Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Liên Hiệp Quốc khai mạc hội nghị về khí hậu để cứu nhân loại

  Tú Anh

Bài đăng ngày 22/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 16:34 TU

Ba tháng trước hội nghị Copenhagen, nhiều dấu hiệu cho thấy không ít quốc gia còn xem nhẹ hiệu ứng nhà kính. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập hội nghị nhằm kêu gọi các chính phủ trên trái đất dứt khoát cam kết đi đến một sự đồng thuận giảm thiểu khí thải CO2 làm hâm nóng bầu khí quyển.

Không đầy ba tháng nữa là đến ngày khai mạc hội nghị Copenhagen mà mục tiêu là một thỏa thuận chống thay đổi khí hậu, tiếp nối nghị định thư Kyoto. Nhiều dấu hiệu cho thấy không ít quốc gia còn xem nhẹ hiệu ứng nhà kính.

Do vậy hội nghị do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập hôm nay (22/9), quy tụ hàng trăm nguyên thủ quốc gia bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là một cuộc trắc nghiệm. Theo ông Ban Ki-moon, đã đến lúc các chính phủ trên trái đất phải ý thức rằng tương lai hành tinh xanh rất nguy ngập. Là những người có trách nhiệm, họ phải dứt khoát cam kết đi đến một sự đồng thuận giảm thiểu khí thải CO2 làm hâm nóng bầu khí quyển.

Do  bất đồng giữa các quốc gia công nghiệp và các nước đang phát triển, những người quan tâm đến vận mệnh của Trái đất và nhân loại rất bi quan về kết quả hội nghị môi trường Copenhagen vào tháng 12 tới đây.

Hội nghị này phải đem lại một thỏa thuận mang nhiều tính bắt buộc, thay thế nghị định thư Kyoto, hết hạn vào năm 2012. Nhưng trước những bế tắc gần như khó có thể vượt qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chủ động triệu tập hội nghị môi trường khai mạc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, vào lúc 13 giờ, giờ quốc tế với hàng trăm nguyên thủ và thủ tướng chính phủ tham dự.

Theo ông Ban Ki-moon, hội nghị thượng đỉnh có một không hai này là một đòn thúc chính trị ở cấp cao nhất.

Chắc chắn là nhiều số liệu sẽ được thông báo. Đầu tiên hết là tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải được giảm thiểu. Để có thể ngăn chận nhiệt độ không được tăng quá 2 độ C trong 100 năm tới, giới chuyên gia yêu cầu các nước công nghiệp phải giảm thải 40% lượng khí CO2 từ nay cho đến năm 2020.

Cho đến giờ, Na Uy đã đồng ý. Liên Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận con số 20% và cam kết sẽ giảm thêm đến 30%, nếu đạt được một thỏa thuận quốc tế.

Nhưng vấn đề một hiệp ước quốc tế chắc chắn sẽ không thành vì có nhiều nước lớn, đứng đầu danh sách gây ô nhiễm không đồng ý trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Thông tín viên Anne Corpet tường thuật :

"Vẫn còn xa mới hòan tất thỏa thuận dự định sẽ thông qua tại Copenhagen để tiếp nối nghị định thư Kyoto từ năm 2012. Nhưng với cuộc họp thượng đỉnh một ngày hôm nay, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hy vọng mang lại xung lực chính trị mới cho các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Theo một quan chức Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Trung Quốc hôm nay sẽ phải đưa ra thông báo quan trọng. Trung Quốc vẫn là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, tiếp sau đó là Hoa Kỳ.

Cho đến giờ, Bắc Kinh vẫn từ chối mọi cam kết ràng buộc đồng thời yêu cầu một khỏan đền bù tài chính rất lớn cho những nỗ lực của họ.

Một cách tổng quát hơn, các nước mới trỗi dậy nhận thấy các nước giàu phải chịu trách nhiệm lịch sử về tình trạng hâm nóng trái đất. Vì thế họ phải gánh chịu hậu qủa của nó. Các nước Trung Quốc, Brasil và Ấn Độ chủ yếu lo ngại việc cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm cản trở sự phát triển của họ.

Từ nay đến năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẵn sàng giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tân thủ tướng Nhật đề ra mục tiêu giảm 25% trong cùng giai đọan như trên.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn phản đối tất cả những mục tiêu bằng con số. Tổng thống Barack Obama vẫn nói rất quan tâm đến vấn đề khí hậu ấm lên tòan cầu, nhưng ông khó mà thuyết phục được cử tọa khi nước Mỹ không làm gương.

Luật về bảo vệ khí hậu của Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ ở Thượng viện và có nguy cơ không được thông qua trước Hội nghị Copenhagen". 

Vấn đề quan trọng thứ hai là ngân sách giúp đỡ các nước nghèo đang bị đe dọa trầm trọng nhất. Việt Nam với nguy cơ các thành phố lớn như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và nhiều vùng duyên hải bị xóa tên trên bản đồ, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển.

Indonesia sẽ mất ít nhất 2000 đảo. Nhưng ngay trước mắt, hiện tượng băng tan làm mực nước biển dâng cao đã đe dọa trực tiếp 42 đảo quốc nhỏ rải rác trên các đại dương. Tập hợp nhau trong tổ chức Liên minh các Tiểu đảo quốc (AOSIS), các nước này đòi hỏi một mức hạn chế tối thiểu là nhiệt độ trong một trăm năm tới không được quá 1,5 độ C. Vì nếu lên 2 độ thì họ sẽ bị diệt chủng.

Liên Hiệp Quốc mong chờ các nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc họp hôm nay đưa ra những tín hiệu khích lệ, nếu không, hội nghi Copenhagen sẽ thất bại với hệ quả tất yếu ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người.