Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

MÔI TRƯỜNG

Hội nghị Thế giới về Đại Dương

  Đức Tâm,  Mai Vân

Bài đăng ngày 11/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày  11/05/2009 15:25 TU

Khai mạc tại Manado, Indonesia, mục tiêu nhằm vận động công luận về tác động của thay đổi khí hậu đối với biển. Hội nghị sẽ ra « tuyên bố Manado », trong tinh thần hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12. Thông tín viên Solène Honorine tường trình. 

Hội Nghị Thế Giới về Đại Dương khai mạc tại Indonesia nhằm vận động công luận về tác động của thay đổi khí hậu đối với biển.

Hôm nay, tại thành phố Manado, thủ phủ đảo Sulawesi, ở phía bắc Indonesia, đại diện của 70 quốc gia tham dự Hội Nghị Thế Giới về Đại Dương.

Đây là cuộc họp đầu tiên của cộng đồng quốc tế để bàn về những tác động của việc thay đổi khí hậu trên trái đất đối với biển.

Trong 5 ngày làm việc từ hôm nay đến thứ sáu, khoảng 1500 đại biểu đến từ các quốc gia, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, sẽ thảo luận nhiều vấn đề như bảo vệ các loài động thực vật ở biển và ngoài khơi đại dương, chuẩn bị các biện pháp đối phó với thiên tai, hậu quả của hiện tượng tăng nhiệt độ trên trái đất v.v.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ ra « tuyên bố Manado », trong tinh thần hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen, Đan Mạch, sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây.

Từ chỗ họp của Hội nghị, thông tín viên Solène Honorine tường trình : 

« Manado là một thành phố nhỏ, thường bị lãng quên, và chỉ được biết đến nhờ vùng đáy biển tuyệt vời tại đây, thu hút các tay thợ lặn khắp thế giới. Và cũng nhờ vịnh này mà Manoado đươc chọn làm nơi tổ chức Hội Nghị Thế giới về Đại Dương.

Manado nằm ở trọng tâm vùng gọi là Tam giác san hô, một khu vực rộng tương đương với một nửa diện tích của Hoa Kỳ.

Mức đa dạng sinh thái ở đây dồi dào đến độ mà nhiều người xem nó là rừng nguyên sinh Amazonie ở dưới đáy biển. Và chính những vùng như Tam giác san hô sẽ là chủ đề trọng tâm của các thảo luận trong Hội Nghị mở ra hôm nay.

Các khu vực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo toàn lương thực thế giới. Tại đây người ta đánh bắt đến 1/3 lượng cá thu nuôi sống hành tinh. Nhưng các khu vực này đang bị hiện tượng khí hậu ấm lên đe doạ.

Một số nhà sinh thái muốn cộng đồng quốc tế quan tâm đến các đại duơng trong cơ chế trao đổi về khí carbon trong các cuộc thương lượng cho thời hậu nghị định thư Kyoto. Nhưng vấn đề hiện nay là họ còn biết rất ít về tác động của hiện tượng khí hậu nóng lên đối với biển cả.

Đấy có thể là kết quả cụ thể nhất của cuộc họp lần này : rà soát lại tất cả những hiểu biết, thông tin khoa học liên quan đến Đại Dương đang bao phủ phần lớn diện tích điạ cầu ».