Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Bổ nhiệm chủ tịch huyện cho quần đảo Hoàng Sa

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 25/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  25/04/2009 13:31 TU

Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa

Ngày 25.04.09, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chính thức bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ làm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, một quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm giữ từ năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Cho tới nay, mỗi khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền ở biển Đông, hầu như chỉ duy nhất có phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối. Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch huyện đảo dường như là bước cụ thể đầu tiên để Việt Nam khẳng định trở lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, sau nhiều năm vấn đề này vẫn là chủ đề cấm kỵ trên báo chí.

Thật ra thì chức chủ tịch huyện đảo chỉ là trên giấy tờ vì Hoàng Sa đang nằm trong tay Trung Quốc. Trụ sở của chính quyền huyện Hoàng Sa hiện vẫn phải đặt tại Sở Nội Vụ Đà Nẵng.

Trước mắt, theo lời tân chủ tịch huyện Đặng Công Ngữ, công việc của họ chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân hiểu biết thêm về Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Để làm được việc này, chính quyền Hoàng Sa sẽ thu thập các thông tin, tư liệu làm bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Cũng theo chiều hướng đó, chính quyền Đà Nẵng đã đặt cho nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương viết một cuốn sách về Hoàng Sa.

Theo tờ Tuổi Trẻ, cuốn sách mang tên ''Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của Việt Nam'' dự kiến được xuất bản vào tháng tới.

Thật ra, ông Nguyễn Phước Tương, đã ấp ủ ý định viết cuốn sách này từ lâu và từ 10 năm qua ông đã miệt mài thu thập khoảng 150 tài liệu chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn. Nhưng nay, cuốn sách này mới có dịp ra mắt công chúng.

Về cấp độ quốc gia, Bộ ngoại giao Việt Nam gần đây đã làm lễ tiếp nhận tờ lệnh quý về Hoàng Sa mà tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nối tiếp nhau gìn giữ từ suốt 175 năm qua.

Bên cạnh đó, có một sự kiện đáng chú ý đó là ngày 22/4 vừa qua, lần đầu tiên, một phái đoàn của quân đội Việt Nam đã lên tham quan một hàng không mẫu hạm của Mỹ, đó là chiếc USS John C. Stennis, đậu trên biển Đông.

Hãng tin Reuters trích lời một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ cho biết là phía Việt Nam đã xin tham quan hàng không mẫu hạng Mỹ từ lâu và chuyến tham quan này đã được sắp xếp từ nhiều tháng trước. Nhưng có có lẽ do trùng hợp về thời điểm, chuyến tham quan diễn ra ngay đúng vào lúc Trung Quốc đang chuẩn bị biểu dương lực lượng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập binh chủng Hải quân.

Nhưng có điều, chính quyền Hà Nội hiện vẫn còn rất e dè trước láng giềng phương Bắc và vẫn không ngần ngại dập tắt những tiếng nói từ người dân phản đối Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền. Bằng chứng là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam gần đây ra ra lệnh đình bản tờ Du Lịch trong ba tháng, vì tờ báo này bị coi là đã có ''sai phạm nghiêm trọng'' về luật Báo chí. Các lãnh đạo của báo Du Lịch bị coi là  ''đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp và nhạy cảm''.

Lý do là vì trong số báo Tết Kỷ Sửu 2009, tuần báo của Tổng cục Du Lịch đã đăng các bài viết ủng hộ những người đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn vào cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Phản ứng về quyết định đình bản, Phó tổng biên tập báo Du Lịch, ông  Nguyễn Trung Dân đã khẳng định là tờ báo của ông không hề có sai phạm. Theo ông, động viên lòng yêu nước của người dân là việc rất đáng làm. Đọc qua báo chí Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ còn có tờ báo điện tử VietnamNet là còn mạnh dạn đăng những bài báo bàn về tranh chấp chủ quyền biển Đông. Nhưng nhiều người sợ rằng sự tự do này sẽ không kéo dài.

Phải chăng cũng vì ngán ngại Trung Quốc mà chính quyền Việt Nam vẫn chưa đăng ký thềm lục địa mở rộng cho Liên hiệp quốc, trong khi ngày 13/5 tới đây là hạn chót để làm việc này?

Nhiều người trong giới luật gia đã liên tục cảnh báo về nguy cơ mất chủ quyền  biển Đông nếu Việt Nam không đăng ký kịp thời hạn, trong bối cảnh mà Trung Quốc đã có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75 % diện tích biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.