Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hồ sơ ưu tiên số một của Quốc Hội Mỹ

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 21/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 17:12 TU

Một nhà máy điện mặt trời ở Bồ Đào Nha. Quốc hội Mỹ trong tuần này cũng sẽ xem xét một dự luật về phát triển năng lượng sạch.Photo: Uỷ ban châu Âu

Một nhà máy điện mặt trời ở Bồ Đào Nha. Quốc hội Mỹ trong tuần này cũng sẽ xem xét một dự luật về phát triển năng lượng sạch.
Photo: Uỷ ban châu Âu

Theo giới quan sát, dưới sức ép của chính quyền Obama, vấn đề thay đổi khí hậu trên Trái đất đã trở thành ưu tiên số một của Quốc Hội lưỡng viện. Các cuộc thảo luận về « năng lượng sạch » được khởi động trong tuần này.

Mọi việc trở nên khẩn trương hơn sau khi Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ, EPA, hôm thứ sáu, 17 tháng tư vừa qua, đã tuyên bố rằng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là khí carbone, CO2, là nguy hiểm cho sức khỏe.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi ra thông báo cho biết là Quốc Hội sẽ cố gắng có được một dự luật về năng lượng sạch trong năm nay. Trong khi đó, ông Rahm Emanuel, phụ trách nhân sự Nhà Trắng, nói rõ hơn là vào cuối năm nay, văn bản này sẽ có mặt trên bàn làm việc của tổng thống.

Bước đầu tiên là từ thứ ba đến thứ sáu tuần này, Ủy Ban Năng Lượng Và Thương Mại của Hạ Viện tiến hành xem xét, đề xuất những nét chính cho một dự luật về năng lượng sạch. Thứ tư, 22/04, các dân biểu sẽ nghe thuyết trình của các bộ trưởng Năng Lượng, Giao Thông và giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường. Thứ sáu, đến lượt cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore, người có nhiều hoạt động vì môi trường, sẽ ra trình bầy trước Hạ Viện.

Theo AFP, dự luật đề ra mục tiêu rất cao. Cụ thể là Hoa Kỳ cam kết từ nay đến 2020, sẽ giảm thải 20% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005. Bước tiếp theo là giảm 42% vào năm 2030 và đến năm 2050 thì sẽ giảm tới 83%.

Văn bản cũng đề xuất việc thành lập một thị trường định mức thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô toàn liên bang, nhằm buộc các nhà sản xuất phải thúc đẩy đầu tư, lựa chọn giải pháp bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc phân bổ định mức chưa được xác định, nhưng có ý kiến nêu lên khả năng cấp định mức miễn phí cho một số ngành công nghiệp dễ bị tổn thương, bị cạnh tranh mạnh, như công nghiệp sản xuất thép, kính v.v.

Chuẩn bị cho thời kỳ hậu Kyoto

Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Barack Obama đã nhấn mạnh đến vấn đề môi trường. Do vậy, khi lên cầm quyền, ông đã đề xuất chi ra 150 tỷ đô la trong vòng 10 năm để thực hiện một chương trình đầu tư dài hạn, phát triển năng lượng tái tạo, cho phép tạo ra khoảng 5 triệu việc làm. Đồng thời, chính quyền Obama còn tiến hành vận động Trung Quốc cùng tham gia các nỗ lực quốc tế trong việc giảm thải khí CO2, chuẩn bị cho thời kỳ hậu Kyoto kể từ năm 2012.

Nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ tháng 2 năm 2005 và được 172 nước phê chuẩn. Một trong những nội dung chính của văn bản này là 38 nước công nghiệp phát triển cam kết đến năm 2012, sẽ giảm 5,2% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990. Thế nhưng, cả Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia có lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, lại không tham gia văn bản này.

Trung Quốc viện dẫn là nước đang phát triển, mới chỉ tiến hành công nghiệp hóa vài chục năm qua, không chịu trách nhiệm chính về tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất.

Năm 1998, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton đã ký nghị định Kyoto, nhưng chưa được Quốc Hội phê chuẩn. Đến năm 2001, chính quyền của tổng thống George Bush đã rút ra khỏi văn bản này, với lý do Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước cũng gây nhiều ô nhiễm lại không bị ràng buộc giảm thải khí CO2.

Đầu tháng hai vừa qua, Trung Tâm Châu Á Về Quan Hệ Mỹ-Trung và Trung Tâm Pew về Thay Đổi Khí Hậu Trên Thế Giới đã công bố một tài liệu có chủ đề « Lộ trình hợp tác Mỹ-Trung về Nhiên liệu và Biến đổi khí hậu », khuyến cáo Washington nên hợp tác với Bắc Kinh trên hai hồ sơ này.

Một trong những tác giả của báo cáo này là ông Steven Chu, giải  Nobel vật lý và hiện là bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề thay đổi khí hậu và năng lượng sạch là một hồ sơ gai góc tại Quốc Hội lưỡng viện. Các dân biểu đảng Cộng Hòa và ngay cả một số dân biểu đảng Dân Chủ, thuộc các tiểu bang có những ngành công nghiệp hoặc sản xuất năng lượng, đã bày tỏ sự nghi ngờ về cơ chế phân phát định mức thải khí CO2.

Một nguồn tin thân cận với đảng Dân Chủ cho biết là Hạ Viện có thể tiến hành bỏ phiếu dự luật về năng lượng sạch vào cuối tháng tám. Trong khi đó, Thượng Viện chưa lên lịch trình.

Quyết tâm giành thế chủ động trên hồ sơ môi trường của tổng thống Barack Obama còn thể hiện qua việc ông dự tính tới Copenhagen, Đan Mạch, để tham dự Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu, sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 18 tháng 12 năm nay.