Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 10/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 10/07/2009 15:47 TU
Như tin chúng tôi đã loan, bà Phùng Há vừa qua đời hôm chủ nhật 05/07/2009, thọ 99 tuổi. Tên thật là Trương Phụng Hảo, bà sinh ngày 30/04/1911 ở Tiền Giang.
Tham gia sự nghiệp cầm ca rất sớm, năm 13 tuổi, ba đã xuất hiện trên sân khấu trong vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ quy châu, trước khi trở thành vai đào chính trong một loạt tác phẩm khác như Kim Văn Kiều, Tái Sanh Duyên, Lục Vân Tiên...
Một trong những vai đã giúp bà lưu danh hậu thế là vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình khi Phùng Há đóng một vai nam.
Nghệ sĩ Phùng Há (T) bên cạnh nghệ sĩ Quế Trân (p), con nghệ sĩ Thanh Tòng
(Ảnh do nghệ sĩ Thanh Tòng cung cấp)
Ngoài công việc diễn xuất, lúc sinh thời, bà Phùng Há còn được yêu mến với tư cách là một nghệ sĩ hết lòng vì nền sân khấu tuồng và cải lương Việt Nam, đã tham gia giảng dạy ở trường lớp và cũng như truyền đạt kinh nghiệm cho biết bao thế hệ diễn viên nam nữ.
Không những thế, bà còn thể hiện một tấm lòng nhân hậu vô bờ bến, thành lập nhiều cơ sở để giúp đỡ các nghệ sĩ neo đơn già yếu, không còn nơi nương tựa.
Nhân dịp tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng vào hôm nay, chúng tôi đã có hân hạnh được phỏng vấn hai nghệ sĩ nổi tiếng : diễn viên Bạch Tuyết từng được mệnh danh là ''Cải lương chi bảo'', viên ngọc quý của nền cải lương Việt Nam, và nghệ sĩ Thanh Tòng, một cột trụ của ngành cải lương Hồ Quảng, sau này chuyển tên thành cải lương tuồng cổ.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết : hụt hẫng và trống vắng
Trả lời RFI, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã không che dấu cảm xúc ''hụt hẫng'', ''trống vắng'' của bản thân chị cũng như của giới nghệ sĩ cải lương Việt Nam nói chung trước sự kiện ''Má Bảy Phùng Há'' ra đi, một con người có thể gọi là tài đức song toàn.
Là người có nhiều điều kiện tiếp xúc với bà Phùng Hà lúc sinh thời, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã giữ lại rất nhiều kỷ niệm về một người thầy mà chị coi như là một người mẹ thứ hai, đã từng uốn nắn cho chị từ lời ca, điệu bộ diễn xuất, cho đến nhân cách làm người, qua tấm gương cuộc sống bản thân mình.
Một trong những kỷ niệm cụ thể khó phai được nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ với RFI là chị đã được nghệ sĩ Phùng Há tập cho diễn vở Dương Vân Nga nổi tiếng. Do sự góp ý tinh tế của bà Phùng Há, một tiếng đàn tranh khẩy lên trước lúc Bạch Tuyết nói lối trong đoạn Dương Vân Nga cô độc một mình trong cung vắng đã thể hiện được đầy đủ ý nghĩa tiềm ẩn của đoạn diễn.
Đối với Bạch Tuyết, giới cải lương và nghệ sĩ Việt Nam hết sức tự hào về nghệ sĩ Phùng Há, một người không chỉ hết lòng với nghệ thuật mà còn hết dạ với tất cả những người chung quanh mình. Sau cùng nghệ sĩ Bạch Tuyết đã hát tặng thính giả RFI trích đoạn một bài ca do chị soạn ra và được chính nghệ sĩ Phùng Há góp ý để hoàn chỉnh.
Sau đây mời quý vị nghe toàn văn bài phỏng vấn nghệ sĩ Bạch Tuyết.
Thanh Tòng : hy vọng giới trẻ học tập gương của ''Má Bảy''
Nghệ sĩ Thanh Tòng, cũng không cầm được nước mắt khi được chúng tôi hỏi về nghệ sĩ Phùng Há. Theo anh : ''Trên sân khấu cũng như ngoài xã hội, bà rất hoà mình, rất hoà nhã, rất hoà đồng với mọi người... Bà không chỉ sống cho bà, mà bà còn sống cho cả giới cải lương, bà không chỉ nghĩ đến tổ ấm riêng cho bà, mà bà nghĩ đến các nghệ sĩ khác còn neo đơn vất vả''.
Ngay từ năm 12 tuổi, lần đầu tiên được gặp nghệ sĩ Phùng Há, cho đến sau này, Thanh Tòng đã hết sức cảm phục tài năng cũng như đức độ nhân hậu của người mà theo anh ''đúng là một bà mẹ của Cải lương''.
Bà là một nghệ sĩ tiền phong ngày từ thập niên 20, 30 của thế kỷ trước đã góp phần giúp cải lương phát triển và lớn mạnh từ đó đến nay, với ''gần như hầu hết 70, 80% những nghệ sĩ nổi tiếng của cải lương đều là học trò của bà hay được bà hướng dẫn trên sân khấu''.
Cuối cùng, Nghệ sĩ Thanh Tòng hy vọng rằng công chúng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam học tập được tấm gương hết lòng vì nghệ thuật của bà Phùng Há để giúp bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam phát triển hơn nữa.
Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn mà nghệ sĩ Thanh Tòng đã giành cho RFI :
10/07/2009
10/07/2009
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO