Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc cam kết giảm khí thải nhưng vẫn tránh mọi ràng buộc, để bảo vệ tăng trưởng kinh tế

  Mai Vân

Bài đăng ngày 29/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  29/10/2009 15:40 TU

Mức độ ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh cao gấp đôi so với tiêu chuẩn quốc tế (Reuters)

Mức độ ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh cao gấp đôi so với tiêu chuẩn quốc tế (Reuters)

Tuy bày tỏ thiện chí trong việc giảm khí thải, nhưng Trung Quốc đã không cho biết bất kỳ chỉ tiêu cụ thể nào. Cho tới giờ, Trung Quốc vẫn mơ hồ trên các lời cam kết giảm bao nhiêu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. RFI phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ.

Vào tuần trước, ngày 21 tháng 10, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama, và cam kết cùng hợp tác với Mỹ  trong nỗ lực chống lại hiện tượng biến đổi khi hậu và giúp cho Hội nghị Quốc tế Copenhagen về khí hậu thành công. Đây là lần thứ hai trong không đầy một tháng mà lãnh đạo Trung Quốc tỏ thái độ tích cực trên hồ sơ này.

Trước đó, vào hạ tuần tháng 9, ngay tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Hồ Cẩm Đào đã cam kết là từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ giảm mức độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính ''một cách đáng kể''. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc đã không cho biết bất kỳ chỉ tiêu giảm cụ thể nào. Ông Hồ Cẩm Đào chỉ nói rằng nước ông sẽ ''thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân'', đống thời ''nâng cao tỷ lệ năng lượng không hoá thạch trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên khoảng 15% từ nay đến năm 2020''.

Một nhà máy luyện thép ở Bắc Kinh.Reuters

Một nhà máy luyện thép ở Bắc Kinh.
Reuters

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc vẫn mơ hồ trên các cam kết giảm bao nhiêu khí thải gây hiệu ứng nhà kính cụ thể, đó là vì Bắc Kinh  tránh không để cho mình bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu cụ thể. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn xác định là chính các nước công nghiệp phát triển đã là nguồn gốc gây nên tình trạng hiện nay, do đó các nước này phải có trách nhiệm giúp đỡ các quốc gia đang phát triển để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Dẫu sao thì việc Bắc Kinh đưa ra lời cam kết, dù chưa rõ ràng, như trên, đặc biệt là khi nước này cũng hứa hợp tác với Hoa Kỳ để hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, đã được giới quan sát đánh giá là một bước tiến có ý nghĩa. Lý do là Trung Quốc mới đây đã qua mặt Mỹ trong vai trò quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên hành tinh, cho dù vẫn đứng thứ hai sau Hoa Kỳ nếu tính theo tỷ lệ khí thải trên đầu người.

Hiện nay, lượng khí CO2 do Hoa Kỳ và Trung Quốc thải ra chiếm 40% tổng số khí thải trên thế giới. Việc hai nước này hợp tác với nhau tất nhiên sẽ có tác động quan trọng, chưa kể đến việc hai cường quốc có thể trở thành động lực thúc đẩy các nước gây ô nhiễm khác  trong cố gắng đối phó với nguy cơ hành tình bị hâm nóng.

Đối với giới quan sát tình hình Trung Quốc, không phải là ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại có động thái tích cực hơn vào lúc này trên hồ sơ khí hậu. Một trong những nguyên nhân căn bản là nước này ngày càng phải gánh chịu thêm những hậu quả nặng nề của hiện tượng khí thải gạy  ô nhiễm môi trường,  sau 30 năm phát triển ồ ạt dựa trên các nguồn năng lượng cực kỳ ô nhiễm, trong đó có than, vốn chiếm 70% nhu cầu năng lượng của nước này.

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây(Ảnh : Reuters)

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây
(Ảnh : Reuters)

Chính là để giảm bớt các tác hại đó mà trong những năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu có những biện pháp cải thiện tình hình, như phát triển các nguồn năng lượng thay thế, sao cho cung ứng được 10% năng lượng sử dụng vào năm 2010, và 15% trong 10 năm sau đó, như trồng thêm rừng để hấp thụ bớt lượng khí CO2 thải ra không khí. Do đó, thái độ tích cực hơn của Trung Quốc trong hồ sơ khí hậu phản ánh chính sách mà Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện, cái khác là lần này đã được lãnh đạo số một của nước này chính thức nêu bật trên diễn đàn thế giới.

Một nguyên nhân khác thúc đẩy Bắc Kinh tỏ dấu hiệu tích cực hơn trong hồ sơ khí hậu là vấn đề kinh tế. Theo nhiều nhà phân tích, khi chứng tỏ ''quyết tâm'' của mình trên mặt trận khí hậu, đồng thời lại nhấn mạnh đến trách nhiệm giúp đỡ của các nước công nghiệp phát triển, Trung Quốc còn nhằm mục tiêu có thể gọi là chiếm lĩnh thị trường năng lượng sạch trong tương lai bằng cách đòi các nước tiên tiến chuyển giao công nghệ học hiện đại trong lãnh vực năng lượng xanh hay hạt nhân, đồng thời tranh thủ hệ thống mua bán quotas ô nhiễm hiện hành trong khuôn khổ Nghi định thư Kyoto để thu lợi về mình.

Tóm lại, trong tình hình không còn có thể phủ nhận là chính mình cũng góp phần quan trọng vào việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã tranh thủ hai sự kiện quan trọng sắp tới đây là Hội Nghị Quốc tế về khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) và chuyến công du Trung Quốc để quảng bá cho thái độ tích cực của mình, nhưng đồng thời cũng tìm cách tránh né mọi ràng buộc về chỉ tiêu giảm khí thải cụ thể để bảo toàn lợi ích quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ), đã phân tích thêm về các thiệt hại mà Trung Quốc hiện đang phải gánh chịu trong lãnh vực môi trường, bắt buộc nước này phải tìm cách giải quyết. 

Tuy nhiên, giáo sư Long cũng nhấn mạnh rằng khi giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh cũng muốn vươn lên trong lãnh vực công nghệ môi trường, tranh thủ các khó khăn kinh tế mà phương tây đang gặp phải, trong lúc Trung Quốc thì đã tạm thời qua khỏi. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, Trung Quốc đã thấy là thị trường năng lượng sạch có rất nhiều tiềm năng mà họ có thể lao vào trước các đối thủ cạnh tranh, nếu có được công nghệ học thích hợp hiện ở trong tay Hoa Kỳ. Tín hiệu mà ông Hồ Cẩm Đào tung ra hướng về Tổng thống Barack Obama trước khi lãnh đạo Mỹ công du Trung Quốc là một chiến thuật ngoại giao đi theo chiều hướng đó. Sau đây, mời quý vị nghe phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ

29/10/2009