Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Kim tự tháp điện Louvre tròn 20 tuổi

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 18/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  19/04/2009 11:35 TU

Từ một công trình xây dựng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử ngành kiến trúc, trong vỏn vẹn hai mươi năm, kim tự tháp bằng kính trong khuôn viên bảo tàng Louvre đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp ngang hàng với tháp Eiffel, hay Nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris

(Đức Tâm/RFI)

(Đức Tâm/RFI)

Ngày 30/3/1989 tổng thống François Miterrand chính thức cắt băng khánh thành Kim Tự Tháp và hai ngày sau đó khách tham quan đã được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc rất lạ mắt bằng kính trong suốt, với chiều cao hơn 20 thước ; mặt đáy vuông, mỗi cạnh 35 thước, ngay tại chính giữa sân Napoleon nối liền bảo tàng Louvre với vườn Tuileries.

Cửa vào Kim Tự Tháp và cũng là cửa chính để vào tham quan viện bảo tàng Louvre. Bên trái là khu triển lãm Gallerie Richelieu, bên phải là Gallerie Denon, và ở sau lưng Kim Tự Tháp thì có Gallerie Sully.

95 tấn thép. 105 tấn nhôm. 673 tấm kính hình quả trám với kích thước 2,9m x 1,9m ; đây phải là loại kính đúp, được tráng bằng hai lớp, mỗi lớp dày 10 mm. Do là những tấm kính đúp cho nên, ngay từ đầu kiến trúc sư Pei đã xác định đây phải là một loại kính cực trắng và trong ở một mức độ gần như tuyệt đối, nếu không thì : « những tấm kính này dưới ánh sáng mặt trời ngả sang màu xanh lá cây. Kim Tự Tháp với bốn bề là kính, sẽ ngả thành một thứ màu xanh đậm (…) làm thay đổi hẳn bộ mặt của điện Louvre, sẽ phá hỏng mất cái màu vàng mật của viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới này. Đó là điều không thể chấp nhận được ».

(Thanh Hà/RFI)

(Thanh Hà/RFI)

Chính vì không muốn để người Pháp « nguyền rủa (ông) ngàn đời sau» mà kiến trúc sư Pei không ngần ngại nhờ tổng thống Mitterrand can thiệp, để tìm bằng được một loại kính chưa từng lưu hành trên thị trường. Cùng với tập đoàn cung cấp kính nổi tiếng nhất của Pháp là Saint Gobain, kiến trúc sư Pei tìm ra cả một quá trình chế tạo đặc biệt chỉ để phục vụ riêng cho Kim Tự Tháp.

Kính được dùng để thiết kế Kim Tự Tháp phải sử dụng một loại cát trắng và mịn chỉ tìm thấy ở khu vực rừng Fontainbleau, ngoại ô phía Nam Paris. Khi ra lò, những tấm kính ngoại hạng này phải được mang sang Anh Quốc để mài với độ phẳng tuyệt đối. Cha đẻ của Kim Tự Tháp nhìn nhận là để tạo được một viên kim cương hoàn hảo cho điện Louvre, giữ trọn màu sắc thiên nhiên của khung trời Paris dưới một lớp kính không phải chuyện dễ làm.

Ánh sáng tự nhiên của bầu trời  Paris(Thanh Hà/ RFI)

Ánh sáng tự nhiên của bầu trời Paris
(Thanh Hà/ RFI)

Một thách thức khác đặt ra cho êkíp kiến trúc sư là phải tính đến cấu trúc của Kim Tự Tháp. Đấy phải là một « bộ xương » bằng thép vừa nhẹ vừa thanh mà phải đủ sức để giữ đủ 675 tấm kính do Saint Gobain cung cấp.   

Một trong những yếu tố giúp ông  Ieoh Ming Pei vượt qua mọi thử thách trong quá trình kiến thiết Kim Tự Tháp là do ông đã bỏ công đào sâu để tìm hiểu về bề dày lịch sử của nước Pháp, của điện Louvre và ông đã hết sức tôn trọng kho tàng văn hóa hàng trăm năm ấy.

Vào thế kỷ thứ 17, chính nhà vua Louis thứ 14 đã nhờ nghệ nhân Le Nôtre thiết kế lại vườn thượng uyển Jardin des Tuileries. Hơn ba trăm năm sau, Pei tiếp tục công trình của Le Nôtre : tựa như người đi trước, ông cũng dùng bóng, nước để làm tăng vẻ đẹp của Kim Tự Tháp trong khuôn viên điện Louvre. Pei dùng những tấm kính của Kim Tự Tháp và hồ nước chung quanh để phản chiếu bầu trời Paris.

Kim Tự Tháp của Pei là một công trình hiện đại thể hiện sự tiếp nối của nghệ thuật, của nền kiến trúc và của giòng lịch sử nước Pháp, chứ không phải là để đoạn tuyệt với tất cả. Chính để thể hiện lòng tôn trọng của ông đối với quần thể kiến trúc của điện Louvre mà Ieoh Ming Pei đã tránh dựng nên một chiếc kim tự tháp bằng đá. Theo ông, đây là một thứ nguyên liệu có thể « cạnh tranh » với điện Louvre

Ngoài Kim Tự Tháp chính, tức cánh cổng ra vào điện bảo tàng Louvre thì còn có ba kim tự tháp con, nhỏ hơn rất nhiều bọc ở ba phía – trừ cổng chính ra vào – và một kim tự tháp đảo ngược xây dựng dưới lòng đất trong khuôn viên khu thương mại Carrousel de Louvre  

Tiểu thuyết điều tra hình sự nổi tiếng của nhà văn Dan Brown mang tựa đề Da Vinci Code nêu lên giả thuyết mộ phần của nữ thánh Madeleine được đặt ngay dưới Kim Tự Tháp đảo ngược.

Kim Tự Tháp nay đã trở thành một trong những kỳ quan của điện Louvre, chỉ thua có bức chân dung của nàng Mona Lisa và tượng nữ thần Venus de Milo của Hy Lạp. Nhờ có Kim Tự Tháp, lượng khách tham quan bảo tàng Louvre hàng năm nhảy vọt từ ba đến tám triệu rưỡi trong vòng hai thập niên.

Kim Tự Tháp đảo ngược(Đức Tâm/RFI)

Kim Tự Tháp đảo ngược
(Đức Tâm/RFI)

Kim Tự Tháp đã trở thành một di tích không thể tách rời với điện Louvre. Ngược dòng thời gian, vào đầu thập niên 1980 thế kỷ trước, bốn tháng sau khi trở thành chủ nhân điện Elysée, tổng thống François Mitterrand bắt đầu hướng đến kế hoạch mở rộng bảo tàng Louvre trong chương trình mang tên  « le Grand Louvre ».

Mục tiêu là thứ nhất mở rộng thêm các không gian triển lãm, chuyển bộ Tài chính khi ấy còn được đặt tại cánh Richelieu của điện Louvre đi nơi khác tăng thêm diện tích của viện bảo tàng. Thứ nhì là tạo nên một không gian xuyên suốt trong  cuộc « hành trình » văn hóa của khách tham quan bảo tàng, tránh để có sự cắt quãng giữa các khu triển lãm. Ở điểm này Kim Tự Tháp của Pei nối liền các Gallerie Richelieu với Sully và Denon.

Thế nhưng dự án xây dựng Kim Tự Tháp trong khuôn viên cổ kính của điện Louvre cũng là một trong những công trình gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của ngành kiến trúc. Có rất nhiều tiếng nói cho rằng Kim Tự Tháp từ hình thể đến vật liệu (thép, nhôm, kính …) hoàn toàn không thích hợp với phong cách của cổ điển của điện Louvre.

Kẻ bênh, người chống. Những người ủng hộ công trình « hiện đại hóa » bảo tàng Louvre thì cho rằng dự án xây dựng kim tự tháp đã nảy sinh từ dưới triều đại hoàng đế Napoléon. Ngược lại những tiếng nói thuộc thành phần bảo thủ thì quan niệm rằng ý đồ táo bạo của Pei sẽ làm mất đi cái « hồn » của điện Louvre.

Cuộc tranh luận vượt ra ngoài phạm vi văn hóa để trở thành một đề tài chính trị. Nhưng cuối cùng, chính chiều sâu văn hóa của kiến trúc sư Ieoh Ming Pei, chính thái độ vô cùng khiêm tốn của ông trước 800 năm lich sử của điện Louvre - và trong một chừng mực nào đó  ông đã chứng tỏ là một nhà ngoại giao đại tài để thuyết phục được những thành phần cực đoan nhất - đã là yếu tố quyết định.

Năm 1983, khi tổng thống François Mitterrand đề ra kế hoạch mở rộng bảo tàng Louvre, cố vấn của ông Emile Biasini đã nghĩ ngay đến kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Ieoh Ming Pei. Khi ấy Pei đã ngoài thất tuần. Từ lâu ông không còn tham gia vào các cuộc gọi thầu. Là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng, như John Hancok Tower, thư viện John Kennedy ở Boston, Đại học Rochester của New York, trụ sở của ngân hàng JP Morgan Chase tại Houston, cánh phái đông của bảo tàng National Gallery of Art tại Washington, Pei không khỏi ngạc nhiên khi ông được mời tham gia vào một công trình đồ sộ và đầy tham vọng mà tổng thống Pháp thời đó đặt ra.

Cầu thang ở bên trong Kim Tự Tháp(Thanh Hà/RFI)

Cầu thang ở bên trong Kim Tự Tháp
(Thanh Hà/RFI)

Khi đó ông không vội vàng nhận lời chủ nhân điện Elysée, mà đã xin có thời hạn là bốn tháng để trả lời. Bốn tháng để nghiên cứu về lịch sử nước Pháp để tìm hiểu về một công trình đã được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ thứ 12. Bốn tháng để suy nghĩ xem ông có tô điểm thêm như thế nào cho một di tích đã hơn 800 năm tuổi, đã bao lần đổi chủ và đã từng là chứng nhân của biết bao nhiêu triều đại.

Bốn tháng ấy để có một cái nhìn tổng quát về cả một nền văn minh, phản chiếu qua điện Louvre. Trong hồi ký Pei nhắc lại : khi « đặt điều kiện » bốn tháng để nghiên cứu với François Mitterrand ông nghĩ rằng tổng thống Pháp sẽ « biết ơn » ông về một sự chín chắn, không vội vàng của một kẻ háo danh muốn để lại dấu ấn của mình bên cạnh một di tích lịch sử hiếm có như điện Louvre.

Thế nhưng, do ông Mitterrand thể nào cũng muốn cắt băng khánh thành Kim Tự Tháp trước khi mãn nhiệm cho nên thời gian suy nghĩ bốn tháng của Pei là quá dài. Chắc chắn François Mitterrand sẽ khước từ. Kiến trúc sư Ieoh Ming Pei không khỏi ngạc nhiên khi tổng thống Pháp chỉ trả lời ngắn gọn « très bien – rất tốt ». Đấy là điểm khởi đầu của công trình Kim Tự Tháp điện Louvre.

(Đức Tâm/RFI)

(Đức Tâm/RFI)

20 năm sau nhìn lại, chính sự chín chắn của Pei, đức tính khiêm tốn của một con người của một nghệ nhân của một nhà kiến trúc là yếu tố quyết định để tái tạo lại bộ mặt của bảo tàng Louvre. Như lời giám đốc điều hành Bảo tàng « Kim Tự Tháp là cửa ngõ đưa điện Louvre vào thế giới đương đại » Công trình to lớn này của Pei là bằng chứng cho thấy không nhất thiết phải đoạn tuyệt với quá khứ, hủy hoại cái đẹp cổ xưa để bước vào thế giới hiện đại.