Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm môi trường gây bất ổn xã hội tại Trung Quốc

  Mai Vân

Bài đăng ngày 13/08/2009 Cập nhật lần cuối ngày  14/08/2009 09:20 TU

Trung Quốc có luật bảo vệ môi trường nghiêm khắc, nhưng việc thực hiện lại lỏng lẻo. Nhiều vụ nhà máy thải chất độc hại ra môi trường, tác hại đến sức khỏe cư dân đã khiến dân chúng bất bình và biểu tình phản đối. Theo giới quan sát, tình hình Trung Quốc trong lãnh vực này là kinh nghiệm Việt Nam cần rút tỉa.

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây(Ảnh : Reuters)

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây
(Ảnh : Reuters)

Trong thời gian gần đây, tại Trung Quốc đã bùng lên nhiều vụ dân chúng biểu tình phản đối các nhà máy thải chất độc hại ra môi trường, tác hại đến sức khoẻ cư dân trong khu vực. Sự kiện mới nhất được báo giới quan tâm là hai vụ nhiễm độc tại Hồ Nam và Nội Mông trong tháng 7 vừa qua.

Tại Hồ Nam, dân chúng Thành phố Lưu Dương đã mấy lượt xuống đường để phản đối việc một nhà máy hoá học thải thẳng chất độc hại ra con sông và ruộng đồng tại đây, làm cho 5 người thiệt mạng và 500 nguời khác bị nhiễm độc.

Gia đình các nạn nhân đòi chính quyền trừng phạt lãnh đạo công ty gây ô nhiễm và bồi thường thiệt hại. Cuộc biểu tình tập hợp đến cả ngàn người như vào cuối tháng 7 vừa qua. Vào tuần trước, họ cũng lại vận động xuống đuờng nhưng không thành công. Hàng ngàn công an đã đươc triển khai để ngăn chặn mọi cuộc biểu tinh.
 
Cũng vào hạ tuần tháng 7, người dân thành phố Xích Phong, vùng nội Mông đã phải gánh chiụ hậu quả của việc một viện bào chế thuốc, để thất thoát khí ammonia  khiến cho 246 người đã bị trúng độc. Trước đó hai tuần lễ, người dân tại đấy lại bị ngộ độc do nguồn nước. Hơn 4000 người bị bệnh, bị sốt, bị nôn, bị tiêu chảy...
 
Trong các trưòng hợp kể trên, dân chúng quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Trong trường hợp ở Hồ Nam, họ đã nhận hối lộ để nhắm mắt làm ngơ hay ém nhẹm những tin đáng lý ra phải thông báo khẩn cấp như vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm ở Xích Phong
 
Báo giới, nhất là tại Hong Kong đã phản ứng gay gắt trưóc các sự kiện vừa qua vì nó phơi bày thực tế, mà tác giả một bài báo trên tạp chí Mỹ Forbes đăng trên mạng Forbes.com, ngày mồng 7 tháng 8 đã nêu bật trong hàng tựa của mình : ''Trung Quốc : nơi hầu như có quyền tự do đầu độc người dân''.

Tác giả bài viết tỏ vẻ rất bất bình, nhận xét : bên cạnh giá nhân công rẻ, Trung Quốc với tư cách là xưởng của thế giới lại có một ưu thế khác : đó là các tập đoàn hầu như không phải trả gì cả để có quyền gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai và đầu độc dân chúng. 
 
Công nhân làm việc với hoá chất độc hại, lãnh 2,60 đô la một ngày. Những người bị ngộ độc do nguồn nước được bồi thường 7 đô la cho một hộ gia đình. Nhờ biểu tình xuống đường khiếu nại, một hộ gia đình có 5 người sẽ đuơc bồi thuờng 732 đôla.

Tác giả bài báo tự hỏi là phải chăng chính quyền Trung ương đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ vi phạm luật lệ ? Dù sao chăng nữa nếu cứ để các công ty tự do gây ô nhiễm, thì cái giá mà chính quyền Trung Quốc phải trả khá cao : đó là bất ổn định chính trị do nỗi bất bình của các nạn nhân ô nhiễm càng lúc càng tăng.

Xô xát giữa người dân bất bình và công an ngày càng nhiều tại Trung Quốc (Ảnh : Reuters)

Xô xát giữa người dân bất bình và công an ngày càng nhiều tại Trung Quốc
(Ảnh : Reuters)


 
Để tim hiểu thêm về mực độ tệ nạn ô nhiễm tại cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới. chúng tôi đã nêu câu hỏi với nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đức Hiệp và nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, đã theo dõi tình hình Trung Quốc .

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, tình trạng các công ty xí nghiệp tại Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường, tác hại đến sinh hoạt và đời sống cư dân chung quanh khá nghiêm trọng, và trong thời gian qua đã tạo ra rối loạn xã hội khi các nạn nhân bất bình biểu tình phản đối.

Trả lời phỏng vấn của RFI, anh Hiệp nêu bật một số vụ ô nhiễm nổi cộm tại Trung Quốc trong những năm gần đây.

Vấn đề ô nhiễm tại Trung Quốc rất lớn, tác hại không chỉ đến con người, môi trường, mà cả đến kinh tế. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng tác hại của vấn đề môi trường đối với mức tăng trưởng củaTrung Quốc có thể lên đến 4% hay 5%.

Nhiều vụ ô nhiễm lớn đã xẩy ra, như vào năm 2004, công ty hoá học Tứ Xuyên đã thải chất nitrate ammonium ra nguồn nước sông Tô Giang, phụ lưu sông Dương Tử, khiến cả triệu người ở Thành Đô không có nước trong vòng hơn một tuần. Giám đốc công ty đã phải đi tù.

Sông Tùng Hoa chảy qua Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang từng bị ô nhiễm nặng vì chất benzene vào tháng 11/2005(Ảnh : AFP)

Sông Tùng Hoa chảy qua Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang từng bị ô nhiễm nặng vì chất benzene vào tháng 11/2005
(Ảnh : AFP)

Vụ ô nhiễm thứ hai cũng rất lớn liên quan đến nhà máy hoá học tại tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2005, để chất benzene tràn ra sông Tùng Hoa làm cho thành phố Cáp Nhĩ Tân, và thành phố Khabarovsk của Nga bên kia bờ sông không có nước uồng trong vòng 14 ngày.

Ở những thành phố khác các tỉnh như Hồ Nam, hoặc là Tứ Xuyên, Triết Giang, có rất nhiều vụ biểu tình của dân chúng tại đây do những vụ ô nhiễm, bất cẩn của nhà máy và công ty Trung Quốc . Vừa rồi ở thành phố Lưu Dương (Hồ Nam), là vụ liên quan đến một công ty sản xuất kim loại nặng indium, một chất dùng làm phim mỏng trên màn hình LCD. Để sản xuất indium, thì phải dùng nhiều cadnium, một thứ kim loại nặng. Hiện nay chất indium rất khan hiếm trên thị trường thế giới, vì thế mà nhà máy này cố gắng sản xuất rất nhiều. Nhưng nhà máy này đã bất cẩn để xẩy ra ô nhiễm về cadnium trong khu thành phố và làng mạc chung quanh. Cadnium là một chất kim loại nặng có hại cho phổi, thận và nhất là làm xương có thể bị dòn đi, và có thể gây ra ung thư. Vì vậy mà dân chúng đã biểu tình rất nhiều, rất rầm rộ, và cách đây không lâu đã có xô xát dữ dội và có người thiệt mạng.

Ở Tứ Xuyên còn có trường hợp làng Gaodong, vùng Núi Ngũ Lĩnh, nơi có nhiều kim loại manganese, (1/5 sản lượng thế giới về manganese). Trong năm vừa rồi dân làng biểu tình chống lại việc môi trường sống của họ bị hoạt động khai thác mỏ huỷ hoại. Chủ tịch thành phố đã đến nhưng đã không giải quyết được, cho nên đã có xô xát lớn và có người thiệt mạng.

Những vụ này xẩy ra khắp Trung Quốc , cho nên có thể nói là nguyên nhân gây ra ô nhiễm, một phần là do bất cẩn và một phần là do các chính quyền điạ phương không thực thi luật môi trường một cách đúng đắn.

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, Chính quyền Trung Quốc đã có chính sách khá nghiêm khắc để bảo vệ môi trường, nhiều khi không được chú ý.

Trung Quốc có tiêu chuẩn nghiêm khắc về khí thải, nước thải, nhưng vấn đề là thực thi chính sách đó. Thí dụ như dọc theo sông Dương Tử, từ Hồ Nam, Tứ Xuyên cho đến Triết Giang, rất nhiều nhà máy thải chất độc hại thẳng ra sông, vi phạm luật môi trường, nhưng chính quyền điạ phương không chú ý nhiều. Chỉ khi nào xẩy ra xô xát, biểu tình, thì họ mới thực thi luật pháp hay đóng cửa nhà máy. Nhiều nhà máy cũng biết rằng mình vi phạm luật môi trường nhưng tính toán rằng để sửa chữa còn tốn kém nhiều hơn là đóng phạt cho nên họ chiụ nộp tiền phạt và tiếp tục vi phạm như trước. Vấn đề này cũng giống như một số tỉnh ở Việt Nam.

Khu mỏ manganese tại vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc)(Nguồn : Yale.edu)

Khu mỏ manganese tại vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc)
(Nguồn : Yale.edu)

Đối với nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, vấn đề mức phạt vạ thấp là một trong những căn nguyên dẫn đến tình trạng coi thường việc bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người dân. Bên cạnh đó còn một số lý do nhân khác mang tính chất chính trị, xã hội :

Nhà nước Trung Quốc lúc nào cũng khoe khoang về luật lệ chặt chẽ, nhưng luật lệ không phải chỉ trên giấy tờ, mà vấn đề làm thế nào để các luật lệ đó đươc thi hành. Có nhiều yếu tố khiến ô nhiễm xẩy ra tại Trung Quốc. Yếu tố quan trọng là chính quyền Trung ương ở Bắc Kinh và chính quyền điạ phưong không thi hành đúng luật pháp. Chính quyền Trung Ương và điạ phưong cũng tham nhũng. Có khi những việc sai trái thiếu tiêu chuẩn đươc phát hiện, nhưng đã không có những hành động cụ thể. Hơn nữa xã hội của Trung Quốc, không có những đặc tính của một xã hội dân sự, tức là dân chúng thiếu ý thức tôn trọng luật pháp, không biết yêu cầu hay cưỡng bách để chính phủ thi hành luật pháp.

Một điểm nữa cũng quan trọng là vấn đề là bồi thường thiệt hại cho môi trường và sức khoẻ... hầu như không có, và nếu có thì rất thấp. Có những trường hợp gây ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến sức khoẻ của hàng trăm ngàn gia đình ở Trung Quốc, nhưng các công ty này chỉ phải phạt vạ 5, 10 đô la, hoặc một vài chục đô la cho mỗi gia đình, tốn kém không bao nhiêu... Do đó không buộc được người ta quan tâm tới và thi hành luật pháp.

Tôi lấy thí dụ tại Úc Châu, công ty James Hardie, 40 năm trước đây, khai thác và sản xuất abestos (amiăng). Lúc đó người ta không biết là sản phẩm này độc hại cho sức khoẻ, đến 3 thập niên sau thì người ta mới biết. Nhưng mà công ty này phải chi ra cả tỷ đô la Úc mà vẫn chưa đủ để bồi thường cho nạn nhân...

Còn về tham nhũng cũng vậy. Nếu các viên chức y tế đi kiểm soát phẩm chất và không nhìn thấy hoặc là nhìn thấy rồi bỏ qua, thì luật lệ dù tốt đến đâu cũng không thi hành được, thí dụ vụ sữa nhiễm melamine của Công ty Tam lộc (Sanlu). Các thanh tra về phẩm chất đã thử nghiệm sữa này và không tìm thấy gì cả. Điều đó cho đánh dấu hỏi rất lớn về nạn tham nhũng cửa quyền, đã làm cho vấn đề thi hành luật pháp ở Trung Quốc không thể thực hiện đươc một cách hữu hiệu và do đó sức khoẻ của dân chúng, của những người tiêu dùng không được bảo đảm.

Chuyển tác hại môi trường qua nước khác

Trong chính sách bảo vệ môi trường hiện hành tại Trung Quốc, một trong những vấn đề đang nổi cộm hiện nay là chính quyền Bắc Kinh ngày càng phát huy thế lực kinh tế của mình, hạn chế bớt tình trạng ô nhiễm trong nước bằng cách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng nề ra ngoại quốc, hoặc là bảo toàn nguồn nguyên liệu bên trong lãnh thổ và gia tăng khai thác và nhập khẩu tài nguyên từ nước ngoài. Theo anh Nguyễn Đức Hiệp, một trong những thí dụ điển hình của chủ trương có thể gọi là ''xuất khẩu ô nhiễm'' này là trường hợp các nhà máy xi măng hay nhà máy giấy mà nguyên liệu chính là cây gỗ :

Chính sách hiện nay của Trung Quốc là giảm nguồn năng lượng dùng than, và đóng cửa những nhà máy gây quá nhiều ô nhiễm.  Ngoài ra, họ cũng cố gắng thay vì sản xuất trong nước thì có thể nhập, ví dụ như là xi măng. Tình Quảng Đông vừa rồi đã đóng rất nhiều nhà máy xi măng vì tình trạng ô nhiễm quá nặng. Thế nhưng họ lại nhập xi măng và mở nhà máy xi măng ở nước ngoài. Chính sách của Trung Quốc là giảm bớt những gì mà Trung Quốc sản xuất và gây quá nhiều ô nhiễm trong nước. Thay vào đó thì Trung Quốc có thể lấy ở nước ngoài.

Ví dụ nữa là các công ty giấy của Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc có chính sách không còn phá rừng ở thượng nguồn sông Dương Tử và nhiều nơi ở Vân Nam, thì công ty giấy Trung Quốc đã đi ra nước ngoài, ví dụ như sang Lào, Cambốt, Miến Điện và Indonesia, mua rất nhiều gỗ và có nhiều nhà máy đã hoạt động và tạo nên những cái cảnh phá rừng rất lớn ở các nước đó. Cho nên mặc dầu Trung Quốc có chính sách rất tốt bảo vệ rừng trong nước, nhưng ngược lại nó rất có hại cho những nước chung quanh.

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia(Photo : Solène Honorine)

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia
(Photo : Solène Honorine)

Đối với các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài, trên nguyên tắc họ phải tuân thủ luật lệ môi trường tại chỗ. Theo anh Hiệp, nếu quốc gia nơi công ty Trung Quốc hoạt động có luật lệ lỏng lẻo, thì các công ty Trung Quốc sẽ không ngần ngại gây ô nhiễm.

Vấn đề này tùy nơi công ty Trung Quốc hoạt động. Nếu quốc gia đó không có luật và quá trình quy hoạch môi trường rất lỏng lẻo, thì có những vụ xẩy ra rất nghiêm trọng. Có những công ty Trung Quốc phải làm việc tại những nước có luật khắt khe thì họ cũng làm tốt, có bài bản. Ví dụ như công ty Lee&Man Paper cũng làm giấy. Công ty này có chi nhánh ở khá nhiều nước, như ở Mỹ. Họ tuân thủ luật môi trường của quốc gia nơi họ hoạt động mặc dù ở Trung Quốc thì họ cũng đã gây ô nhiễm, như ở Động Đình Hồ, ở Hà Nam, nhà máy giấy đã thải ra rất nhiều chất chlorine. Ở Mỹ thì phải dùng công nghệ cao cho nên họ không thể làm ô nhiễm nhiều, chỉ một lần thì có thể bị phạt, như ở California, họ từng bị phạt. Hiện nay công ty này sửa soạn lập một nhà máy thật lớn ở Hậu Giang miền Tây. Công ty này nói chung, hành xử tùy theo luật môi trường của từng nước, nếu mà lỏng lẻo thì họ cũng không thi hành đúng luật. Còn ở Mỹ, ở những nước khác thì họ làm rất tốt.

Đây cũng là ý kiến của anh Lưu Tường Quang. Theo anh, Việt Nam cần lưu ý đến vấn đề này khi giao cho các công ty Trung Quốc khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên

Về trường hợp này tôi xin trả lời bằng 2 cách : thứ nhất là tại các nước tân tiến, thí dụ như Bắc Mỹ, Liên Âu và Úc Châu, thì các công ty Trung Quốc kể cả các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như các công ty biến chế thực phẩm, đều phải tôn trọng, đều phải nghiêm túc thi hành luật lệ điạ phương, tức là của Úc, của Pháp, của Hoa Kỳ.  Luật của Úc, Pháp, hay Hoa Kỳ, thì ở một chuẩn mực cao. Mà vấn đề không phải ở tiêu chuẩn cao mà là ở vấn đề thi hành luật lệ một cách nghiêm túc.

Cho nên về phương diện này, thì cơ hội mà những công ty Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài để vi phạm luật lệ về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ công chúng nó ít hơn. Trong trường hợp mà những công ty, nhũn gtổng công ty quốc doanh của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, như khai thác mỏ bauxite tại cao nguyên Trung phần, tại Tây Nguyên ở Việt Nam, hay là những công ty Trung Quốc khai thác khoáng sản ở Phi Châu, thì trên nguyên tắc họ phải tuân thủ luật lệ môi trường của Trung Quốc và thứ hai là phải tuân thủ luật lệ của điạ phương.

- Tuy nhiên trong trường hợp luật lệ điạ phương không đúng tiêu chuẩn, hoặc la trong trường hợp luật lệ địa phương như ở Việt Nam hay ở Phi Châu không được thi hành một cách đúng đắn thì các công ty Trung Quốc cũng không thi hành luật lệ một cách đúng đắn. Vì lý đó mà chúng ta co một cái nguy cơ rất lớn là việc khai thác bauxite ở Cao nguyên Trung phần, tức vùng Tây Nguyên ở Việt Nam, sẽ làm ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng, có hại cho sức khoẻ dân chúng, và có hại cho tương lai đất nước Việt Nam.

Cho nên về phương diện này, thì Trung Quốc thi hành những biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của dân chúng ở hai mức độ khác nhau, tùy xã hội điạ phương là một xã hội tân tiến, có xã hội dân sự, hay còn là một xã hội chưa có được những kiến thức cần thiết để biết quyền lợi của mình, để bảo vệ sức khoẻ của chính mình.

Theo anh Nguyễn Đức Hiệp tình hình Trung Quốc như vừa trình bày ở trên là một kinh nghiệm tốt cho Việt Nam, nơi mà những vụ ô nhiễm do chất thải công nghiệp đã bắt đầu xuất hiện cho dù quy mô chưa to lớn như tại Trung Quốc.

Việt Nam chưa có vụ nào lớn như vụ công ty hoá học ở Tứ Xuyên, hay vụ thải benzene ở Hắc Long Giang, nhưng cũng có những vụ khá nghiêm trọng như Vedan ở Thị Vải. Cái quan trọng là ngoài việc có luật môi trường, chính quyền điạ phương các nước phải có tham khảo ý kiến cư dân, ít nhất là phải có nhũng tổ chức phi chính phủ đươc hoạt động. Nếu có tổ chức phi chính phủ hoạt động và có sự tham vấn, tham kiến vơí dân chúng thì sẽ cải tiến được luật môi trường, cải tiến đươc tình trạng môi trường rất nhiều.

Ngay cả Trung Quốc cũng bắt đầu thấy rằng những chuyện đó rất quan trọng, họ cũng cho phép các tổ chức phi chính phủ, cho phép một số nơi đươc tham dự và có tham khảo ý kiến với họ, cho dù công việc này không đồng bộ lắm, ở nhiều nơi không làm. Thế nhưng một số nơi đã thấy là phải có sự tham dự của người dân, qua đó tránh đươc những vụ đụng độ, xô xát và biẻu tình. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, là một vấn đề rất là lớn, và cũng có những bài học rất là hay cho Việt Nam.
 
Sở dĩ có bài học, đó là vì tại Trung Quốc vấn đề môi trường đã gây nên biểu tình rất nhiều, có xô xát, bạo động rất nhiều và có người chết. Đối vơí Việt Nam do đó là phải làm sao mà có quá trình đánh giá về tác động môi trường thật trong suốt, có tham khảo của tổ chức phi chính phủ và ngươì dân. Có sự đồng thuận mới tránh được những trường hợp như ở Trung Quốc, cái đó rất quan trọng. Việt Nam hiện đã thấy vấn đề nhưng thực hiện chưa đồng bộ.