Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh mượn cớ bảo vệ nguồn cá để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 22/06/2009 Cập nhật lần cuối ngày  22/06/2009 16:57 TU

Trung Quốc đã chính thức ban hành lệnh cấm đánh cá trên một khu vực rộng đến 128.000 cây số vuông tại vùng biển Đông. Thời hạn cấm bắt đầu từ ngày 16/05 và kéo dài cho đến ngày 01/08/2009. Bắc Kinh đồng thời phái 8 chiếc tầu tuần tra đến khu vực để bảo đảm việc thực thi lệnh cấm này.

Tàu Trung Quốc từng cản đường quân hạm Mỹ Impeccable tại Biển Đông ngày 08/03/2009(Ảnh : US Navy)

Tàu Trung Quốc từng cản đường quân hạm Mỹ Impeccable tại Biển Đông ngày 08/03/2009
(Ảnh : US Navy)

Đối với Trung Quốc, lệnh cấm này chỉ là một biện pháp thông thường nhằm bảo vệ nguồn hải sản trong khu vực thuộc chủ quyền của họ. Vấn đề đặt ra tuy nhiên là vùng biển rộng lớn nằm trong phạm vi áp dụng lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh đơn phương ban hành lại bao hàm cả những khu vực chung quanh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà chủ quyền đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng Biển Đông, nhưng năm nay, Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn khác thường trong việc buộc mọi người tuân thủ lệnh này bằng cách cử đội tàu hùng hậu xuống tuần tra. Một số vụ bắt giữ và phạt vạ các tàu đánh cá của Việt Nam đã diễn ra.

Trong tình hình đó, phiá chính quyền Việt Nam đã liên tiếp lên tiếng phản đối. Ngày 04/06/2009, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã gặp đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ những hành động cản trở công việc kiếm ăn hàng ngày của ngư dân Việt Nam, trên một số vùng ở biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thuyền đánh cá ở Dung Quất (Quảng Ngãi)

Thuyền đánh cá ở Dung Quất (Quảng Ngãi)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ông Lê Dũng cũng khẳng định trở lại chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và xác định : ''Mọi hành động của nước ngoài đối với hai quần đảo này cũng như trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực này ''.

Như thông lệ, tuyên bố của Việt Nam đã bị phiá Trung Quốc bác bỏ ngay lập tức.

Theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh có quyết định đơn phương ra lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông. Thế nhưng, năm nay nước này lại kèm theo những biện pháp cưỡng chế cứng rắn.

Giáo sư Ramses Amer

Giáo sư Ramses Amer

Đối với giáo sư Ramses Amer, thuộc Trường Đại Học Stockholm (Thụy Điển), chuyên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ nêu lên, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Amer xác định : 

Rõ ràng là khu vực cấm đánh cá bao hàm những nơi đang có tranh chấp chủ quyền với nước khác, và thẩm quyền pháp lý của Trung Quốc không được công nhận. Thế nhưng Trung Quốc vẫn cho rằng đấy là những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, trong đó có quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa.

Như vậy Trung Quốc đã wem khu vực 200 hải lý chung quanh quần đảo là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Thế nhưng, cho đến nay, quy chế của quần đảo Trường Sa vẫn chưa được xác định rõ rệt, do đó không thể nói là các đảo lớn, đảo nhỏ hay ghềnh đá ở đó có thể phát sinh ra một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý...

Vì thế theo tôi, có lẽ khi ra lệnh cấm đánh cá trong khu vực đó, Trung Quốc không phải là đã xuất phát từ nguyên nhân muốn bảo vệ nguồn cá đang bị đánh bắt quá mức, mà là nhằm đưa ra các đòi hỏi chính trị mà các nước khác không thể chấp nhận được.

Vùng bị cấm đánh cá nằm trong phạm vi khu vực từng được Trung Quốc xác định trên bản đồ do họ công bố là thuộc chủ quyền của họ, tức là bản đồ gồm những ''đường vẽ gián đoạn'', gọi nôm na là ''đường lưỡi bò''. Điều đó có nghĩa là một lần nữa Trung Quốc lại nêu lên những đòi hỏi chủ quyền từng bị các nước khác bác bỏ. Tóm lại theo tôi, đây không phải đơn thuần là một vấn đề đánh cá, mà là vấn đề Trung Quốc củng cố thêm các đòi hỏi chủ quyền của họ.

Giáo sư Ramses Amer đã lồng lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh áp dụng năm nay vào bối cảnh cuộc tranh cãi về chủ quyền tại khu vực Biển đông đã gia tăng hẳn lên trong thời gian trước ngày 13 tháng 5, tức là thời hạn chót để các nước thuộc Công Ước Liên Hiệp Quốc về luật biển nộp bản đề nghị về đường ranh thềm lục địa kéo dài của mình.

Đối với giáo sư Amer, cho dù bản thân không nộp đề nghị của chính mình, Trung Quốc đã bác bỏ tất cả những bản phúc trình của các nước khác, cho rằng đã vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh. Việc cấm đánh cá trong khu vực Biển Đông là một cách thức khác để củng cố các đòi hỏi chủ quyền này. Giáo sư Amer phân tích :

Ngay từ khi Philippines chuẩn bị thông qua đạo luật về các đường ranh giới cơ sở (base line) của mình, Trung Quốc đã bắt đầu lên tiếng phản đối ngay. Sau đó, khi Manila trình ra Liên Hiệp Quốc bản đề nghị của họ về thềm lục đîa, Bắc Kinh cũng lại lên tiếng đả kích. Đáng chú ý là phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc còn trưng ra tấm bản đồ xác định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, tức là tấm bản đồ có 9 đường gián đọan mà họ từng vẽ ra trước đây.

Họ cũng sử dụng tấm bản đồ đó làm cơ sở để bác bỏ bản phúc trình hỗn hợp Malysia-Việt Nam liên quan đến khu vực phiá nam Biển Đông. Trong khi đó thì bản thân Trung Quốc không nộp báo cáo về những đòi hỏi của họ.

Trong vụ ban hành lệnh cấm đánh cá, khi bác bỏ phản đối của Việt Nam, Bắc Kinh lại nhắc đến đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng ''Nam Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa)'' và vùng biển lân cận.

Theo tôi thì Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật khác nhau để khảng định chủ quyền. Chính vì thế mà tấm bản đồ mà không ai thấy trước năm 1947 đã trở thành biểu tượng của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, và họ không ngần ngại trưng đi trưng lại nhiều lần. 

Bản đồ này đã có từ lâu, nhưng trong nhiều năm không thấy họ sử dụng đến như một con chủ bài ngoại giao. Thế mà từ đầu năm đến nay họ đã trưng ra liên tiếp nhiều lần, ít ra là hai lần ở Liên Hiệp Quốc và lần này thì nhắc tới để bảo vệ lệnh cấm đánh cá. Mục tiêu theo tôi là để gây sức ép trên các láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những gì mà cho đến nay họ vẫn từ chối, nhất là khi Trung Quốc còn tuyên bố thêm là phái 6, 7 chiếc tàu tuần tra xuống khu vực.

Trong tình hình Trung Quốc đơn phương viện cớ bảo vệ môi trường biển để khẳng định chủ quyền của mình, đồng thời dùng biện pháp mạnh để buộc các nước khác tuân thủ thì Việt Nam có thể làm gì ?
Theo giáo sư Amer, Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc về phương diện quân sự, nhưng cần phải lên tiếng tiếp tục xác định chủ quyền của mình trong khu vực đang có tranh chấp, chứ không thể giới hạn vấn đề trong lãnh vực đánh cá đơn thuần.

Ngư dân Việt Nam bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn

Dẫu sao thì lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành, kèm theo là những biện pháp thô bạo mà lực lượng tuần tra Trung Quốc áp dụng, đã đẩyngư dân Việt Nam vào một tình cảnh khó khăn.

Nhà báo Thanh Thảo

Nhà báo Thanh Thảo

Bị tác động nhiều nhất là ngư dân khu vực miền Trung, thường hay đánh bắt cá ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian gần đây, trên báo chí Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều bài viết, nói về tình cảnh ngặt nghèo của ngư phủ Việt Nam, không còn dám ra khơi vì sợ bị tàu Trung Quốc chận bắt.

Từ Quảng Ngãi, nhà báo Thanh Thảo đã cho biết thêm chi tiết về tâm trạng của các ngư dân khu vực miền Trung trước các hành động cấm đoán của Trung Quốc. Sau đây, mời quý vị nghe phần phỏng vấn ngắn mà nhà báo Thanh Thảo đã dành cho Ban Việt ngữ RFI.

Nhà báo ThanhThảo tại Quảng Ngãi

22/06/2009 Trọng Nghĩa