Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

Nghị viện châu Âu lên án Việt Nam trấn áp tôn giáo và các nhà dân chủ

  Tú Anh

Bài đăng ngày 27/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  27/11/2009 17:11 TU

Nghị viện châu Âu tại Strasbourg

Nghị viện châu Âu tại Strasbourg

Tại Strasbourg, trong phiên họp vào chiều hôm qua 26/11, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính quyền Việt Nam phải công nhận tất cả các cộng đồng tôn giáo, trả tự do cho các tu sĩ bị bắt hay bị quản thúc, chấm dứt tình trạng sách nhiễu tu sĩ, chùa chiền và những người tranh đấu ôn hòa cho dân chủ nhân quyền. Trả lại cơ sở của các giáo hội mà nhà nước trưng thu.

Theo hãng tin AFP, nghị quyết lên án cuộc trục xuất bằng bạo lực "hơn 150 tăng ni" từ những tu viện của Phật Giáo, hàng trăm người bị giam chỉ vì niềm tin tôn giáo hoặc vì quan điểm chính trị của họ, trong đó có tín đồ Thiên Chúa giáo ở Tây Nguyên, mục sư Tin Lành, Linh Mục Công Giáo, tín đồ Hòa Hảo Cao Đài.

Trong phần nhận định, nghị quyết đặc biệt quan tâm đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và cộng đồng tăng ni Bát Nhã ở Lâm Đồng, trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân đang bị giam cầm. Nghị quyết nhắc lại trường hợp Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị giam cầm quản chế từ 27 năm nay.

Về tình trạng tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, các dân biểu châu Âu nêu lên những vụ đàn áp trục đuổi bằng bạo lực hàng trăm tăng ni hồi cuối tháng 9 và tiếp tục sách nhiễu các tu sĩ tu sinh tạm trú tại chùa Phước Huệ. Nhiều nhân chứng xem cách hành xử của Hà Nội tại Bát Nhã có liên quan nhân quả đến 10 đề nghị cải cách chính sách tôn giáo mà Thiền Sư Nhất Hạnh trao cho chính quyền Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

Các dân biểu châu Âu cho rằng với tư cách là chủ tịch luân lưu Hiệp Hội Asean vào năm 2010, Việt Nam phải nêu gương về tôn trọng nhân quyền, phải chấm dứt mọi hình thức đàn áp nhân quyền, tự do hội họp, phải tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và có ghi trong bản Hiến  Pháp của Việt Nam.

Trong phần yêu sách, nghị viện kêu gọi Việt Nam phải công nhận tất cả các cộng đồng tôn giáo, quyền tự do tu học. Phải trả lại tài sản, cơ sở mà chính quyền đã tịch thu của giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, của Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức tôn giáo khác.

Nghị quyết cũng kêu gọi chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu tăng thân Bát Nhã và phải để yên cho họ tu tập theo pháp môn thiền của thiền sư Nhất Hạnh,tại Bát Nhã cũng như ở những nơi khác.

Nghị viện Châu Âu khuyến khích chính phủ Việt Nam, với tư cách là một thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mời các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tự do ngôn luận, chống bắt bớ trái phép… đến Việt Nam.

Nghị viện cũng kêu gọi Ủy Ban châu Âu trong khuôn khổ đàm phán các hiệp ước hợp tác với Hà Nội, đưa vào những điều khoản trói buộc về nhân quyền và dân chủ. Nghị quyết của Nghị viện châu Âu dài 4 trang, bên cạnh phần Việt Nam, còn có tình trạng nhân quyền tại Lào.