Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Các nước giàu vẫn chưa bảo đảm nguồn tài trợ cho các nước nghèo

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 22/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  22/10/2009 15:31 TU

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Theo giới chuyên gia, vấn đề cấp bách hiện nay là kìm chế, không để cho nhiệt độ trên trái đất tăng quá 2° C, trong giai đoạn 2010 – 2030. Để đạt mục tiêu này, thế giới phải đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ đô la vào trong lĩnh vực năng lượng.

Trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, các nước phát triển được yêu cầu là từ nay đến 2050, sẽ giảm thải từ 80 đến 95% lượng khí CO2 so với mức của năm 1990. Ngoài những nỗ lực đầu tư trong nước, các nước giầu còn phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các dự án « sạch ».

Theo thẩm định của Ủy ban châu Âu, từ nay đến 2020, các nước nghèo nhất cần khoảng 100 tỷ đô la, để có thể tiến hành cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu ngay từ năm tới, 2010.

Các nước công nghiệp phát triển, như Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ Canada, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Sĩ, sẽ phải tài trợ từ 22 đến 50 tỷ đô la mỗi năm.

Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 20/10 tại Luxembourg, các bộ trưởng Tài chính của Liên Hiệp Châu Âu chỉ nêu ra con số từ 2 đến 15 tỷ, tức là rất thấp so với mức 35 tỷ, mà Green Peace và các tổ chức bảo vệ môi trường yêu cầu đối với châu Âu. Và mỗi khi bàn đến nghĩa vụ đóng góp tài chính thì nội bộ châu Âu lại bất đồng.

Thượng đỉnh châu Âu 29-30/10 : Cơ may cuối cùng để tìm ra kế hoạch cụ thể

Hầu hết các nước thành viên mới thuộc đông Âu từ chối viện trợ với lý do bản thân họ cũng là những « nước nghèo ». Ba Lan, Slovaquia, Hungary, Litva, Latvia, Rumanie, Bulgarie, cộng hòa Séc, Slovénia chỉ muốn là trong giai đoạn đầu, đóng góp trên cơ sở tự nguyện, đến giai đoạn sau, từ 2013 trở đi, thì mức đóng góp « viện trợ khí hậu » tỷ lệ thuận với tổng mức viện trợ cho phát triển.

Các thành viên cũ trong Liên Hiệp Châu Âu cũng có những ý kiến khác nhau. Đức nhận định là còn quá sớm để đưa ra một con số tài trợ cụ thể khi mà các nước công nghiệp phát triển khác vẫn im lặng. Ý núp đằng sau Đức để lẩn tránh vấn đề đóng góp.

Ông Anders Borg, bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, nước hiện là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu nói thẳng là ông rất thất vọng. Các nước châu Âu không có cam kết gì. Một số nước cần phải có lập trường mềm dẻo và thực tế hơn.

Mọi cặp mắt giờ đây hướng về hội nghị thượng đỉnh châu Âu, sẽ họp từ 29 đến 30 tháng 10, tại Bruxelles. Ông Joris den Blanken, thuộc hiệp hội Green Peace, được AFP trích dẫn, nhận định, « Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là cơ may cuối cùng để Liên Hiệp Châu Âu tạo ra được một động lực cho các cuộc đàm phán quốc tế ».

Về phần mình, ủy viên châu Âu phụ trách môi trường, Stavros Dimas cảnh báo, « các vị lãnh đạo phải quyết định về vấn đề tài chính, bởi vì nếu không có tiền trên bàn đàm phán thì các cuộc thương lượng tại Copenhagen sẽ không đạt kết quả ».

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu Copenhagen, Đan Mạch sẽ diễn ra từ ngày 07 đến 18 tháng 12. Cách nay hai hôm, ông Yvo de Boer, quan chức cấp cao Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ biến đổi khí hậu đã tỏ ra bi quan.

Theo ông, hội nghị Copenhagen sẽ khó đạt được một thỏa thuận hoàn chỉnh mà có lẽ chỉ đạt được một thỏa thuận khung về mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kích, tác nhân làm tăng nhiệt độ trên trái đất.