Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

KINH TẾ

Hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng vấp thêm nhiều rào cản do Châu Âu và Hoa Kỳ dựng lên

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 19/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  19/10/2009 17:38 TU

Logo của Ủy Ban An Toàn Sản phẩm Tiêu dùng CPSC tại Hoa Kỳ

Logo của Ủy Ban An Toàn Sản phẩm Tiêu dùng CPSC tại Hoa Kỳ

Vào năm 2010, hàng thủy sản Việt Nam nhập vào Châu Âu sẽ phải tuân thủ quy định IUU, yêu cầu chứng nhận là sản phẩm được đánh bắt và khai thác hợp pháp. Cùng lúc, hàng may mặc Việt Nam vào Mỹ (và một số sản phẩm khác) cũng phải đạt chuẩn mực do đạo luật CPSIA quy định. Các rào cản kỹ thuật này đang khiến giới xuất khẩu Việt Nam lo ngại.

Trong tuần qua, một công văn của Ủy ban Châu Âu được báo chí tiết lộ cho biết là định chế này sẽ đề nghị Liên Hiệp Châu Âu kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống phá giá lên giày da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Áp dụng từ năm 2006, mức thuế đối với sản phẩm Việt Nam là 10%.

Việc áp đặt thuế chống phá giá này là một trong những khó khăn mà ngành xuất khẩu Việt Nam đang gặp phải trong bối cảnh các nước nhập khẩu hàng hoá ngày càng dựng thêm các rào cản để bảo vệ nền sản xuất nội địa. Vấn đề lại càng hệ trọng đối với Việt Nam khi mà các chướng ngại vật này lại được các thị trường chủ yếu của hàng Việt dựng lên, như tại Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Quy định của Châu Âu về nguồn gốc hợp pháp của thủy sản

Tại Châu Âu chẳng hạn, trong lúc mặt hàng giày da dự trù sẽ tiếp tục bị áp thuế chống phá giá, thì kể từ tháng giêng năm 2010, đến lượt thủy sản bắt đầu gặp khó khăn về mặt thủ tục khi nhập vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Vào lúc ấy, Châu Âu bắt đầu áp dụng những quy định gọi tắt là IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nhằm chống các hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản trái phép trên toàn thế giới.

Xưởng đóng giày xuất khẩu của Việt Nam

Xưởng đóng giày xuất khẩu của Việt Nam

Cá tra và cá ba sa xuất khẩu phải lọc đi toàn bộ phần mỡ.

Cá tra và cá ba sa xuất khẩu phải lọc đi toàn bộ phần mỡ.

 

 

 

 

 

 

Theo các quy định này, thì tất cả các lô hải sản từ Việt Nam xuất qua châu Âu đều phải được chứng nhận về tính hợp pháp, có tên tàu đánh bắt, vùng biển khai thác vân vân, những vấn đề khó đáp ứng do phương thức đánh cá còn cá thể, manh múm và thủ công của ngư dân Việt Nam.

Chuẩn mực mới về an toàn do Hoa Kỳ áp dụng

Khó khăn cũng có thể đến từ Mỹ, thị trường quan trọng nhất của ngành xuất khẩu Việt Nam. Trên nguyên tắc, kể từ tháng 2/2010, chính quyền Mỹ sẽ áp dụng đạo luật có tên là Consumer Product Safety Improvment Act (CPSIA), tạm dịch là Luật Cải thiện An Toàn Sản phẩm Tiêu dùng. Theo đó luật này, các mặt hàng nhập vào thị trường Hoa Kỳ phải hội đủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt.

Xưởng may hàng xuất khẩu của Việt Nam

Xưởng may hàng xuất khẩu của Việt Nam

Báo Tuổi Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào thứ hai tuần trước đã nêu bật một ví dụ liên quan đến hàng may mặc, theo đó nhà sản xuất phải cung cấp nhiều loại giấy tờ như giấy kiểm tra về tính an toàn của vải khi bị cháy, kèm theo hàm lượng chì trên vải chẳng hạn. Đạo luật CPSIA đang khiến giới xuất khẩu Việt Nam lo ngại vì đã đặt ra nhiều loại tiêu chuẩn cao về chất lượng và tính an toàn, buộc giới sản xuất tại Việt Nam phải cố gắng rất nhiều mới thỏa mãn được.

Để tìm hiểu thêm về rào cản kỹ thuật mới mà đạo luật Cải thiện An Toàn Sản phẩm Tiêu dùng CSPIA tại Hoa Kỳ đặt ra cho hàng nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt là đối với hàng Việt Nam, RFI đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ). Theo anh Nguyễn Xuân Nghĩa, tình hình không đáng phải lo ngại quá mức căn cứ vào cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ, và tinh thần của đạo luật Cải thiện An Toàn Sản phẩm Tiêu dùng CPSIA sẽ có hiệu lực từ tháng 2 năm 2010.

Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết nêu bật chiều hướng trao đổi thương mại ngày càng gia tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với lợi thế hiện đang thiên về Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ

Trước hết, về luồng giao dịch ngoại thương của Việt Nam với Hoa Kỳ thì 15 năm trước, khi Mỹ bắt đầu bãi bỏ cấm vận với Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới chỉ khoảng hơn 220 triệu đô la, chủ yếu là Mỹ bán cho Việt Nam hơn 170 triệu và mua hàng của có 50 triệu đô la mà thôi. Bước đột phá bắt đầu từ năm 2001, khi luồng giao dịch tăng vọt lên hơn một tỷ 400 triệu đô la với Việt Nam đạt xuất siêu hơn 600 triệu vì bán nhiều hơn mua với Hoa Kỳ.

Qua năm 2002 thì hai nước gia tăng buôn bán hơn gấp đôi sau khi Hoa Kỳ cho Việt Nam hưởng quy chế mậu dịch bình thường, trước đó gọi là quy chế tối huệ quốc, nhờ ký kết Hiệp định Thương mại Song phương vào cuối năm 2001. Kể từ đấy, luồng giao dịch bành trướng mạnh và năm ngoái đã lên tới hơn 15 tỷ đô la, trong đó, Việt Nam bán được gần 13 tỷ và mua vào 2,6 tỷ, đạt xuất siêu gần 10 tỷ đô la.

- Một chi tiết nhỏ là Việt Nam được xuất siêu chừng nào khi mua bán với Mỹ thì lại bị nhập siêu chừng đó - là quãng 10 tỷ đô la - với Trung Quốc. Tức là được lợi chừng nào với Mỹ thì lại nộp chừng ấy tiền cho Trung Quốc! Riêng trong năm tháng đầu năm nay thì tình hình mua bán với Mỹ có sút kém vì Việt Nam chỉ bán được có gần năm tỷ và đạt xuất siêu có bốn tỷ sáu thôi, so với năm tháng đầu của năm ngoái, kim ngạch giao dịch có giảm 3%.

- Nói về cơ cấu hàng hóa thì Việt Nam chủ yếu bán cho Mỹ áo quần, đồ gỗ, giày dép, thủy sản, một chút sản phẩm dầu khí, máy móc điện cơ, và sau cùng là cà phê và hạt điều. Ngược lại, Việt Nam mua của Mỹ xe hơi, thiết bị máy móc, thịt bò, bông vải, nhựa, sắt thép và máy điện cơ.

Việt Nam bị vạ lây từ phản ứng của Mỹ chống hàng Trung Quốc

Về đạo luật CSPIA tăng cường kiểm soát an toàn trên một số mặt hàng mà Hoa Kỳ sắp áp dụng, anh Nguyễn Xuân Nghĩa xác định :

- Đây lại là một trường hợp khác mà Việt Nam bị họa lây vì Trung Quốc! Số là năm 2007, dân Mỹ phát giác là nhiều mặt hàng của Trung Quốc bán vào Mỹ có quá nhiều độc chất nguy hại, nhất là đồ chơi cho trẻ em. Vì vậy, Hạ viện rồi Thượng viện Mỹ đã theo nhau biểu quyết hai dự luật tăng cường kiểm soát mức độ an toàn trên một số mặt hàng nói chung, kể cả các mặt hàng nhập cảng, nhưng thật ra không có chủ đích tập trung vào hàng nhập cảng.

- Ngày 14/08/2008, Tổng thống George Bush mới ban hành đạo luật này, gọi là Consumer Product Safety Improvement Act, CPSIA, theo đó, trước tiên là Hội đồng Kiểm soát An toàn được tăng ngân sách để tuyển thêm người lo việc kiểm tra song song cùng hai cơ chế hiện hành là Cơ quan Lương thực và Dược phẩm FDA và Bộ Canh nông là cơ chế có thẩm quyền về các loại nông sản. Sau khi đạo luật được ban hành, các cơ quan hữu trách tại Hoa Kỳ mới nghiên cứu việc áp dụng trong thực tế, thí dụ như đào tạo nhân viên và đặt ra tiêu chuẩn thử nghiệm mà các doanh nghiệp phải tôn trọng.

- Một điều cần chú ý là đạo luật này chủ yếu tập trung vào các sản phẩm bán cho trẻ em, theo định nghĩa là từ 12 tuổi trở xuống, trong đó có đồ chơi và cả áo khoác. Ngoài ra, còn có loại xe giải trí có thể chạy chơi trên mọi loại địa hình, cũng lọt vào vòng phải kiểm soát.

Về lý do vì sao các doanh nghiệp Việt Nam lại có vẻ hốt hoảng về đạo luật CSPIA, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích :

- Đạo luật này được tung ra để bảo vệ an toàn cho giới tiêu thụ - nhất là trẻ em - và doanh nghiệp nào của Mỹ cũng bị chi phối vì các tiêu chuẩn an toàn đó nếu sản xuất hay phân phối cho khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, vì đa số các sản phẩm bị tăng cường kiểm soát lại là hàng tiêu dùng cho thiếu nhi và là hàng nhập khẩu nên các nhà sản xuất ở xứ khác mà muốn bán vào Mỹ thì sẽ phải thận trọng hơn. Một cách cụ thể là đồ chơi cho trẻ em sẽ bị kiểm soát kỹ để giảm dần chất chì trong nước sơn theo một lịch trình ngày càng khắt khe hơn từ nay đến năm 2011. Một thí dụ khác có thể liên hệ đến Việt Nam là áo quần cho trẻ em là mặt hàng mà nếu muốn sản xuất để bán qua Mỹ thì phải kiểm soát kỹ lưỡng từ cái khóa kéo đến các hợp chất của vải, nhựa, v.v...

Đối với anh Nguyễn Xuân Nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu trước về các tiêu chuẩn cần chú ý để thi hành, đừng để xẩy ra tính trạng hàng qua đến Mỹ rồi bị trả về.

Thật ra, cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ là Hội đồng Kiểm soát gọi tắt là CPSC đang nghiên cứu điều lệ áp dụng và khi bắt đầu thi hành thì các tùy viên kinh tế hay thương mại của các Sứ quán Hoa Kỳ ở ngoại quốc và các Phòng Thương mại Mỹ phải được biết để phổ biến rộng rãi. Giới sản xuất tại Việt Nam cần biết rõ như vậy để hỏi kỹ từ trước.

Một điều khoản cụ thể của đạo luật là nhà sản xuất các mặt hàng bị coi là đối tượng cần gia tăng kiểm soát an toàn phải có được "Giấy Chứng nhận" về mức độ phù hợp căn cứ trên việc thử nghiệm. Nghĩa là một số hàng mẫu phải được thử nghiệm từ gốc để xác định là hợp tiêu chuẩn và giấy chứng nhận phải viết bằng Anh ngữ, đi kèm món hàng từ khi sản xuất qua ngần ấy chặng phân phối xỉ và lẻ cho tới tay người tiêu thụ sau cùng.

Ngoài ra, cũng cần chú ý là đạo luật này triệt để bảo vệ người tố giác - có thể là công nhân viên ngay trong hãng sản xuất nếu họ thấy có sự gian lận. Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó luồn lách để vượt qua luật lệ. Và hình phạt ở đây là cả hình lẩn hộ, cả án tù lẫn tiền phạt và thu hồi sản phẩm theo thủ tục do Hội đồng Kiểm soát quyết định chứ không có chuyện thương thảo hoặc dàn xếp.

Sau khi đạo luật được ban hành, cơ chế độc lập của Quốc hội chuyên về kiểm tra Chính phủ gọi là Government Accountability Office (GAO) đã nghiên cứu việc áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu và công bố phúc trình của họ hồi giữa tháng Tám. Sau đó, hôm 07/10 vừa qua họ trình bày trước Hội đồng Kiểm soát kết quả nghiên cứu và những đề nghị. Căn cứ trên báo cáo này thì ta thấy Hội đồng Kiểm soát có trách nhiệm nặng nề hơn mà lại thiếu nhiều phương tiện, kể cả nhân sự, và cần phối hợp với các cơ quan khác, như Quan thuế và Biên phòng. Trước hết là việc lập ra danh sách những độc chất cần loại trừ và thủ tục kiểm phẩm, thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận để thông báo trước kỳ hạn tháng 2/2010.

Một giải pháp nên lập tức thi hành là yêu cầu viện trợ kỹ thuật để mình học hỏi ngay những hậu quả hay đòi hỏi của luật lệ mới và công khai phổ biến cho mọi người cùng biết rõ vì đạo luật này đòi chính nhà sản xuất ở nước ngoài thi hành việc thử nghiệm đó, chứ không phải đợi tới khi hàng cập bến vào Mỹ mới được nhà chức trách Mỹ thử nghiệm rồi gửi trả nếu không hợp tiêu chuẩn.