Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Di dân vì biến đổi khí hậu, đề tài không được thảo luận tại Copenhagen

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 28/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày  28/11/2009 16:19 TU

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Quỹ Liên Hiệp Quốc vì Dân số (FNUAP) ước tính đến năm 2050 sẽ có khoảng từ 50 triệu đến một tỷ người tị nạn vì lý do khí hậu. Các đợt di dân ồ ạt chủ yếu liên quan đến các vùng bờ biển đang được phát triển, các vùng đồng bằng lớn.

Từ nay đến năm 2050, hàng chục triệu người buộc phải rời bỏ chỗ ở vì biến đổi khí hậu, nhưng số phận của họ không được đưa ra thảo luận tại các cuộc thương lượng quốc tế.

Những đợt di dân ồ ạt xuất phát từ nhiều nguyên nhân do biến đổi khí hậu gây ra, như là mực nước biển tăng, tình trạng hạn hán kéo dài, nạn lũ lụt thường xuyên, lương thực không đủ đề nuôi dân chúng, nước bị thiếu hụt và đất đai bị xói mòn.

Phủ Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) ước tính là hiện nay có 26 triệu người phải tản cư và 12 triệu người tị nạn trên thế giới.

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mở ra tại Copenhagen, ông Jean-François Durieux, một viên chức của HCR, đặc trách vấn đề biến đổi khí hậu, nói rõ là khái niệm tị nạn chỉ áp dụng cho những người bị đàn áp hay những nạn nhân của những vụ bạo động. Nhưng HCR không có bổn phận phải đón tiếp những nạn nhân của tình trạng nghèo khổ.

Về phần những người tị nạn môi trường, Quỹ Liên Hiệp Quốc vì Dân số (FNUAP) ước tính là từ nay đến năm 2050 sẽ có khoảng từ 50 triệu đến một tỷ người. Nhưng con số thông thường được đưa ra là khoảng 200 triệu người buộc phải bỏ nhà bỏ cửa vì môi trường sống bị hư hại quá nặng khiến cho việc trở về sống tại nơi cũ không thể thực hiện được.

Các đợt di dân ồ ạt sẽ chủ yếu liên quan đến các vùng bờ biển đang được phát triển, các vùng đồng bằng lớn, các hòn đảo nhỏ và các nước Phi châu dưới Sahara.

Một nhà nghiên cứu thuộc Sở khí tượng Pháp nhấn mạnh là hiện nay nhiều chuyên gia nêu lên khả năng mực nước biển sẽ tăng hai mét vào năm 2100, trong khi đó 60% dân số của 39 thành phố lớn nhất sống tập trung tại các vùng bờ biển.

Một viên chức thuộc Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế của Pháp chủ trương là « phải tạo thuận lợi cho các chính sách di dân bên trong một quốc gia và trên thế giới, đồng thời  bảo đảm việc cung cấp tài nguyên cho các quốc gia sẽ bị tác động nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu ».

Còn theo một giáo sư thuộc trường đại học Columbia ở New York, câu hỏi được đặt ra là nên để các chính phủ tự giải quyết vấn đề hay là phối hợp ở cấp quốc tế. Đối với giáo sư này, vấn đề là vạch ra những hình thức tốt nhất để giúp tái định cư những người tị nạn khí hậu ngay trên đất nước của họ.

Trong khi đó ông Durieux, thuộc cơ quan HCR, thì nghĩ rằng các chuyên gia về môi trường không sẵn sàng, thậm chí còn chống đối, việc mở thảo luận trên hồ sơ tị nạn khí hậu.