Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần XIV). Egon Krenz, tổng bí thư cuối cùng của Đông Đức vẫn còn biện minh cho chế độ

  Bảo Thạch,  Hoàng Nguyễn

Bài đăng ngày 06/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  09/11/2009 15:53 TU

Cựu tổng bí thư Egon Krenz

Cựu tổng bí thư Egon Krenz

Theo thông tấn xã Hungary MTI, với việc mở biên biên giới Hungary – Áo cách đây 20 năm, Hungary đã "vi phạm các hiệp định song phương ký kết với Đông Đức". Egon Krenz, tổng bí thư cuối cùng của Đảng xã hội Thống nhất Đức (tức Đảng Cộng sản) đã nhấn mạnh như vậy khi trò chuyện với báo chí vào hạ tuần tháng 10 năm 2009

Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest. 

"Egon Krenz – người đồng thời còn giữ cương vị chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức vào năm 1989 – đã buộc tội Ban lãnh đạo Hungary rằng không chỉ trong biến cố mở biên giới vào tháng 9-1989, và ngay việc dỡ bỏ Bức màn sắt vào mùa hè, phía Hungary đã hành xử trái ngược với những gì đã bàn bạc tại các cuộc đàm phán song phương, cũng như, đã vi phạm các thỏa thuận đã ký kết giữa hai quốc gia.

Đồng thời, ông nhắc lại một cáo buộc đã được lãnh đạo Đông Đức đưa ra từ 20 năm trưóc, theo đó, Hungary đã nhận tiền từ Tây Đức khi mở biên giới và cho người tị nạn Đông Đức sang Phương Tây. Theo Krenz, khoản tiền này đã được giới lãnh đạo Tây Đức và các lãnh tụ Hungary (thủ tướng Németh Miklós và ngoại trưởng Horn Gyula) thỏa thuận trong các cuộc hội đàm diễn ra ngày 25-8-1989 tại Bonn. (Điều này đã được phía Hungary và các nhân vật có liên quan của Tây Đức - thủ tướng Helmut Kohl và ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher - cực lực bác bỏ.)

Từng bị án tù giam 6 năm rưỡi sau khi nước Đức thống nhất vì chỉ thị xả súng vào những người muốn vượt biên giới phân cách hai nước Đức, cựu thủ lĩnh cộng sản Đông Đức khẳng định rằng ngay trong tháng 9-1989, Đông Đức còn đàm phán với Hungary, bản thân ông cũng có dịp gặp gỡ Horn Gyula.

Phía Hungary đã có những thông báo đánh lừa chúng tôi” – Krenz cho hay, ám chỉ việc khi dỡ bỏ Bức màn sắt, Hungary chỉ nói rằng đây đơn thuần là việc hiện đại hóa các thiết bị kỹ thuật, và sẽ không ảnh hưởng gì đến Đông Đức.

Theo Krenz, trong việc đánh giá các sự kiện tại Hungary năm 1989, ông có bất đồng quan điểm với lãnh tụ Erich Honecker, người đứng đầu đảng và nhà nước Đông Đức cho đến thời điểm 18-10-1989. Trong khi Honecker cho rằng Hungary phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì những gì diễn ra, Krenz có cách nhìn nhận “chừng mực” hơn: theo ông, sở dĩ nhiều người rời đất nước ra đi như vậy vì chính sách đối nội của Đông Đức cũng “có vấn đề”.

Chúng tôi đã ước đoán tình hình thời ấy một cách sai lầm”, Krenz tuyên bố, nhấn mạnh rằng nguyên nhân thực sự của việc dân Đông Đức chạy trốn khỏi quê hương không phải là do Hunghary cho phép họ sang Phưong Tây, mà  đơn thuần vì họ đã quá ngán Đông Đức.

Hàng ngàn người dân Berlin tập hợp lại ngay sau khi bức tường sụp đổ

Hàng ngàn người dân Berlin tập hợp lại ngay sau khi bức tường sụp đổ

Krenz phủ nhận những nguồn tin cho rằng sau khi Hungary mở biên giới, Đông Đức đã yêu cầu Liên Xô và Khối Warsaw can thiệp. “Nếu Đông Đức đề xuất như vậy, tôi không biết họ có từ chối hay không?” - vị cựu tổng bí thư diễn đạt, ông cho hay ông có biết một số thành viên của Khối Warsaw sẵn sàng đồng ý can thiệp, nếu có đề nghị.

Egon Krenz cũng thừa nhận rằng vào tháng 11-1989, một số đơn vị thuộc quân Đông Đức đã được đặt trong tình trạng trực chiến ở mức độ rất cao, tuy nhiên, theo ông, lý do là vì cần giúp đỡ lực lượng biên phòng, khi ấy đã vô cùng quá tải. Krenz khẳng định: Đông Đức đã làm tất cả trong thời gian ấy đệ tránh bạo lực và nếu tất cả những điều này đã thành công thì đó là kết quả của “cách hành xử nhân đạo” của đất nước.

Trả lời các câu hỏi của giới ký giả, Egon Krenz nhấn mạnh: đến giờ phút cuối cùng, ông vẫn tin rằng có thể cải tổ được CNXH và Đông Đức. “Thất bại của CHDC Đức cũng đồng thời là thất bại của tôi”, Krenz thú nhận, và giải thích rằng do muốn cứu vãn nhà nước Đông Đức nên vào ngày 9-11, Ban lãnh đạo nước này mới ra quyết định nới lỏng các quy chế xuất cảnh, nhưng điều này lại dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin. Krenz cũng phủ nhận rằng khi đó, nền kinh tế Đông Đức đang ở ranh giới của vực thẳm: ông cho rằng CHDC Đức chỉ có những “khó khăn về kinh tế” mà thôi.

Egon Krenz cũng thú nhận rằng lính biên phòng Đông Đức đã bắn chết nhiều người vượt biên tại bức tường Berlin, nhưng ông cho rằng ông không ở trong trạng thái có thể ngặn chặn được điều này. Theo lời của Krenz, ngay trong thời gian Đông Đức còn tồn tại, ông luôn có quan điểm rằng mỗi một người tử nạn ở biên giới cũng đã là nhiều.

Những sẽ là dối trá nếu tôi khẳng định rằng, tôi lấy làm tiếc tất cả những gì đã diễn ra tại CHDC Đức”, Krenz tuyên bố trong cuộc trò chuyện với báo chí quốc tế. Ông còn cho rằng không chỉ Đông Đức, mà Tây Đức cũng phải chịu trách nhiệm về việc bức tường khét tiếng đã được dựng lên vào năm 1961".

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

06/11/2009