Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thời kỳ hậu Kyoto: Liên Hiệp Quốc báo động về sự chậm trễ

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 15/08/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 16:57 TU

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc Ảnh : Reuters

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc
Ảnh : Reuters

Các cuộc thương lượng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc nhằm chuẩn bị một hiệp ước khác về khí hậu cho kịp hội nghị Copenhagen cuối năm nay tiến triển rất chậm và vẫn chưa giải quyết được vấn đề tài chính cần thiết để giúp các nước nghèo đối phó với hiện tượng khí hậu trái đất bị hâm nóng.

Đợt thương lượng chuẩn bị cho hội nghi Copenhagen diễn ra trong năm ngày vừa qua tại Bonn, với sự tham gia của khoảng 2400 đại biểu đến từ 180 quốc gia, đã không đạt được một kết quả khả quan nào trong lĩnh vực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như trong lĩnh vực viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển để các nước này đối phó với những biến đổi khí hậu.

 Tại cuộc họp báo hôm qua, kết thúc khoá họp tại Bonn, ông Yvo de Boer, viên chức cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc đặc trách hồ sơ khí hậu, đã tuyến bố là với đà tiến triển hiện nay của các cuộc họp chuẩn bị, khó mà có được dự thảo văn bản thay thế Nghị định thư Kyoto để trình trước hội nghị Copenhagen sẽ được tổ chức trong tháng 12 năm nay. Ông de Boer nhấn mạnh là từ nay đến lúc đó chỉ còn có 15 buổi thảo luận qua hai cuộc họp chuẩn bị : một cuộc họp vào cuối tháng 9 tại Bangkok và một cuộc họp vào đầu tháng 11 tại Barcelona.

Bất đồng tiếp tục giữa các nước giàu và các nước nghèo trên quy mô nỗ lực của mỗi bên để hạn chế lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nước đang phát triển chỉ trích các quốc gia giàu trên hai vấn đề : một là không chịu nêu gương bằng cách cam kết sẽ giảm nhiều hơn, hai là tiếp tục đòi các nước nghèo phải gánh chịu một trách nhiệm quá lớn, nhưng lại không cấp viện trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước nghèo thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Các đảo quốc và các quốc gia kém phát triển nhất, tức là 80 nước, đã đoàn kết để đòi các nước giàu phải giảm từ nay đến năm 2020 ít nhất là 45% so với mức thải của năm 1990, để ngăn không cho nhiệt độ tăng hơn 1,5 độ C. Nhất là các đảo quốc là nạn nhân trước tiên của các trận bão lớn và của hiện tượng mực nước biển dâng lên.

Đồng thời Liên minh các đảo quốc cùng với một nhóm các nước kém phát triển nhất nhận định là các nước giàu phải bỏ ra một số tiền tương đương với một phần trăm tổng sản lượng quốc gia, nghĩa là gần 300 tỷ euro mỗi năm, để giúp các nước nghèo.

Nhận định chung của nhiều chuyên gia sau cuộc họp tại Bonn là hội nghị Copenhagen về khí hậu sẽ không đem lại một hiệp ước hoàn hảo và toàn diện cho giai đoạn hậu Kyoto.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một viên chức Trung Quốc đặc trách về biến đổi khí hậu, được tờ Financial Times hôm nay trích dẫn, tuyên bố là Bắc Kinh sẽ bắt đầu giảm thải khí carbon kể từ năm 2050.