Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần XVII). Rumani, đất nước của những lời nói dối vĩ đại

  Bảo Thạch,  Hoàng Nguyễn

Bài đăng ngày 27/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  28/11/2009 10:29 TU

Nicolae Ceausescu, được mệnh danh là "Người chỉ đường"

Nicolae Ceausescu, được mệnh danh là "Người chỉ đường"

20 năm về trước, khi những cuộc cách mạng dân chủ đã chiến thắng tại Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc thì ở Rumani, chưa thể thấy những dấu hiệu của chuyển đổi. Chế độ Ceauşescu đã hoàn toàn chối bỏ thực tế. Trong khi dân Rumani đói khát, vị lãnh tụ vẫn tin rằng đất nước có được "đời sống cao" nhờ sự lãnh đạo của ông.

Cách đây 20 năm tại Berlin, bức tường đã sụp đổ ngày mồng 9 tháng 11, nhưng tại Rumani, chế độ vẫn tỏ ra tự tin qua việc tổ chức Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XIV. Ngày 24 tháng 11 năm 1989, Nicolae Ceausescu được Đại hội duy trì ở chức vị lãnh đạo số 1.

Được mệnh danh là Conducator (Người chỉ đường), Nicolae Ceausescu và vợ, bà Elena sẽ bất ngờ chứng kiến cảnh tượng, hàng trăm ngàn người dân Bucarest la ó, phản đối họ vào ngày 21 tháng 12 năm 1989. Bốn ngày sau đó, cặp vợ chồng bị hành quyết. Chế độ cộng sản Rumani kết thúc, nhưng ngày nay, nhiều người vẫn còn lưu luyến với gương mặt Ceausescu. Rumani vẫn tiếp tục đưa lên bàn cân công và tội của Ceausescu.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường thuật.  

"Tháng 11-1989, tại Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Rumani (PCR), thủ lĩnh Nicolae Ceauşescu, khi ấy đã 71 tuổi, lại đắc cử một nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm nữa. Khi ấy, đã từ vài thập kỷ, sự ngự trị của tệ sùng bái cá nhân ở mức độ thô thiển, cũng như, những hành vi kiểm soát của Ceauşescu trên mọi mặt của đời sống tôn giáo, giáo dục, kinh tế, xã hội và đời sống dân sự đã khiến Rumani trở thành một quốc gia tụt hậu ở mức độ ghê gớm tại vùng Đông Trung Âu.

Ceausescu không ý thức được khả năng mình sẽ bị triệt hạ.

Ceausescu không ý thức được khả năng mình sẽ bị triệt hạ.

Những gì đã xảy ra cho thấy, trong năm 1989, Ceauşescu ngày càng tách biệt hơn với thế giới Cộng sản. Tháng 8-1989, ông đề xuất một hội nghị thượng đỉnh để bàn bạc về các vấn đề của Chủ nghĩa Cộng sản Châu Âu và bảo vệ CNXH tại các quốc gia đó, nhưng đề xuất của ông bị các quốc gia Khối hiệp ước Warsaw và cả Trung Quốc bác bỏ vì tính lỗi thời và quá lạc hậu của nó.

Thậm chí, ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, những lãnh tụ thượng đỉnh của Đông Đức và Bulgari bị thay thế, Ceauşescu dường như vẫn không ý thức được khả năng mình sẽ bị triệt thoái. Ceauşescu phản đối mạnh mẽ chính sách cải tổ và công khai của Gorbachev, đặt mình vào thế đối đầu với điện Kremlin. Thậm chí, Ceauşescu còn đề nghị giới lãnh đạo Liên Xô trở về quan niệm cứng nhắc trước kia, yêu cầu Liên bang Xô-viết can thiệp và đàn áp mọi phong trào giải phóng tại khu vực Đông Âu ở nửa sau năm 1989.

Có lẽ, tới năm 1989, Ceauşescu đã hoàn toàn chối bỏ thực tế. Trong khi Rumani phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn khi người dân bị thiếu thốn những mặt hàng nhu yếu phẩm, vị lãnh tụ vẫn cho rằng đất nước đang có “đời sống cao” dưới sự lãnh đạo của ông.

Dường như ông đã đánh lừa bởi bị tệ nịnh bợ, “báo cáo láo”: trước những chuyến thăm của ông, người ta đã mang hàng hóa đến chất đầy các cửa hiệu, mang gia súc, thịt, bơ, sữa… đến các nông trang. Cuối năm 1989, hàng ngày, vô tuyến nước này vẫn có những chương trình biểu dương các nông trang có “thành tích” thu hoạch “bội thu”, trong khi Rumani đang đói khát hơn bao giờ hết.

Người dân Bucarest vui mừng ngày chế độ  Ceausescu sụp đổ

Người dân Bucarest vui mừng ngày chế độ Ceausescu sụp đổ

Về đối ngoại, trong tuần đầu tháng 12-1989, Ceauşescu đã có một hội đàm tại Moscow với người đồng nhiệm Liên Xô, tổng bí thư Gorbachev. Lãnh tụ Rumani không hề có ý thực hiện những cải tổ do điện Kremlin khuyến dụ, do vậy, Gorbachev đã trách móc rằng ông không thấy Bucarest có chút đổi thay nào.

Điều này đã khiến Ceauşescu phát khùng và theo các nhân chứng, trong vòng 3 giờ của chuyến đi săn cuối cùng, diễn ra 2 tuần trước khi bị hành quyết, ông đã xả súng và trút hết sự giận dữ, bức xúc lên đàn chim tội nghiệp.

Trong hoàn cảnh được sùng bái và tung hô vô độ, thái độ “mũ ni che tai” ấy của người tự xưng là “Thiên tài của dân Carpathian” đã khiến vài tuần sau đó, biến chuyển ở Rumani đã diễn ra rất nhanh chóng, bất ngờ và nhuốm màu sắc bạo lực, cuốn trôi vương triều của Ceauşescu trong vòng chưa đầy nửa tháng!

20 năm nhìn lại : tâm trạng hoài nhớ quá khứ

Kể từ khi lên nắm quyền rồi trở thành lãnh tụ tối cao, Ceauşescu đã xây dựng tại Rumani một mô hình cộng sản đặc biệt, được coi là mang tính dân tộc và có nhiều điểm độc lập với Liên Xô. Ngay từ thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã chấm dứt sự tham gia tích cực của Rumani trong Khối Hiệp ước Warsaw (mà Rumani là một thành viên chính thức), và từ chối tham gia cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 cùng sự công khai lên án mạnh mẽ hành động này.

Quân đội đứng về phía người dân để chống lại chế độ Ceaucescu

Quân đội đứng về phía người dân để chống lại chế độ Ceaucescu

Không có sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại Rumani, Ceauşescu đã theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập, nhiều khi thân cận với Phương Tây, và trở thành một thành viên bất tuân trong nội bộ khối Đông Âu. Một phần vì vậy, phần vì chán ngán những đấu đá trên chính trường diễn ra trong hai thập niên nay, mà những thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số cư dân Rumani cho rằng Nicolae Ceauşescu “công nhiều hơn tội”.

Trung tuần tháng 11 qua, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội CURS cho biết, theo 52% số người được hỏi, Ceauşescu “công tội như nhau”, và 31% cho rằng vị thủ lĩnh có nhiều công lao hơn là tội lỗi. Cho dù, như nhật báo “Jurnalul National” (Romania) nhận xét, 20 năm trước, đa số cư dân Rumani còn vui mừng khi cặp vợ chông nhà độc tài bị hành quyết, vì khi ấy dân Rumani coi họ như “cặp ma cà rồng hút máu nhân dân”.

Những người hoài nhớ thể chế Ceauşescu đa phần đã trên 56 tuổi, trong đó, một số lớn đã về hưu. Họ nhớ lại thời cộng sản ở Rumani như một thời kỳ mà “cái gì cũng có”, cho dù, trong thực tế, ngay những mặt càng cần thiết nhất cũng phải mua bằng phiếu và rất khó khăn mới mua được.

Tờ nhật báo lưu ý một điểm thú vị: nhiều thanh niên hầu như không có những trải nghiệm đáng kể về thời cộng sản, cũng tỏ ra có thiện cảm với Ceauşescu. Đặc biệt, có tới 41% dân nông thôn - so với tỉ lệ 31% trên toàn quốc - cho rằng, nhà độc tài chủ yếu đã làm nhiều điều tốt.

Một thăm dò khác của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội BCS cũng cho thấy, tại Rumani, sự hoài nhớ CNCS còn rất mạnh mẽ, lý do chủ yếu là đời sống hiện tại của cư dân xứ này không có gì sáng sủa. Có tới 42,2% số người được hỏi cho hay đời sống hiện tại của họ còn khó khăn hơn năm 1989, 27,1% thì nghĩ rằng không hề có gì thay đổi trong mức sống của hai thập niên qua.

Nhiều người dân vẫn còn lưu luyến với thời Ceausescu

Nhiều người dân vẫn còn lưu luyến với thời Ceausescu

Như thế, không có gì khó hiểu khi tại quê hương của nhà độc tài, chính quyền và cư dân đang định dựng một bức tượng bán thân Nicolae Ceauşescu, cao 3-4m (kể cả bệ), vì lý do Ceauşescu “đã là một phần của lịch sử Rumani”, và nhiều người vẫn coi ông như một anh hùng.

“Ý tưởng” trên đã được Hội đồng TP Scornicesti thông qua, và chỉ còn chờ sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Rumani. Các quan chức địa phương cho rằng Ceauşescu đã có nhiều công lao đối với thành phố (ông đã “nâng cấp” ngôi làng nơi ông chào đời thành một thành phố), và muốn cắt băng khánh thành pho tượng nhân 20 năm ngày mất của ông (25-12), hoặc muộn lắm là vào sinh nhật ông (26-1)".