Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức về an ninh

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 07/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  07/12/2009 18:58 TU

Áp phích tại Copenhagen (Đan Mạch) kêu gọi thế giới hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu(Ảnh : Reuters)

Áp phích tại Copenhagen (Đan Mạch) kêu gọi thế giới hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu
(Ảnh : Reuters)

''Hiện tượng thay đổi khí hậu hàm chứa nhiều hệ quả to lớn về mặt an ninh'' : Tuyên bố của Tổng thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmussen đầu tháng 10/2009. ''An ninh Quốc gia và mối đe dọa đến từ biến đổi khí hậu'' : tựa đề báo cáo của Viện Phân tích Hải Quân Hoa Kỳ, công bố năm 2007. Trước đó, tạp chí quốc phòng Jane's cũng nhận định : ''Biến đổi khí hậu tạo ra những thách thức về an ninh phức tạp hơn cả thời Chiến tranh Lạnh''

Ngay từ khi vấn đề biến đổi khí hậu bắt đầu thu hút mối quan tâm của các khoa học gia và những nhà hoạch định chính sách, như vậy là giới quân sự cũng đã hết sức lưu tâm đến tác động, thậm chí tác hại của hiện tượng này đối với nền quốc phòng và tình hình an ninh ổn định, không chỉ của từng quốc gia riêng lẻ, mà của cả một khu vực hay trên toàn thế giới.

Tan băng tại Bắc Cực : một vấn đề an ninh đối với NATO

Một thí dụ thường xuyên được nêu bật trong thời gian gần đây để chứng tỏ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh là hiện tượng băng tan tại Bắc Cực. Hôm 01/10/09, Tổng thư ký NATO đã đề cập đến vấn đề này như một đe dọa cho an ninh, bên cạnh hiện tượng nước biển dâng lên, nạn hạn hán, sản xuất lương thực giảm sút, những yếu tố có nguy cơ làm dấy lên hiện tượng di dân ồ ạt và xung đột võ trang

Về Bắc Cực, NATO lo ngại là việc băng sơn càng lúc càng mất đi cũng có thể tạo ra tranh chấp giữa các nước chung quanh khu vực để giành quyền sử dụng tuyến hàng hải mới được khai thông, hay để khai thác nguồn tài nguyên được cho là rất phong phú, trước đây bị vùi lấp dưới lớp băng. Theo một số ước tính, trữ lượng dầu hoả ở phiá dưới Bắc Cực có thể lên đến 90 tỷ thùng. 

Hiện nay năm nước Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga và Hoa Kỳ đang có chủ quyền chồng lấn nhau trong vùng Bắc Cực, do đó, theo NATO, để giảm thiểu nguy cơ căng thẳng, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, với tư cách là một khối, cũng như các thành viên NATO có liên can, cần phải thương thảo và hợp tác với Nga. Hệ quả của việc băng tuyết ở Bắc Cực bị tan chảy đối với vấn đề an ninh khu vực là một thí dụ tiêu biểu, cho thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh.

Tranh giành Bắc Cực : Nhà thám hiểm Nga Artur Chilingarov trưng tấm ảnh chụp lá cờ do ông cắm vào tháng 7/2007 để đòi chủ quyền (T); Thủ tướng Canada Stephen Harper đi thăm đội biên phòng Bắc Cực Arctic Rangers vào tháng 8/2007, khẳng định trở lại chủ quyền của Canada (P)(Ảnh : Reuters)

Tranh giành Bắc Cực : Nhà thám hiểm Nga Artur Chilingarov trưng tấm ảnh chụp lá cờ do ông cắm vào tháng 7/2007 để đòi chủ quyền (T); Thủ tướng Canada Stephen Harper đi thăm đội biên phòng Bắc Cực Arctic Rangers vào tháng 8/2007, khẳng định trở lại chủ quyền của Canada (P)
(Ảnh : Reuters)

Một thí dụ khác thường được rất nhiều chuyên gia nêu lên để nhấn mạnh đến tác động của biến đổi khí hậu trên tình hình an ninh một nước là những gì xẩy ra tại vùng Darfur (Sudan - châu Phi). Theo một số chuyên gia, chiến tranh sắc tộc tàn phá vùng này bắt nguồn tư nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề lượng mưa giảm bớt 40% trong thế kỷ qua, tạo ra tình trạng khan hiếm nước uống, khiến cho những sắc tộc trước đây chung sống hòa bình bên nhau, giờ đây đã trở thành đối thủ của nhau trong việc đi tranh giành nguồn nước.

Tình hình sôi bỏng tại vùng Trung Cận Đông giữa Israel và các nước Ả rập cũng bắt nguồn từ các vụ tranh nguồn nước và đất đai canh tác ngày càng khó kiếm do biến đổi khí hậu

Tại Châu Âu, một trong những mối đe dọa lớn về an ninh được ghi nhận là hiện tượng nhập cư ồ ạt của những người đến từ những vùng đang bị thiên tai hay chiến tranh tàn phá đặc biệt là tại Châu Phi. Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho tình hình Châu Phi căng thẳng, nhưng là tác nhân khiến cho thực tế nghiêm trọng thêm.

Một cách tổng quát, biến đổi khí hậu có thể làm cho nguồn nước ngọt cần thiết cho sinh hoạt con người khan hiếm đi, sản xuất lương thực giảm bớt, lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn, đất canh tác và cư trú bị thu hẹp và hiện tượng ''tỵ nạn khí hậu'' ồ ạt nẩy sinh.

Trong số các thẩm định về hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu trên vấn đề an ninh, có lẽ nghiên cứu của Viện Phân tích Hải quân Hoa Kỳ đầy đủ nhất vì đề cập đến mọi khu vực mà người Mỹ quan tâm, tức là hầu như mọi nơi trên thế giới.

Châu Á bị tác hại từ biển và từ núi

Tại Châu Á, bản phúc trình của Viện Phân tích Hải quân Hoa Kỳ lo ngại là biến đổi khí hậu có thể tác động nặng nề trên các lợi ích chiến lược của Mỹ. Nguyên nhân là vì đây là một khu vực rất đông dân, nhưng lại bị cho là sẽ bị tổn hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Hai mối đe dọa chủ yếu đối với châu Á là khả năng nước biển dâng lên và hiện tượng băng tuyết trên rặng Himalaya tan chảy.

Về yếu tố thứ nhất, Viện Phân tích Hải quân Hoa Kỳ ghi nhận :

''Gần 40% trong số 4 tỷ dân cư trong vùng châu Á cư ngụ tại những vùng thấp gần biển. Nếu nước biển dâng lên như dự báo, điều này sẽ kéo theo tình trạng thiếu nước ngọt, sản lượng nông nghiệp sẽ bị giảm thiểu, trong lúc bệnh dịch có thể tung hoành.

Chính khu vực phiá Nam châu Á là vùng dễ bị tổn thương nhất một khi nước biển dâng lên, từ bờ biển Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh và Miến Điện, cho đến phiá Đông Nam, từ Thái Lan, Việt Nam, qua Indonesia, Philippines. Các vùng đồng băng và duyên hải Đông Nam Á đặc biệt dễ bị lụt, cũng như là vùng bờ biển Malaysia, Thái lan và Indonesia''.

Trong vùng châu Á, bản báo cáo lo ngại nhất cho Bangladesh, nơi có 150 triệu dân, đa số lại cư ngụ trong những vùng thấp, có độ cao xấp xỉ mặt nước biển.

''Từ nay đến thế kỷ tới, với đà gia tăng dân số, đất canh tác ngày càng hiếm đi, vớI các trận lũ lụt, bão tố, ngày càng thường xuyên, lại bị nước biển dâng lên, sẽ có hàng triệu người Bangladesh tràn qua Ấn Độ tìm chỗ nương thân. Hiện tượng di dân qua biên giới đã nổi lên thành một mối lo đối với Ấn Độ, buộc nước này phải cho xây dựng cả một hàng rào kẽm gai dài cả ngàn cây số dọc theo biên giới để ngăn chặn''.

Ảnh chụp ngọn Everest trên dãy Himalaya ngày 03/12/2009. Băng sơn trên núi Himalaya đang tan với tốc độ đáng báo động(Ảnh : Reuters)

Ảnh chụp ngọn Everest trên dãy Himalaya ngày 03/12/2009. Băng sơn trên núi Himalaya đang tan với tốc độ đáng báo động
(Ảnh : Reuters)

Về yếu tố Himalaya, Viện Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ nêu bật :

''Vào khoảng năm 2050, các khu vực lệ thuộc vào nguồn nước do băng tan trên Himalaya cung cấp có thể bị nguy cơ nghiêm trọng. Nếu băng tuyết trên Himalaya biến mất, hàng trăm triệu người Châu Á sống nhờ vào nguồn nước từ trên núi đổ xuống, sẽ bị tổn hại nặng nề nhất. Do biến đổi khí hậu, năng suất nông nghiệp nhiều nước châu Á sẽ bị hạ thấp do nhiệt độ tăng cao và mưa nắng thất thường. Từ nay đến cuối thế kỷ, nếu khi hậu biến đổi ở mức thấp nhất được dự kiến, thì sản lượng ngũ cốc ở vùng Nam Á chẳng hạn, sẽ giảm từ 4 đến 10%.

Vấn đề đối với Châu Á tuy nhiên không chỉ là khan hiếm nước, mà còn là quá nhiều nước. Từ nay đến năm 2050, băng tuyết tan chảy trên dãy Himalaya kèm theo là những đợt mưa lớn ở vùng phiá bắc Ấn Độ sẽ gây nên lũ lụt, đặc biệt là tại những nước bên triền phiá tây Himalaya như Ấn Độ, Nêpal, Bangladesh và Pakistan''. 

Các sự kiện như kể trên sẽ mang lại các hậu quả nào về mặt an ninh ? Theo Viện Phân tích Hải Quân Hoa Kỳ, tại nhiều nước đang phát triển, các định chế chính phủ và hạ tầng cơ sở sẵn có không đủ sức đối phó với các hệ quả của biến đổi khí hậu. Trong trường hợp một nhà nước không còn khả năng phục vụ người dân, duy trì trật tự và bảo vệ bờ cõi, nguy cơ rối loạn hoàn toàn có thể xẩy ra.

Hàng rào kẽm gai do Ấn Độ xây dựng dọc theo biên giới với Bangladesh.(Ảnh : DR)

Hàng rào kẽm gai do Ấn Độ xây dựng dọc theo biên giới với Bangladesh.
(Ảnh : DR)

Ngoài ra, hiện tượng di dân ồ ạt là một vấn đề an ninh quan trọng, có thể dẫn đến xung đột giữa các cộng đồng trong một nước, hay giữa các nước với nhau. Trường hợp giữa Ấn Độ và Bangladesh trong nửa cuối thế kỷ 20 là một thí dụ. Sau cùng, một hậu quả khác là nguy cơ xung đột võ trang để tranh giành nguồn tài nguyên, mà nước là một thí dụ.

 

Mối lo ngai của Hoa Kỳ cũng là mối quan tâm của Úc, một đồng minh của Mỹ nằm ngay trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trả lời câu hỏi của RFI, nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney phân tích :

Nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney

07/12/2009