Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương và di sản của Thiên An Môn

  Bảo Thạch

Bài đăng ngày 16/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày  18/05/2009 15:15 TU

Trong bản Hồi ký vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ, cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương xác nhận chế độ nghị viện Tây phương là giải pháp duy nhất thích hợp với Trung Quốc.

Ngày 19.05.1989, ông Triệu Tử Dương đến thăm sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn (Ảnh : AFP)

Ngày 19.05.1989, ông Triệu Tử Dương đến thăm sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn
(Ảnh : AFP)

Không chỉ là văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng và tiếng kêu vọng về từ cõi chết đòi công lý cho phong trào Thiên An Môn, hồi ký của Triệu Tử Dương còn chuyển tải đến thế hệ trẻ Trung Quốc bài học về dân chủ. Đây mới chính là ý nghĩa thực sự của di sản Thiên An Môn  mà lãnh đạo Bắc Kinh đã muốn dập tắt 20 năm qua.

Tính sổ với Lý Bằng và Đặng Tiểu Bình

« Tôi không muốn là vị tổng bí thư đã ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên …». Hồi ký bí mật của Triệu Tử Dương đã tường thuật lại các mưu đồ của ông Lý Bằng để sử dụng bạo lực trấn áp sinh viên, thay vì tìm một giải pháp hòa bình.

Vào ngày 26 tháng 4 năm 1989, tức là khỏang một chục ngày trước khi quân đội huy động xe tăng và chiến xa bắn vào hàng ngàn thanh niên ở trung tâm Bắc Kinh, Lý Bằng lúc đó ở cương vị Thủ tướng đã lợi dụng cơ hội Tổng bí thư Triệu Tử Dương công du Bắc Triều Tiên để đăng tải một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo lên án phong trào biểu tình Thiên An Môn là « chống đảng»«chống chủ nghĩa xã hội».

Theo Triệu Tử Dương, lời kết tội này đã châm ngòi lửa căm giận chính quyền nơi sinh viên và đặt chính quyền vào thế đối địch với phong trào Thiên An Môn. Ông Triệu Tử Dương cho biết, trước thủ đọan này, nếu như Lý Bằng không đổ dầu vào lửa  thì tình hình sẽ bớt căng thẳng và có khả năng sinh viên và thanh niên biểu tình sẽ được thuyết phục, chấm dứt việc chiếm giữ Thiên An Môn.

Hồi ký của Triệu Tử Dương mở đầu bằng những nỗ lực của vị Tổng bí thư, vào lúc đó, tháng tư, tháng năm, cho đến tháng  sáu, để tìm cách ngăn chặn vụ đàn áp đẫm máu và cho thấy đường lối mềm dẻo của ông sẽ bị các đối thủ trong đảng, các phần tử cứng rắn giáo điều vin vào đó để lọai trừ ông.

Đặng Tiểu Bình là người bị Triệu Tử Dương vạch mặt chỉ tên là tác giả của vụ đàn áp Thiên An Môn. Cho dù  không còn là lãnh đạo số một của đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1987, nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn giữ chức vụ chủ chốt trong guồng máy đảng với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương.

Triệu Tử Dưong viết : « Đặng Tiểu Bình lúc nào cũng thiên về các biện pháp cứng rắn khi ứng xử với các cuộc biểu tình của sinh viên, vì ông tin chắc là biểu tình làm tổn hại sự ổn định. Ông lúc nào cũng nhấn mạnh đến chuyên chính (…). Mỗi khi ông nhắc đến ổn định là ông nhấn mạnh đến chuyên chính» .

Tiết lộ khác của Hồi ký Triệu Tử Dương liên quan đến quyết định kêu gọi quân đội can thiệp chống ngừơi biểu tình.

Triệu Tử Dương xác nhận không hề có việc bỏ phiếu về quyết định này trong Ủy Ban Thừơng vụ Bộ chính trị. Do đó về việc này, Hồi ký cho thấy chẳng những vụ đàn áp Thiên An Môn đã vi phạm quy định trong đảng, mà hơn nữa, nếu đưa ra bỏ phiếu, chưa chắc là đề nghị đàn áp bằng quân đội sẽ được năm thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị thông qua.

Di sản Thiên An Môn : Cải tổ kinh tế phải đi đôi với cải tổ chính trị

Hồi ký của Triệu Tử Dương không chỉ tính sổ với các nhân vật bảo thủ, bản di chúc này kể lại hành trình gian khổ của một đảng viên  đảng Cộng sản để đi đến sự tỉnh ngộ : Dân chủ nghị viện theo kiểu phương Tây mới là chế độ phù hợp nhất đối với Trug Quốc.

Ở đây phải nhắc lại là Triệu Tử Dương đã được Đặng Tiểu Bình cất nhắc lên cương vị Tổng bí thư nhờ vào chủ trương và năng lực cải tổ guồng máy kinh tế Trung Quốc của ông Triệu Tử Dương.

Trong hồi ký, Triệu Tử Dương xác nhận cho đến 1985 ông không màng đến cải tổ chính trị. Nhưng kể từ năm 1986, ông bắt đầu nhìn nhận sự cần thiết của công việc này. Đi từ sự quan sát thấy cần phải cải tổ phương cách lãnh đạo của đảng để xây dựng một chế độ pháp trị, Triệu Tử Dương dần dà thổ lộ, ông thấy tất cả các chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ mang tính dân chủ ở bề ngòai, còn thực chất ở trong là « chỉ một nhóm nắm quyền lực, thậm chí chỉ một người ».

Đến đây Triệu Tử Dương thú nhận : Dân chủ nghị viện theo kiểu phương Tây, cho dù không hòan hảo, là chế độ duy nhất thích hợp với Trung Quốc.

Chắc hẳn là hồi ký này sẽ còn bí mật đựơc truyền tay đến người dân trong nước, bởi vì  nó lý giải vì sao 20 năm qua, Bắc Kinh lo sợ những điều bất trắc xảy ra nêu có cải tổ chính trị, vì sao 20 năm qua, di sản Thiên An Môn  vẫn bị dìm vào quên lãng.

Theo nhà báo Hồng Kông, Verna Yu, bài học Thiên An Môn ở đây là : « Kết hợp kinh tế thị trừơng với quyền lực chính trị không đối trọng là một giải pháp chết người. Của cải của cả xã hội bị một thiểu số ưu tú của tầng lớp có quyền và có thân thế thâu tóm, trong khi thường dân bị đưa vào chỗ phải trả giá đắt cho sự phát triển kinh tế ».

Nhà báo Verna Yu đưa ra bằng chứng. Theo Ngân hàng Thế giới và số liệu của chính quyền Trung Quốc, ở tại đất nước này chưa đầy 1% dân số lại chiếm đến 60% của cải toàn quốc.