Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Đẩy mạnh chiến lược khống chế vùng Biển Đông

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 13/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày  18/05/2009 15:08 TU

Trung Quốc phái tàu tuần tra đến biển Đông (Reuters)

Trung Quốc phái tàu tuần tra đến biển Đông (Reuters)

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đấu triển khai cả một chiến lược nhằm xác lập và củng cố thế thống trị của họ trên vùng Biển Đông nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và 4 quốc gia khác trong khu vực
Trên nguyên tắc, hôm nay, 13 tháng 05 năm 2009, là thời hạn chót để các nước thuộc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nộp cho Ủy Ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc bản báo cáo về ranh giới khu vực phiá ngoài thềm lục địa mà mình muốn có thêm. Báo cáo của Việt Nam đã được nộp hôm mồng 7 tháng năm vừa qua.

Tuy nhiên, báo cáo này của Việt Nam lập tức bị Trung Quốc phản đối. Bắc Kinh cho rằng đường ranh giới mà Hà Nội đề nghị đã lấn vào phần lãnh hải mà Trung Quốc cho là của họ, vốn bao trùm khu vực Biển Đông.
 
Theo giới phân tích phản ứng trên đây của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên là vì trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đấu triển khai cả một chiến lược nhằm xác lập và củng cố thế thống trị của họ trên vùng Biển Đông nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và 4 nước khác trong khu vực.

Ba thành tố trong chiến lược khống chế Biển Đông

Theo các chuyên gia thông thạo tình hình Trung Quốc, chiến lược này của Trung Quốc bao gồm ba yếu tố chính : về mặt hành chánh thì thiết lập riêng một cơ quan đặc trách mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông, về mặt hành động thì phái tàu xuống tuần tra thường xuyên trong khu vực, còn về mặt quân sự thì tăng cường Hạm Đội Nam Hải chuyên trách vùng biển phiá nam Trung Quốc.

Về yếu tố thứ nhất, vào tháng tư vừa qua, một cơ quan thuộc bộ Ngoại giao Trung Quốc mang tên Vụ Biên giới và Đại Dương đã chính thức đi vào hoạt động. Theo thông báo hôm mồng 5 tháng năm vừa qua của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, thì Vụ này chuyên trách các vấn đề liên quan đến biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc, phân định ranh giới và giải quyết các tranh chấp, hoạch định chính sách biên giới cũng như tham gia đàm phán về các đề án đồng khai thác với nước ngoài. Ba chuyên gia được xem là dày dạn kinh nghiệm trong lãnh vực thương thuyết biên giới cũng như luật biển đã được cử đứng đầu cơ quan này.

Theo nhận xét của giớI quan sát, việc bổ nhiệm các chuyên gia vào lãnh đạo Vụ Biên giới và Đại Dương nhằm mục tiêu cũng cố cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, căn nguyên của những tranh chấp với nước ngoài trong thời gian gần đây. 
 
Nổi cộm mới đây là cuộc tranh cãi Mỹ Trung liên quan đến việc Hải quân Mỹ tiến hành các chiến dịch dọ thám tại khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ. Theo một chuyên gia thuộc Đại Học Bắc Kinh, thì cơ quan chuyên trách vừa được thành lập sẽ cho phép Trung Quốc xử lý tốt hơn các hồ sơ biên giớI, nhất là khi vấn đề bằng chứng và luật lệ quốc tế được đặt ra. Lý do thoe chuyên gia này, đó là vì Trung Quốc còn lạc hậu so vớI một số làng giềng trong đîa hạt này.

Tăng cường tuần tra và củng cố Hạm Đội Nam Hải

Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ tìm cách kiểm soát vùng Biển Đông bằng con đường luật pháp. Cũng trong tháng tư vừa qua, song song vớI việc thiết lập vụ Biên GiớI và Đại Dương, chính quyền Bắc Kinh đã tranh thủ sự cố liên quan đến quân hạm Mỹ Impeccable để phái ngay một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn xuống vùng Biển Đông.
 
Được gọi là tầu dân sự, nhưng thực ra chiếc Ngư Chính 311 là một quân hạm được cải tiến. Với trọng tải gần 4.500 tấn, đây là chiếc tàu do thám lớn nhất của Trung Quốc do một cơ quan dân sự quản lý. Sắp tới đây, Bắc Kinh sẽ gởi một chiếc tàu tuấn tra thứ hai xuống Biển Đông, trọng tải chỉ có khoảng 2500 tấn, nhưng lại mang theo trực thăng.

Song song với việc sử dụng lực luợng tàu thuyền gọi là ''dân sự'' để bảo vệ các quyền lợI của mình tại vùng biển Đông, từ đầu thập niên 90 đến nay, Trung Quốc càng lúc càng củng cố uy lực cho hạm đội Nam Hải của họ. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm vùng Quảng Đông cũng như khu vực Biển Đông.
 
Theo các thông tin báo chí, Bắc Kinh hiện đang có ý định điều các khu trục hạm lớn nhất của họ từ Hạm Đội Bắc Hải xuống Hạm Đội Nam hải, trong lúc các hàng không mẫu hạm họ dự trù chế tạo trong thời gian tới đây sẽ được giao cho Hạm ĐộI ở phiá Nam.

Tóm lại, chiến lược khống chế Biển đông của Trung Quốc bao gồm cả ba lãnh vực ngoại giao, luật pháp và quân sự. Tuy nhiên điều khiến giới quan sát lo ngại nhất chính là việc Trung Quốc tăng cường tuần tra tại vùng Biển Đông. Trong bối cảnh Hải quân Hoa Kỳ vẫn hoạt động trong vùng, và lực lượng Hải quân các nước láng giềng không thụ động, không thể loại trừ những sự cố đáng tiếc như vụ va chạm giữa phi cơ do thám Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc vào năm 2001.