Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VĂN HOÁ

Nhà văn Pháp Boris Vian và ca khúc phản chiến "Le Déserteur" - Người đào ngũ ( đã phát ngày 30/7/09 )

  Bảo Thạch

Bài đăng ngày 31/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày  12/03/2010 17:30 TU

Nhà văn Boris Vian

Nhà văn Boris Vian

Nhà văn Boris Vian mới 34 tuổi khi đặt bút sáng tác bài Le Déserteur. 5 năm sau ông đột ngột từ trần, để lại dấu ấn đậm nét của một ngòi bút sắc sảo và trữ tình. Là tác giả của tiểu thuyết L'Ecume des Jours, Bèo bọt Tháng ngày, Boris Vian cũng đã sáng tác hơn 500 ca khúc, mà trong đó nổi tiếng nhất cho đến nay vẫn là Le Deserteur.

Mồng 7 tháng 5 năm 1954, ngày đạo quân viễn chinh Pháp thảm bại tại Điện Biên Phủ, có một bài ca lần đầu tiên được trình diễn trên sân khấu Paris. Đó là bài Le Déserteur ‘’Người đào ngũ’’ do Boris Vian sáng tác. Rất mau chóng, Le Déserteur được phong trào phản chiến tại Pháp và cả ở nhiều nước Tây Phương chọn làm ca khúc biểu tượng và được đông đảo các nghệ sĩ trình bày cho đến ngày nay.

Sau một thời gian bị kiểm duyệt, nó đã được giảng dạy trong các trường lớp tại Pháp. Nhưng nửa thế kỷ trôi qua, sức công phá của nó vẫn rất đáng sợ. Lâu lâu, lại xuất hiện một vài sự cố như vào năm 1999, một hiệu trưởng trường tiểu học bị đình chỉ công tác chỉ vì đã để học sinh trình diễn bài ca này.

Ca khúc này được viết dưới dạng một bức thư ngỏ gửi đến Tổng thống.

Kính thưa Ngài Tổng Thống

Tôi gửi thư đến Ngài

Và nếu có thời gian

Xin Ngài ghé mắt tới.

Giấy nhập ngũ vừa đến

Buộc tôi phải ra trận

Chiều thứ tư tuần này.

Nhưng xin thưa Tổng Thống

Tôi không muốn tòng quân

Tôi sinh ra trên đời

Không giết người vô tội

Nếu Ngài có giận dữ

Tôi dứt khoát xin thưa

Tôi chọn đường đào ngũ

 

Kể từ lúc lọt lòng

Tôi thấy cha tôi chết

Các anh tôi ra trận

Và đàn con than khóc

Mẹ tôi quá đau khổ

Yên nghỉ trong nắm mồ

Chẳng hề sợ đàn dòi.

Khi tôi là tù binh

Vợ tôi cũng chẳng còn

Linh hồn tôi cũng mất

Cùng với bao kỷ niệm

Sớm mai tôi cài cửa

Từ giã những tháng ngày

Tôi lên đường khất thực

 

Thà ngửa tay mưu sinh

Khắp nẻo đường nước Pháp

Bretagne đến Provence

Để nói với mọi người :

‘‘Các bạn hãy bất tuân

Các bạn đừng cầm súng

Các bạn không chiến đấu

Các bạn đừng ra đi.’’

Và nếu cần đổ máu

Hãy hiến máu của Ngài

Bởi Ngài là Tổng Thống

Hô hào cho chiến tranh

Nếu Ngài đòi truy bắt

Hãy báo với hiến binh

Rằng tôi không có súng

Họ có thể bóp cò.

Ca khúc phản chiến "Le Déserteur"

31/07/2009

 

1954, Boris Vian mới 34 tuổi khi đặt bút sáng tác bài Le Déserteur. Vì mắc phải bệnh tim, ông được miễn quân dịch. Thật may mắn cho nhà văn, bởi ông thù oán chiến tranh. Đã từ mươi năm qua, ông đã sáng tác nhiều bài ca, một vở kịch sân khấu, một truyện ngắn và nhiều bài báo để công kích quân đội và tư tưởng hiếu chiến tại Pháp. Trong lĩnh vực tiểu thuyết, ông đã hoàn thành 3 tác phẩm được ghi nhận sau này như những đỉnh cao của văn học hậu chiến :  L’Ecume des jours, L’Automne à PékinL’Arrache-cœur.

Vào đầu năm 1954, nước Pháp lún sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương mà Nhà Nước lúc đó, vẫn chối bỏ không muốn định nghĩa là chiến tranh. Theo Paris thời đó, quân đội Pháp có trách nhiệm ‘’bình định’’ các thuộc địa, cho dù ở Việt Nam, Madagascar hay Maroc. Hơn nữa, tin tức bất lợi cho quân đội viễn chinh, vào năm 1954, dồn dập thổi bùng tư tưởng phản chiến trong thế hệ đã trưởng thành trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Các đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng trên lãnh thổ Pháp, với dòng chữ : ‘’Hãy nguyền rủa chiến tranh’’ (Que maudite soit la guerre)

Các đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng trên lãnh thổ Pháp, với dòng chữ : ‘’Hãy nguyền rủa chiến tranh’’ (Que maudite soit la guerre)

Bằng chứng là cũng vào thời điểm đó, không thiếu các đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng đó đây trên lãnh thổ Pháp, với các dòng chữ ghi như sau : ‘’Hãy nguyền rủa chiến tranh’’ (Que maudite soit la guerre)

Ngày 15 tháng 2 năm 1954, Boris Vian đăng ký bài ca Le Déserteur tại cơ quan bảo vệ tác quyền SACEM. Tình cờ, bài ca này ra mắt công chúng trong một buổi trình diễn của nam ca sĩ Mouloudji vào mồng 7 tháng 5 năm 1954, ngày quân đội Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Trong những buổi trình diễn năm đó, bài ca Le Déserteur không gây ra sự phản đối mãnh liệt nào.

Vào tháng 7, 1954, chính phủ Pháp ký Hiệp định Genève, kết thúc việc chiếm đóng các thuộc địa tại Đông Dương. Cuộc chiến này đã gây ra cái chết của hơn 20 ngàn người Pháp, hơn 11 ngàn lính lê dương, 15 ngàn người Phi châu, hơn 36 ngàn người ba nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, và hơn 17 ngàn lính các quốc gia liên minh với Pháp. Nhưng khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt đối với Pháp thì cùng lúc các cuộc nổi dậy bùng phát tại Bắc Phi, đặc biệt là tại Algérie và Tunisie.

Tháng giêng năm 1955, Boris Vian quyết định tổ chức một vòng lưu diễn mà ông là nghệ sĩ trình bày bản Le Déserteur. Vòng lưu diễn này kéo dài 14 tháng, sẽ đánh dấu đỉnh cao cuộc tranh cãi mà bài ca  Le Déserteur sẽ gây ra. Một trong những nguyên nhân khiến cho dư luận Pháp xôn xao, đó là mùa hè 1955, cả nước Maroc bị rung chuyển bởi các vụ khủng bố, trong khi Algérie bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Vòng lưu diễn của Boris Vian căng thẳng hẳn lên. Tại thành phố Dinard, thị trưởng và nhiều nhân vật bảo thủ làm náo động cả nhà hát để ngăn cản không cho bài ca này xuất hiện. Rồi nhiều nơi khác, trên đường lưu diễn, cũng muốn kiểm duyệt bài Le Déserteur. Thậm chí, khi

Boris Vian  xuất hiện trên sân khấu, có tiếng la ó đuổi ông ‘’Hãy sang Nga mà ở’’. Cả làng báo cũng tham gia trận bút chiến. Bài Le Déserteur bị kiểm duyệt, không được phát trên các đài truyền thanh. Boris Vian không ngớt bị bôi nhọ. Hãng đĩa Philips buộc phải thu gom lại tất cả các đĩa nhựa đã tung ra trên thị trường, có bài ca Le Déserteur.

Nhà văn Boris Vian đặt bút sáng tác bài "Le Déserteur", năm ông 34 tuổi

Nhà văn Boris Vian đặt bút sáng tác bài "Le Déserteur", năm ông 34 tuổi

Mãi đến 1959, bốn năm sau khi Boris Vian đột tử vì bệnh tim, Le Déserteur mới được phục hồi, cho dù sau đó, phải đợi một thời gian dài, cho đến thập niên 60 và cuộc chiến tại Việt Nam với sự can thiệp của Hoa Kỳ, Le Déserteur mới thực sự hồi sinh. Nữ ca sĩ Joan Baez, ban nhạc Peter, Paul and Mary, phổ biến bài ca này trên khắp thế giới.

Sau khi ông qua đời, Boris Vian nhờ vào tiểu thuyết  L’Ecume des jours ‘’Bèo bọt tháng ngày’’ được giới trẻ tôn làm thần tượng. Trong khi đó, bài ca phản chiến Le Déserteur đôi lúc phải chịu kiểm duyệt.

Năm 1991, vào thời điểm cuộc chiến vùng Vịnh, các đài truyền thanh Pháp lại ghi  Le Déserteur vào danh sách các tác phẩm cấm phát. Năm 1999, lại xảy ra một sự cố : hiệu trưởng một trường tiểu học ở địa phương bị đình chỉ công tác, chỉ vì hai học sinh Pierre và Lucas, cả hai cậu ở tuổi lên 10, đã chọn trình diễn bài Le Déserteur, trong buổi lễ kỷ niệm chiến tranh Thế giới thứ nhì kết thúc. Khi hai cậu học trò cất tiếng hát, giới chính trị gia tỉnh lẻ, các cựu quân nhân, những người kháng chiến cũ, đều giật mình rồi giận dữ phản đối.

Vào lúc đó, vụ tai tiếng này, tháng 5 năm 1999, còn khiến tướng Marcel Bigeard, cựu quân nhân từng tham gia trận chiến Điện Biên Phủ, phải thốt rằng : ‘’Ngày hôm nay, tôi đau đớn cho nước Pháp. Hỡi tướng De Gaulle, người hãy trở lại’’.