Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trung Quốc sẽ mất 300 tỷ đôla trong vòng 10 năm do kế hoạch chống biến đổi khí hậu

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 04/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  04/12/2009 15:59 TU

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây(Ảnh : Reuters)

Một nhà máy làm than đá tại tỉnh Sơn Tây
(Ảnh : Reuters)

Theo một công trình nghiên cứu đại học, được tờ báo China Daily đăng tải hôm nay, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chi thêm 30 tỷ đô la mỗi năm, trong vòng 10 năm để tìm cách giảm mức thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo kế hoạch vừa được loan báo.

Chi phí này, theo tờ báo, sẽ lên đến khoảng 64 đô la mỗi năm cho mỗi hộ gia đình nếu chính quyền quyết định bắt dân chúng đóng góp vào việc giảm khí thải. Xin nhắc lại là vào tuần trước, Bắc Kinh đã cho biết ý định sẽ giảm ''cường độ các bon'', tức là mức thải khí CO2 tính trên đơn vị GDP, theo tỷ lệ từ 40 đến 45% so với mức của năm 2005, từ nay đến năm 2020. 

Với chỉ tiêu này Trung Quốc giành quyền tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và tăng khối các bon thải ra, nhưng cam kết gia tăng hiệu quả của việc sử dụng năng lượng cũng cải tiến ngành công nghiệp theo hướng tôn trọng môi trường nhiều hơn.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh không thể dửng dưng trong vấn đề biến đổi khí hậu vì chính họ đang phải gánh chịu tác hại tình trạng này. Một trong những thí dụ cụ thể là tình trạng sa mạc hoá ngày càng nặng nề. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Marc Lebeaupin phân tích.

''Ngày nào báo chí Trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề mà đối với một số vùng đã trở thành cơn ác mộng. Đó là tình trạng của đồng bằng Bắc Kinh đang bị nạn sa mạc hóa đe doạ. Trong những năm gần đây, 17 triệu người đã phải đối phó với nạn khan hiếm nước. Các mạch nước ngầm xuống dưới mức thấp nhất và lượng nước tích trữ nay đã xuống dưới mức báo động. Sau khi đã tăng gần 50% giá nước vào tháng trước, chính phủ Bắc Kinh vừa loan báo tăng giá thêm 25%, kèm theo các khoản trợ cấp dành cho những gia đình nghèo nhất.

Nhưng không chỉ có miền Bắc bị khan hiếm nước. Mặc dù có những nguồn nước dồi dào, miền Nam Trung Quốc cũng bị đe dọa và những thành phố lớn như Hồng Kông có thể sẽ bị thiếu nước. Vậy mà từ 14 năm qua, người dân thuộc địa cũ của Anh quốc vẫn dứt khoát chống lại mọi ý định tăng giá nước. Đến mức mà Hồng Kông nay đã trở thành một trong những thành phố tiêu thụ nước nhiều nhất thế giới, với giá nước thuộc loại rẻ nhất. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh dự trù đầu tư hơn 60 tỷ đôla vào các công trình khổng lồ để bảo đảm nguồn nước cung cấp cho thủ đô Bắc Kinh.''

Cũng trong lãnh vực biến đổi khí hậu, công luận thế giới ủng hộ mạnh mẽ chủ trương chống lại hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Ngân Hàng Thế Giới và một cơ quan thuộc trường Đại học Mỹ Maryland thực hiện tại 15 nước, trong đó có Việt Nam, đại đa số người được hỏi cho rằng đất nước họ phải nỗ lực tham gia vào công cuộc chống lại hiện tượng trái đất bị hâm nóng.

Bình quân có 88% dư luận tán đồng điều này, tích cực nhất là các nước Châu Á, đi đầu là Bangladesh với 99%, theo sau là Việt Nam và Trung Quốc với 98%. Tương đối thờ ơ là người Nga, chỉ có 58% ủng hộ mà thôi. Ngay cả tại Hoa Kỳ, nước công nghiệp phát triển duy nhất không ký kết Hiệp định Kyoto, 82% người được hỏi cũng muốn là chính quyền phải nỗ lực nhiều hơn trong tương lai.