Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TẠP CHÍ KINH TẾ

Chỉ số đo lường chất lượng cuộc sống và hạnh phúc con người

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 20/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  13/03/2010 16:32 TU

Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz, Paris, ngày 14/09/2009Ảnh : Reuters

Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz, Paris, ngày 14/09/2009
Ảnh : Reuters

Giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban được đặt dưới sự điều hành của  giáo sư Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế 2001, đã trình lên tổng thống Pháp báo cáo về « đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội ». Ủy ban đề nghị chú trọng nhiều hơn đến chất lượng đời sống và hạnh phúc con người.

Sau 18 tháng nghiên cứu, trung tuần tháng 9/2009, ủy ban bao gồm 22 chuyên gia kinh tế và khoa học xã hội dưới sự điều hành của giáo sư Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế 2001, đã trình lên tổng thống Pháp một bản báo cáo hơn 300 trang về « đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội », còn được gọi tắt là báo cáo Stiglitz.

Văn bản trên nhận thấy là mọi người trong xã hội không được hưởng những thành tựu kinh tế như nhau. Do đó song song với chỉ số tăng trưởng GDP vốn được sử dụng để đo lường của cải mà một quốc gia tạo ra trong một năm, Ủy ban Stiglitz đề nghị một vài chỉ số khác chú trọng nhiều hơn đến chất lượng đời sống và hạnh phúc con người, cũng như đến khả năng một nền kinh tế duy trì được mức hạnh phúc đó một cách lâu dài.

Đâu là tầm mức quan trọng của báo cáo Stiglitz, mục tiêu của nó là gì và văn bản đó sẽ mở ra những hướng nghiên cứu nào trong tương lai ?

Sự ra đời của Ủy ban Stiglitz

Tháng 2/2008 tổng thống Pháp mời giáo sư kinh tế Joseph Stiglitz thuộc đại học Colombia, Hoa Kỳ đứng đầu ủy ban mang tên « Ủy ban vì mức độ đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội ».

Ủy ban này bao gồm hơn 20 chuyên gia quốc tế trong đó có đến 5 giải thưởng Nobel kinh tế (Kenneth Arrow, Daniel Kahneman, James Heckman, Amartya Sen và bản thân giáo sư Joseph Stiglitz) có hai nhiệm vụ chính :

Thứ nhất là xem xét những giới hạn của chỉ số GDP, tức tổng sản phẩm nội địa, trong chức năng đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội.

Nhiệm vụ thứ nhì là Ủy ban phải đề nghị một số thông tin, những công cụ để bổ sung cho GDP, vốn được dùng để đo lường của cải mà một quốc gia làm ra.

Những thông tin mang tính bổ sung đó hay những công cụ mới này phải là một phương tiện giúp chính phủ có thể « bắt mạch » tình hình kinh tế và xã hội trong nước một cách toàn diện hơn, trung thực hơn, chính xác hơn so với những chỉ số thường dùng hiện nay, như GDP hay tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp …

Mục tiêu sau cùng là để từ đó một Nhà nước có thể hoạch định những chính sách kinh tế có hiệu quả nhất.

Giáo sư Jean Paul Fitoussi, điều phối viên của Ủy ban Stiglitz, cho biết rõ về sự cần thiết có những công cụ đo lường chính xác hơn :

« Nếu như một chính phủ quyết định đưa ra một chính sách kinh tế để nâng tỷ lệ tăng trưởng của GDP, nhưng quyết định đó lại tạo cho người dân cảm tưởng là hạnh phúc của họ hay chất lượng đời sống hàng ngày của họ bị giảm đi, thì đấy thật sự là một ''vấn đề''. Do vậy mà một chính phủ nên cần có hai loại chỉ số, một chỉ số thuần túy kinh tế và bên cạnh đó là chỉ số chất lượng cuộc sống ».

Cũng phải nói thêm là sở dĩ mà Ủy ban Stiglitz đã gắn liền « hiệu quả kinh tế » với những « tiến bộ xã hội », do tránh để xảy ra hiện tượng các chỉ tiêu kinh tế cứ tăng đều đặn mà cuộc sống của người dân thì thêm khó khăn.

Thật vậy, theo một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trước khi Ủy ban Stiglitz bắt tay vào việc, có đến 1/3 dân Pháp không tin tưởng vào các con số thống kê về tăng trưởng kinh tế, lạm phát hay thất nghiệp, được INSEE công bố cứ ba tháng một lần.

Joseph Stiglitz (giữa) cùng với bộ trưởng Kinh tế Pháp (trái) (Ảnh : AFP)

Joseph Stiglitz (giữa) cùng với bộ trưởng Kinh tế Pháp (trái)
(Ảnh : AFP)

Tầm mức quan trọng của bản nghiên cứu

Kể từ khi bắt tay vào việc cho đến khi hoàn thành bản báo cáo Stiglitz, toàn cảnh kinh tế thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Khi trình làng báo cáo nói trên vào trung tuần tháng 9 vừa qua, giáo sư Stiglitz đã nhấn mạnh là bản nghiên cứu này được hoàn tất vào lúc mà thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, xã hội nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Điều đó, theo đánh giá của Ủy ban, càng cho thấy rõ là hơn bao giờ hết, các quốc gia trên thế giới nên hướng đến một chỉ số kinh tế và xã hội khác, thay vì chỉ giới hạn chỉ số GDP. Mặt khác nó cũng cho thấy là tầm mức quan trọng của báo cáo Stiglitz đã vượt hẳn ra ngoài phạm vi nước Pháp.

Khủng hoảng toàn cầu hiện nay chứng minh rằng các công cụ kế toán, thống kê mà các doanh nghiệp, tư nhân hay Nhà nước sử dụng không cho phép báo trước tai họa.

Người ta cũng không thể ngờ rằng ngày hôm nay, cả thế giới đang trả giá đắt cho thời kỳ thịnh vượng kéo dài từ năm 2004 đến 2007. Nói cách khác, trong giai đoạn từ 2004 đến 2007, người ta đã quá chú trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà coi thường những chỉ số khác, trong đó phải kể đến tỷ lệ nợ của tư nhân liên tục gia tăng, để biết được rằng rằng đà tăng trưởng đó sẽ có lâu bền hay không.

Ngoài vấn đề thuần túy kinh tế, một hồ sơ khác hết sức thời sự và cần được giải quyết cấp bách hiện nay đó là hiện tượng biến đổi khí hậu.

Về điểm này, báo cáo của Ủy ban Stiglitz nhấn mạnh : từ trước đến nay, khu vực sản xuất không bị đánh thuế carbon. Chỉ số đo lường của cải một quốc gia làm ra cũng hoàn toàn không tính đến những tác động tiêu cực của khu vực sản xuất đối với môi trường.

Một khi gắn liền hai vấn đề kể trên với nhau, ở cấp vĩ mô, các nhà lãnh đạo sẽ phải cân nhắc để việc phát triển kinh tế không hủy hoại môi trường.

Tất cả các thành viên trong ủy ban đặt dưới sự chỉ đạo của giáo sư Joseph Stiglitz đều đồng ý trên một điểm : không một ai, cho dù là chính phủ hay tư nhân, có thể lấy những quyết định đúng đắn và có hiệu quả nhất nếu họ không có được những thông tin trung thực nhất, nếu không có trong tay những công cụ cho phép bắt mạch tình hình một cách chính xác nhất.

Nói cách khác, với những đơn vị đo lường chính xác hơn, các chính sách kinh tế sẽ có hiệu quả tốt hơn. Đó là điều đã được kiểm chứng qua kinh nghiệm của hai cuộc khủng hoảng đang đặt ra cho toàn cầu : khủng hoảng kinh tế và khí hậu.

Kết luận chính của báo cáo

Báo cáo Stiglitz chú ý đến hai khái niệm khác nhau : một là mức độ hạnh phúc hiện tại của con người, và hai là khả năng mức độ hạnh phúc đó được duy trì một cách lâu dài.

Giáo sư Stiglitz giải thích trong buổi họp báo hồi tháng trước : « GDP, tổng sản phẩm nội địa là chỉ số cho phép chúng ta đo lường những gì có thể tính được bằng tiền. Chỉ số đó không quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Chất lượng cuộc sống là gì ? Đó là những chỉ số liên quan đến các điều kiện giải trí, giáo dục, y tế môi trường v.v. »

Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc hiện tại  của con người tùy thuộc vào mức thu nhập vào các điều kiện kinh tế và tài chính. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều kiện sống có thoải mái hay không ? Điều đó tùy thuộc vào sức khỏe, vào môi trường xã hội, vào kiến thức của từng người, vào các hoạt động văn hóa, vào thời gian để giải trí, nói chung là vào rất nhiều yếu tố không thể cân, đong, đo, đếm bằng tiền bạc.

Khái niệm thứ nhì được nêu lên trong báo cáo của Ủy ban Stiglitz mang tính lâu dài. Vấn đề ở đây là làm thế nào để con người có khả năng cải thiện hay ít ra là duy trì những tài sản kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, … đã tích lũy được để cho các thế hệ tương lai.

Khi nhìn rộng ra như vậy, ủy ban nêu lên một số đề nghị như sau :

- GPD hay tổng sản phẩm nội địa không còn là một công cụ đủ chính xác cho phép đo lường hiệu quả kinh tế lẫn chất lượng cuộc sống khi mà những dịch vụ ngày càng chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày.

Cụ thể là con người hạnh phúc khi họ có khả năng mua sắm các trang thiết bị trong gia đình… nhưng bên cạnh đó con người ngày càng cần được cung cấp những dịch vụ có chất lượng. Họ cần được chăm sóc sức khỏe, cần có trường học cho con cái, cần được tiếp cận với  thông tin, với những kỹ thuật  mới …

Tóm lại ở vào đầu thế kỷ 21, con người đang chuyển từ một nền kinh tế chỉ chú trọng vào khối lượng sang một mô hình mà ở đó những tiến bộ về mặt « khối lượng » cần phải đi kèm với những tiến bộ về mặt « chất lượng ».

- Từ đó, báo cáo Stiglitz đề nghị là các con số thống kê nên dành một vị trí quan trọng hơn cho các chỉ số đo lường mức độ hạnh phúc của người dân và điều đó không có nghĩa là phải quên đi chỉ số GDP. Ngoài ra chỉ số đo lường về chất lượng đó phải chú ý đến cả hai khía cạnh « chủ quan » và « khách quan » của vấn đề.

Báo cáo Stiglitz

Tuy nhiên, báo cáo Stiglitz không thuyết phục được tất cả mọi thành phần.

Một số người chỉ trích đề nghị của ủy ban Stiglitz không phán ánh đúng sự thực. Một số tiếng nói khác lo ngại các chỉ số về chất lượng đời sống sẽ bị một số nhà lãnh đạo lạm dụng để biện minh cho chính sách phát triển của họ. Về phần bà Florence Jany Catrice, đại diện của tổ chức Collectif Fair, một diễn đàn chủ trương ‘tìm kiếm ra những chỉ số kinh tế khác’ thì tiếc là nhiều yếu tố xã hội đã bị lu mờ trong báo cáo Stiglitz.

« Điểm thứ nhất khiến chúng tôi thận trọng, chủ yếu do hầu hết các thành viên trong Ủy ban đều là các chuyên gia kinh tế. Vì thế  báo cáo mà chúng ta gọi là báo cáo Stiglitz mang tính hết sức kỹ thuật.

Văn bản này chú trọng quá nhiều vào khía cạnh kinh tế và kỹ thuật của vấn đề. Các chuyên gia đề nghị một chỉ số mới để thay thế cho GDP, thế nhưng đề nghị của họ cơ bản vẫn dựa vào các yếu tố được tính bằng tiền bạc.

Trong khi đó khi chúng ta nói đến chất lượng cuộc sống, đến hạnh phuc của con người, lẽ ra chúng ta nên thoát hẳn ra khỏi những khái niệm chỉ có thể được đặt lên bàn tính vì chúng được đo lường bằng tiền bạc. Đấy là khuyết điểm thứ nhất của báo cáo Stiglitz.

Khuyết điểm thứ nhì, cũng quan trọng không kém, nằm ở chỗ báo cáo này đề cập đến tính chất phát triển lâu bền và hai chữ lâu bền ở đây chỉ được hiểu theo nghĩa là con người cần bảo vệ môi trường sinh thái để những thế hệ mai sau tiếp tục được sống trên quả đất sạch.

Theo tôi đây là một điều kiện cần thiết, nhưng chung sống trên một mảnh đất sạch không đủ. Con người còn cần phải được sống trong một môi trường xã hội thuận lợi nữa. Tôi tiếc là cả một mảng liên quan đến sự phát triển bền vững về phương diện xã hội đã không được đề cập đến trong báo cáo Stiglitz vừa qua »

Bộ trưởng kinh tế Pháp bà Christine Lagarde đánh giá cao báo cáo Stiglitz và bà cam kết đưa báo cáo này ra thảo luận ở cấp quốc tế. Bà Lagarde hy vọng là Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OCDE nhanh chóng đưa ra những công cụ thống kê mới của thế kỷ 21.

Cuối tháng này, tại hội thảo về thống kê quốc tế tại Pusan, Hàn Quốc  các chuyên gia cũng sẽ mang báo cáo Stiglitz ra thảo luận.

Riêng tại Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy đã yêu cầu Viện thống kê quốc gia INSEE xét lại phương pháp làm việc, cho dù báo cáo về « cách đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hôị » của Ủy ban Stiglitz vừa công bố chỉ mới là bước đầu và chỉ mới mở ra các cuộc thảo luận chung quanh một phương pháp làm việc mới và đây cũng mới chỉ là viên đá đầu tiên để xây dựng cả một hệ thống thống kê mới cho thế kỷ 21.