Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 20/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/04/2009 12:43 TU

Tàu chiến Trung Quốc ngoài khơi Thanh Đảo tham dự lễ kỷ niệm 60 thành lập Hải quân(Ảnh : Reuters)

Tàu chiến Trung Quốc ngoài khơi Thanh Đảo tham dự lễ kỷ niệm 60 thành lập Hải quân
(Ảnh : Reuters)

Sự tăng cường lực lượng Hải quân không khỏi gây lo ngại cho các nước châu Á và Hoa Kỳ. Những kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc hoàn toàn vượt quá giới hạn của mục tiêu gọi là ''phòng thủ bảo vệ lãnh hải và phát triển kinh tế''

Trong suốt bốn ngày kể từ hôm nay, ở ngoài khơi bờ biển thành phố Thanh Đảo, Hải quân Trung Quốc tổ chức một loạt các hoạt động kỷ niệm 60 thành lập binh chủng này.

Nhân dịp này, Bắc Kinh đã mời đoàn đại biểu hải quân của 29 nước và 21 chiến hạm các loại của 14 quốc gia. Trong số các đại diện ngoại quốc, có tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, đô đốc Gary Roughead và trong số các chiến hạm được mời đến có cả chiến hạm USS Fitzgerald của Mỹ.

Theo Tân Hoa Xã, các hoạt động kỷ niệm nói trên có chủ đề là '' Hải dương hài hòa'' nhằm gọi là ''tăng cường hợp tác an ninh trên biển, cùng kiến tạo môi trường biển hài hòa''. Nhưng rõ ràng đây sẽ là dịp để Trung Quốc phô trương lực lượng của Hải quân.

Hải quân Trung Quốc được thành lập ngày 23 tháng 4 năm 1949, tức là nhiều tháng trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức ra đời.  Ban đầu, lực lượng Hải quân này chỉ có trong tay 19 chiến hạm và 17 tàu khác, tịch thu được khi một đơn vị thuộc hạm đội của Quốc dân Đảng chạy sang đầu quân cho phe Cộng sản.

Sáu mươi năm sau, Hải quân Trung Quốc dĩ nhiên là lớn mạnh hơn nhiều. Không những thế, trong bài phỏng vấn đăng trên tờ nhật báo Anh ngữ China Daily số ra ngày 16/04 vừa qua, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh sẽ phát triển một thế hệ chiến hạm và phi cơ mới để binh chủng này có một tầm hoạt động rộng hơn.

Cụ thể, Hải quân Trung Quốc sẽ phát triển các chiến hạm lớn hơn, các tàu ngầm có khả năng đi xa hơn và các phi cơ siêu âm. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhắm đến việc phát triển các tên lửa tầm xa chính xác hơn, các ngư lôi bắn sâu dưới biển và nâng cấp toàn diện công nghệ thông tin cho Hải quân.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt cũng đã tuyên bố rằng Trung Quốc không muốn cứ vẫn là cường quốc duy nhất không có hàng không mẫu hạm, gián tiếp xác nhận là Bắc Kinh sẽ xây một hàng không mẫu hạm.

Sự tăng cường lực lượng Hải quân Trung Quốc không khỏi gây lo ngại cho các nước châu Á và Hoa Kỳ. Trong một báo cáo công bố vào tháng trước, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh là việc quân đội Trung Quốc tiếp tục trang bị các vũ khí tối tân đang làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á.

Ngoài Đài Loan, mục tiêu có tính chất truyền thống, việc hiện đại hóa quân sự này còn nhằm nâng cao khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc ở vùng biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Trong bản báo cáo này, Lầu năm góc lần đầu tiên đã xác nhận là Trung Quốc đã xây một căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam, để phục vụ cho đội tàu ngầm ngày càng đông, trong đó có cả những tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo.

Nói chung, những kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc hoàn toàn vượt quá giới hạn của mục tiêu gọi là ''phòng thủ bảo vệ lãnh hải và phát triển kinh tế''. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ gần đây đã tăng cường giám sát, bằng cách gởi thêm các tàu do thám đến vùng biển Đông.