Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

SÔNG MEKONG

Trí thức Trung Quốc yêu cầu ngưng xây đập trên thượng nguồn Mekong

  Tú Anh

Bài đăng ngày 08/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  30/11/2009 14:40 TU

Địa Chấn Vấn Xuyên và Tử Bình Phô 12 tháng 5/2008  Ảnh : Hội Sinh Thái Việt

Địa Chấn Vấn Xuyên và Tử Bình Phô 12 tháng 5/2008
Ảnh : Hội Sinh Thái Việt

Trung Quốc đơn phương xây hàng loạt đập nước trên thượng nguồn sông Mekong bất chấp mọi hậu quả tai hại cho con người và thiên nhiên. Để cứu lấy vùng châu thổ sông Cửu Long, người Việt Nam cần mạnh dạn ủng hộ các nhà trí thức Trung Quốc đòi ngưng xây các đập thủy điện trên thượng nguồn dòng sông.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất khai thác dòng sông Mekong để sản xuất điện. Nhưng vào lúc các quốc gia Đông Nam Á chờ kết quả nghiên cứu của Ủy Ban Mekong về tác hại cho môi trường thiên nhiên thì Bắc Kinh đơn phương xây hàng loạt đập nước trên thượng nguồn bất chấp mọi hậu quả tai hại cho con người và thiên nhiên.

Vùng tây nam Trung Quốc trong đó có thượng nguồn sông Mekong là một vùng địa chất phức tạp và mong manh. Các hồ nước khổng lồ có nguy cơ không chiụ đựng nổi động đất với cường độ cao.

Bộ Thủy lợi xác nhận tại tám tỉnh, có 2.380 hồ nước có nguy cơ rạn nứt hoặc bị vỡ đê. Lo ngại đại họa, nhiều nhà trí thức và chuyên gia Trung Quốc yêu cầu rà soát lại độ an toàn và công bố kết quả.

Thỉnh cầu của 45 nhà trí thức Trung Quốc và gần 20 tổ chức bảo vệ môi trường ủng hộ đã được báo Đệ Nhất Tài Kinh loan tải hồi 2008.

Đập Tử Bình Phô Ảnh : Hội Sinh Thái Việt

Đập Tử Bình Phô
Ảnh : Hội Sinh Thái Việt

Đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn gấp rút tiến hành các dự án trên thượng nguồn Mekong.

Theo chương trình thì hai hồ nước khổng lồ, Tiểu Loan với sức chứa 15 tỷ mét khối nước sẽ được hoàn thành năm 2012, hồ Nọa Trác Độ, với dung tích 23 tỷ mét khối sẽ hoàn tất năm 2014.

Phải mất từ 5 năm đến 10 năm mới làm đầy hồ Tiểu Loan. Diện tích mặt hồ lúc đó sẽ như một biển nhỏ rộng 190 cây số vuông.

Ngoài sự kiện sông Mekong bị cạn nước đe dọa mùa màng, chăn nuôi ở các nước láng giềng, các hồ khổng lồ trên thượng nguồn còn là những quả bom nổ chậm, chơi vơi trên những độ cao, đe dọa sinh mạng người dân Trung Quốc và các dân tộc Thái, Lào, Cam Bốt và Việt Nam dưới hạ nguồn.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia Việt Nam ưu tư đến vận mệnh đất nước kêu gọi công luận hậu thuẫn thỉnh nguyện thư của giới trí thức Trung Quốc.

Vào mùa xuân năm nay, một nhà đấu tranh Tây Tạng nhận định : « Con đường đem lại độc lập cho Tây Tạng là hậu thuẫn công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc ».

Để cứu nguy vùng châu thổ sông Cửu Long, có lẽ người Việt Nam cần phải mạnh dạn ủng hộ các nhà trí thức Trung Quốc yêu cầu ngưng xây các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.

Trong tinh thần này, Hội Sinh Thái Việt - Viêt Ecology Foundation phổ biến thình nguyện thư của 45 giáo sư, trí thức, chuyên gia Trung Quốc.

Để tìm hiểu thêm tình trạng yếu kém của các đập thủy điện của nước láng giềng phương Bắc, những tai nạn đã và có thể xảy ra như vụ « sóng thần ở hồ Tiểu Loan đang xây hồi tháng 7, làm chết 14 người », RFI đặt câu hỏi với một chuyên gia của Hội Sinh Thái Việt.

Từ California, ông Phạm Phan Long phân tích bối cảnh lịch sử và những lý do làm cho các nước trong vùng phải đề phòng tai họa từ các đại công trình của Trung Quốc.

Chuyên gia Phạm Phan Long

08/10/2009