trong Trung Tâm Thương Mại Sapa
Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Dạy tiếng Việt để nhắc các trẻ không quên tiếng mẹ đẻ còn được chuẩn bị từ lúc các cháu còn thơ, mới bập bẹ nói. Nhà trẻ và lớp mẫu giáo Sen Việt trong khuôn viên Trung Tâm Thương Mại Sapa với học phí hằng tháng 300 euro mỗi cháu bé vẫn thu hút được nhiều phụ huynh có mong ước con cái lớn lên sẽ nói tíếng tiếng Việt sõi bên cạnh tiếng địa phương mà các em bắt buộc phải theo học ở trường.

Một ngôi chùa cho người Việt trên đất Tiệp

Hiện giờ khu tập trung đông đáo người Việt Nam theo đạo Phật tại Praha chỉ có một nơi thờ cúng Phật là Niệm Phật đường Vĩnh Nghiêm trong Trung Tâm Thương Mại Sapa. Ý nguyện của bác Hoa Tâm Vũ Thị Thư trông nom Niệm Phật đường là xây dựng dược một ngôi chùa khang trang như ở Pháp, Đức chẳng hạn.

"Người Việt Nam ở Tiệp rất đông nhưng chưa có ngôi chùa nào để thờ cúng Phật. Ước nguyện của tôi là làm sao xây dựng được một ngôi chùa như ở Pháp, ở Mỹ, hay như ở Đức và nhiều nước khác mà chứng tôi đã đi qua. Cái khó khăn cho người Việt Nam ở Tiệp là chứng tôi sang đây vào thời cộng sản, nhiều khó khăn. Nay nhiều người đã thành đạt, cuộc sống dễ dãi, tôi ước mong có một ngôi chùa để thờ Phật, có nơi để ngày rằm, mồng một bà con có thẻ đến để  đốt hương cúng Phật, làm lễ.

bác Hoa Tâm Vũ Thị Thư và uớc mơ xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Cộng Hòa SécẢnh : Ánh Nguyệt / RFI

bác Hoa Tâm Vũ Thị Thư và uớc mơ xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Cộng Hòa Séc
Ảnh : Ánh Nguyệt / RFI

Hiện giờ, chúng tôi đã mua được 12 ngàn mét vuông đất, cạnh đây thôi, dự tính năm 2010 sẽ khởi công với tổng chi phí ước tính khỏang triệu đôla. Hiện giờ, tôi chưa nắm trong tay món tiền này, nhưng tôi tin tưởng rằng khi đã có nhát cuốc đầu tiên xây dựng chùa, tôi sẽ huy động được sự đóng góp của những người hằng tâm hằng sản tại đây".

Không phải chờ đến khi một ngôi chùa Việt Nam được xây dựng uy nghi trên đất Tiệp ngay từ bây giờ các Phật tử hay những người có lòng thành kính hướng vè đức Phật vẫn có thể tìm đến Niệm Phật đường bé nhỏ nhưng ấm áp tình người trong ngôi làng Việt Nam trên đất Cộng Hòa Séc.

Ngôi làng ấy với hương vị đặc biệt Việt Nam từ nếp sống nếp nghĩ của tập thể những con người có đầy đủ những tính tốt lẫn tật xấu của người Việt đang lớn dần thêm, mạnh dạn thêm dù trong cơn sóng gió kinh tế thế giới.