Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Năng lượng sinh học, một giải pháp giảm khí carbon ?

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 08/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  08/12/2009 16:43 TU

Nhiên liệu xanh chế biến từ thực vật được coi là hiện tượng đáng chú ý nhất trong ngành năng lượng hiện nay. Chúng cho phép một số quốc gia giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng như là dầu hỏa của Trung Đông, hay khí đốt của Nga. Nhưng kịch bản dầu diesel thực vật ethanol thực sự có thể thay thế năng lượng hóa thạch còn có nhiều giới hạn.

Mía dùng để sản xuất đường và chế tạo éthanol(Nguồn:fr.wikipedia.org)

Mía dùng để sản xuất đường và chế tạo éthanol
(Nguồn:fr.wikipedia.org)

Được coi là là một trong những giải pháp đáng tin cậy nhất để giảm mức độ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, các loại nhiên liệu xanh, được chế biến từ thực vật như xăng ethanol, methanol hay dầu diesel sinh học được coi là hiện tượng đáng chú ý nhất trong ngành năng lượng hiện nay.

Đơn giản là vì chúng được chế tạo từ các nhiên liệu tái tạo, đồng thời chúng cho phép một số quốc gia châu Âu hay Nhật Bản giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng như là dầu hỏa của Trung Đông, hay khí đốt của Nga.

Nhưng thực tế cho thấy kịch bản dầu diesel thực vật hay xăng ethanol chế biến từ bắp, mía… thực sự có thể thay thế phần nào các nguồn năng lượng hóa thạch còn có nhiều giới hạn.

Brazil, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực phát triển năng lượng sinh học

Từ những thập niên 70 thế kỷ trước Brazil đã có kế hoạch phát triển và phổ biến các loại nhiên liệu sinh học, với ethanol chủ yếu chế biến từ mía và dầu diesel sinh học được làm từ đậu nành.

Nhưng phải chờ đến đầu những năm 2000, dưới chính quyền của tổng thống Lula chiến lược này mới thực sự được khởi động mạnh mẽ trở lại.

Brazil hiện trở thành nhà cung cấp ethanol quan trọng thứ nhì của thế giới, sản xuất 19 tỷ lít ethanol vào năm 2007, chỉ sau có Hoa Kỳ với 27 tỷ lít. Chính vì vậy mà cách nay hai năm, tập đoàn Cosan của Brazil đã tìm cách chen chân vào thị trường tài chính Mỹ Wall Street.

Cũng phải nói thêm là ngành công nghiệp sản xuất ethanol của Brazil đang hút đến 17 tỷ đô la đầu tư trong và ngoài nước, có sức hấp dẫn lớn hơn cả của Hoa Kỳ.

Chính quyền của tổng thống Lula đang làm tất cả để trở thành một nước Árập Xêút về « dầu sinh học » chẳng hạn như qua việc mở rộng các thị trường xuất khẩu như là qua Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản.

Một nửa sản lượng mía của Brazil là để phục vụ nhu cầu năng lượng xanh và Brazil đang nuôi tham vọng nhân lên gấp 5 lần khả năng sản xuất ethanol trong thập niên sắp tới, đẩy mạnh ngành sản xuất dầu diesel sinh học để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thế giới.

Lợi thế của Brazil là quốc gia này có nhiều đất canh tác, đặc biệt là nhiều vùng đất còn chưa khai thác có thể dùng để trồng mía và khác với Mỹ, Brazil không gặp phải sự chống đối của dư luận trong nước.

Câu hỏi đặt ra là về mặt môi trường và phát triển bền vững, liệu Brazil có thể khai thác lâu dài ngành năng lượng sinh học hay không ?

Theo nghiên cứu của viện ISIS, trụ sở tại Anh Quốc, thì câu trả lời là có.

Ưu điểm của năng lượng sinh học

Củ cải đường, vật liệu chế tạo "xăng xanh" (Ảnh : Reuters)

Củ cải đường, vật liệu chế tạo "xăng xanh"
(Ảnh : Reuters)

Thứ nhất xăng ethanol chế biến từ cây mía cho phép Brazil giảm ít nhất là 30% lượng phát thải khí nhà kính và tỷ lệ này có thể lên đến 50% vào đầu thập niên tới.

Thứ nhì là chiến lược phát triển năng lượng sinh học của Brazil được quy định một cách « có cân nhắc » theo đó :

- Chính quyền giới hạn diện tích phá rừng tối đa để trồng mía nhằm phục vụ cho ngành công nghệ sản xuất ethnol là 5%.

- Giới sản xuất phải bảo đảm một số những điều kiện lao động tối thiệu phải tôn trọng quyền sở hữu đất đai, quyền khai thác, tránh để xảy ra tham nhũng.

- Chính quyền địa phương cũng đặt ra một số luật chơi chung trong việc xử lý rác xanh.

Chính phủ của ông Lula cũng đề ra một số những bảo đảm về mặt an ninh lương thực, tránh để xảy ra trường hợp các chính quyền địa phương lấy đất canh tác của nông dân để cho phép sản xuất ethanol.

Một công trình nghiên cứu khác mang tên Bioful for Transport của Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố vào năm 2004 cho biết : riêng để phục vụ ngành giao thông, việc sử dụng xăng ethanol chế tạo từ bắp cho phép giảm đến 20% lượng khí carbon thải ra so với các loại năng lượng hóa thạch truyền thống là xăng hay dầu.

Tỷ lệ tiết kiệm này lên tới 80% nếu chúng ta sử dụng ethanol làm từ mía như ở Brazil. 

Những thiếu sót trong cách tính toán

Tính toán kể trên đã bỏ qua nhiều yếu tố như sự đe dọa đối với vấn đề đa dạng sinh thái khi những diện tích hàng trăm ngàn ha được sử dụng để trồng một thứ thực vật duy nhất.

Một vấn đề khác cũng không được chú ý tới đó là hiện tượng phá rừng để lấy đất trồng trọt : nếu như 1 ha đất trồng mía để chế tạo ethanol cho phép giảm 13 tấn CO2 một năm ở Brazil, thì cũng cần biết là 1 ha rừng có khả năng hấp thụ đến 20 tấn CO2 một năm. Hủy hoại 1 ha rừng để trông mía như vậy "không có lãi" về khối lượng khí thải carbon.

Đối với dầu diesel chế tạo từ đậu nành, tác động còn tai hại hơn : lấy đất trồng đậu nành để phục vụ nhu cầu về năng lượng xanh ngày càng lớn của một số khách hàng như châu Âu, Hoa Kỳ hay Trung Quốc làm hủy hoại môi trường thiên nhiên, đe dọa đến sự sống còn của thổ dân, hủy hoại rừng của vùng Amazonie, lá phổi của thế giới.

Theo nhóm chuyên gia môi trường quốc tế GIEC, nếu toàn bộ rừng Amazonie biến mất, nhiệt độ trái đất có thể sẽ tăng thêm 0,6° C trong thế kỷ này.

Về phương diện thuần túy kinh tế mà nói, câu hỏi đặt ra là liệu ethanol của Brazil có tính cạnh tranh cao hay không trên thị trường quốc tế khi biết rằng, chính quyền trợ cấp rất nhiều cho ngành công nghệ mới này để một lít ethanol đủ "mềm giá" so với túi tiền của người tiêu dùng Brazil và đủ sức hấp dẫn đối với các thị trường khác trên thế giới.

Riêng đối với ethanol chế biến từ ngô ở Mỹ, thì chưa thể nói đến khả năng cạnh tranh của loại nhiên liệu này khi mà giá dầu hỏa còn ở dưới ngưỡng 130 đô la một thùng.

Thận trọng đối với năng lượng chế biến từ thực vật 

Bắp để chế biến ethanol (Ảnh : WB)

Bắp để chế biến ethanol
(Ảnh : WB)

Trong một số báo gần đây, tạp chí khoa học của Mỹ Science nêu lên vấn đề phá rừng để lấy đất trồng thực vật nhằm sản xuất nhiên liệu sinh học.

Hiện tượng này đang làm hủy hoại một nguồn hấp thụ CO2 quý giá của nhân loại.

Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc được công bố hồi đầu tháng 11/2008 nhìn nhận việc sử dụng nhiên liệu xanh cho phép con người ít lệ thuộc hơn vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Tuy vậy, do cần sử dụng nhiều phân bón và nước để chế tạo năng lượng sinh học, con người vẫn tiếp tục làm tổn hại đến sự đa dạng sinh thái khi biết rằng, để có được một lít diesel sinh học người ta cần sử dụng từ 1000 đến 4000 lít nước.

Căn cứ vào báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE được công bố hồi năm ngoái, phải trưng dụng đến 70% đất canh tác của châu Âu mới có thể cung ứng 10% nhu cầu năng lượng xanh của châu lục này. Đó là chưa kể khi năng lượng xanh đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực.

Năng lượng xanh cạnh tranh với lương thực

Theo tổi chức phi chính phủ Oxfam, năng lượng xanh không phải là chiếc đũa thần giúp con người giảm khí carbon làm hâm nóng trái đất.

Loại nhiên liệu này đang tạo ra những nhu cầu mới về năng lượng và đe dọa trực tiếp đến "nồi cơm" của những thành phần nghèo khó nhất thế gới.

Thứ nhất do có một sự cạnh tranh giữa đất canh tác để lấy lương thực với đất để trồng thực vật, phục vụ cho nhu cầu năng lượng.

Theo tính toán của Oxfam đến nay, năng lượng sinh học đã đẩy ít nhất 30 triệu dân vào cảnh thiếu ăn. Hiện tượng giá lương thực gia tăng đặc biệt là vào mùa xuân năm ngoái đã gây thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đô la cho các quốc gia chậm phát triển.

Trái cây jatropha curcas còn gọi là cây ''diesel''.

Trái cây jatropha curcas còn gọi là cây ''diesel''.

Điểm thứ nhì khiến Oxfam lo ngại, đó là quyền con người của một số nơi bị chà đạp khi các nước giàu có phương tiên tung tiền ra mua năng lượng sinh học và để nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp có uy tín quốc tế, nhiều chính phủ đã không ngần ngại đuổi nông dân để trưng dụng đất.

Vào đầu năm ngoái, năng lượng sinh học bị coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giá nông phẩm leo thang, tạo nên nhiều cuộc xung đột vì lương thực trên thế giới.

Dù muốn dù không thì diện tích đất canh tác trên hành tinh cũng có hạn. Đến một lúc nào đó nhu cầu năng lượng xanh và lương thực cũng sẽ trực tiếp cạnh tranh với nhau.

Chỉ cần nhìn vào thực tế ở hai nước đông dân nhất địa cầu là Trung Quốc và Ấn Độ đủ thấy là cả hai cùng đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng xanh, đồng thời cả hai cùng phải đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng lớn của gần 2 tỷ rưỡi người.

Theo ước tính của Quỹ Lương Nông Liên Hiệp Quốc, một khi dân số địa cầu tăng lên đến 10 tỷ, để đáp ứng cả nhu cầu lương thực lẫn năng lượng xanh, chúng ta cần đến một diện tích đất canh tác lớn gấp ba lần Trái đất !!!