Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Tại Việt Nam, nhà báo Huy Đức bị mất việc do một bài viết về bức tường Berlin

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 28/08/2009 Cập nhật lần cuối ngày  28/08/2009 14:42 TU

Nhà báo Huy Đức tên thật là Trương Huy San (DR)

Nhà báo Huy Đức tên thật là Trương Huy San (DR)

Trên trang Blog Osin, nhà báo Huy Đức đã từng đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông hay vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên. Lần này, nhà báo bị mất việc khi bày tỏ quan điểm về bức tường chia cắt Tây và Đông Berlin

Theo lời ông Trần Công Khanh, tổng thư ký tòa soạn tờ Sài Gòn Tiếp Thị, lý do của quyết định nói trên là vì nhà báo Huy Đức đã viết một bài về bức tường Berlin đăng trên trang blog của anh, mang tên Blog Osin http://www.blogosin.org/

Trên trang blog của mình, Huy Đức cho biết kể từ ngày 25/8, ông không còn là nhà báo của Sài Gòn Tiếp Thị nữa, và nhấn mạnh là trong 21 năm làm nghề báo, anh đã nhiều lần bị mất việc, nhưng vẫn không muốn bỏ nghề này.

Nhà báo Huy Đức viết: ''Báo chí, cho dù của Nhà nước thì vẫn là một tài sản của xã hội. Báo chí phải là nơi chuyển tải những bài viết trung thực, những phân tích, phản biện, những bài viết mà người làm báo tin rằng nói phụng sự xã hội.''

Trong bài viết về bức tường chia cắt Tây và Đông Berlin, mà anh gọi là ''bức tường ô nhục'', nhà báo Huy Đức  đã nhắc lại con số hơn 1.300 người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin và hàng chục binh lính Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh bắn vào nhân dân, những ngườI đi tìm tự do.

Tác giả bài viết cũng lên án những tội ác do chủ nghĩa Stalin gây ra, mà đặc biệt là chính quyền do người Nga dựng lên ở Đông Đức liên tục thanh trừng nội bộ, khủng bố những người bất đồng, còn Liên Xô, theo Huy Đức, thay vì được ghi nhớ như là một ''giải phóng quân'' đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và áp đạt lên Đông Âu ''một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản.''

Trong bài kết luận, nhà báo Huy Đức đã thẳng thừng viết rằng : ''Một cuộc chiến không còn được coi là ''giải phóng'', nếu những gì mà nhân dân được hưởng không phải là độc lập tự do.'' 

Trên trang Blog Osin, nhà báo Huy Đức đã từng đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông hay vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên.

Khi nghe tin Huy Đức bị ngưng hợp đồng với tờ Sài Gòn Tiếp Thị, hàng trăm ngườI đã bày tỏ sự ủng hộ nhà báo này trên trang blog Osin, trong số đó có một đồng nghiệp không nêu tên viết rằng : ''Nhà báo Huy Đức không đơn độc, kể cả khi anh không phải là phóng viên chính thức của tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Độc giả sẽ giúp Blog Osin tồn tại''

Việt Nam vẫn bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp vào danh sách các quốc gia kẻ thù của Internet. Năm ngoái, một blogger nổi tiếng khác là Điếu Cày cũng đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam với tội danh gọi là '' trốn thuế ''.

Vụ đuổi việc nhà báo Huy Đức diễn chỉ hai ngày sau khi đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak, hôm thứ tư vừa qua, đã một lần nữa bày tỏ mối quan ngại của ông về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.