![]() |
Tú Anh
Bài đăng ngày 27/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày 20/10/2009 16:45 TU
Trong bối cảnh bão tố dồn dập tại Philippines và Việt Nam, đàm phán tìm giải pháp cứu nguy nhân loại trước hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng được mở lại tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, trong tâm lý bi quan và bất lực.
Các nhà khoa học không ngừng nhắc đi nhắc lại phương trình mà toàn thể nhân loại đưa ra đáp án nếu muốn tránh nạn diệt vong mà những hiện tượng đầu tiên là bão lũ thường xuyên hơn, rồi nước biển dâng cao, phủ lấp hàng loạt bình nguyên và thành phố lớn, kéo theo hàng trăm triệu người phải di tản tìm đất sống. Đáp án của phương trình là phải nỗ lực ngăn chận tình trạng nhiệt độ khí quyển tăng thêm 2 độ C. Muốn được như vậy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải ngưng lại, không được tăng thêm kể từ năm 2015, tức là trong 6 năm tới đây. Hội nghị Copenhagen được triệu tập vào tháng 12 để thông qua một hiệp ước trong chiều hướng này.
Một cách cụ thể, các nước công nghiệp phát triển phải giảm từ 25% đến 40% lượng khí CO2 kể từ năm 2020. Đến giờ này, chỉ có Liên Hiệp Châu Âu đưa ra cam kết có số liệu đi kèm là từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 20% lượng khí CO2 so với năm 1990 và sẽ giảm nhiều thêm đến 30%, nếu đạt được một thỏa thuận quốc tế.
Quốc gia thứ hai vừa công bố lập trường thay đổi ngoạn mục là Nhật Bản. Ngay sau khi đảng Dân Chủ Nhật Bản lên nắm quyền, tân thủ tướng Hatoyama đưa mục tiêu giảm 25% khí thải ngay từ năm 2020.
Nghị định thư Kyoto năm 1997 đòi hỏi các nước giàu phải giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Văn bản này sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 và sẽ được thay thế bằng hiệp ước quốc tế Copenhagen. Trong thời gian qua, các nước giàu yêu cầu các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh trong những năm qua và thải ra lượng khí gây ô nhiểm khổng lồ, phải có thái độ trách nhiệm.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập tại NewYork và tiếp theo đó là thượng đỉnh G20 tại Pittburgs, cách nhau 4 ngày trong tuần qua, không có một kết quả nào cụ thể mang lại hy vọng là sẽ đạt được một thỏa thuận chung vào tháng 12.
Trung Quốc, là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới chỉ đưa ra một lời hứa mơ hồ.
Về phần Ấn Độ, thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố rằng « các nước phát triển phải đưa ra trước những cam kết đáng tin cậy ».
Thời gian vô cùng cấp bách. Từ nay đến hội nghị Copenhagen, chỉ còn hai đợt đàm phán trung gian, một tại Bangkok và lần cuối cùng tại Barcelona, Tây Ban Nha.
Thế nhưng, bế tắc hiện nay đã trầm trọng đến nỗi văn kiện để thảo luận, dày 200 trang, chỉ là một thứ “tả pí lù”. Chuyên gia đặc trách hồ sơ môi trường của Liên Hiệp Quốc, ông Yvo de Boer, nhận định một cách chua chát : “Văn kiện này là một loại “bản kê” tối nghĩa. Tối nghĩa đến mức các thông dịch viên từ chối thông dịch”.
Hầu hết các nhà thương thuyết đều cho là rất khó mà vượt qua những bất đồng từ nay đến tháng 12. Nhưng theo chuyên gia Pháp Emmanuel Guérin, không nên quá quan tâm đến hạn định 2020 mà hãy tập trung nỗ lực vào 2030. Lý do chính là hãy để cho Hoa Kỳ có thời gian thích nghi với hồ sơ khí hậu, sau 8 năm dài chối bỏ dưới thời đảng Cộng Hòa.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO