Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hội nghị Copenhagen bất đồng về hầu bao chống biến đổi khí hậu

  Bảo Thạch

Bài đăng ngày 09/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  09/12/2009 21:57 TU

Các nước nghèo chưa chuyển sang mô hình một nền kinh tế ít khí thải (Reuters)

Các nước nghèo chưa chuyển sang mô hình một nền kinh tế ít khí thải (Reuters)

Mục tiêu giúp các nước nghèo chuyển đổi sang mô hình một nền kinh tế ít khí thải và triển khai chiến lược chống biến đổi khí hậu đòi hỏi một hầu bao kếch sù hàng trăm tỷ đôla mỗi năm. Tại Hội nghị Copenhagen, các nước giàu bị chỉ trích khi đề nghị tài trợ 10 tỷ đôla mỗi năm cho các nước nghèo.

Bao nhiêu tiền mới đủ cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu ? Ai chi số tiền này ? Đó là các câu hỏi mấu chốt, có thể quyết định sự thành bại của Hội nghị Copenhagen. Vào ngày hôm qua, 08/12/2009, các nước phát triển bị chỉ trích gay gắt về chỉ tiêu 10 tỷ đôla mà họ đề nghị tài trợ mỗi năm, để giúp các nước nghèo ứng phó với hệ quả của việc biến đổi khí hậu. Theo ông Tô Vĩ, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, số tiền này chia đều theo đầu người trên hành tinh thì không đầy 2 đôla, tương đương với một tách cà phê tại các nước giàu, hay một chiếc quan tài tại các nước nghèo nhất.

100 tỷ đôla hay 10 tỷ ?

Trước tiên về số tiền trợ giúp các nước nghèo, Ngân Hàng Thế Giới, tổ chức phi chính phủ Oxfam, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cũng như Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đã ước tính nhu cầu tài chính này từ 4 đến 109 tỷ đôla mỗi năm từ đây cho đến 2030. Ủy ban Châu Âu cũng ước định hầu bao cần thiết cho các nước nghèo lên đến 100 tỷ euro, tức 150 tỷ đôla mỗi năm, vào thời điểm 2020.

Thế nhưng, mục tiêu giúp các nước nghèo chuyển đổi sang mô hình một nền kinh tế ít khí thải và triển khai tức khắc chiến lược chống biến đổi khí hậu, như việc xây dựng đê điều, đề phòng mực nước dâng cao, xây dựng hạ tầng cơ sở quản lý nước tiêu dùng, phát triển các nguồn năng lượng sạch, theo các nước này, lại đòi hỏi một hầu bao kếch sù khoảng 400 tỷ đôla mỗi năm. Giải pháp chuyển tiếp trước mắt đang được một số quốc gia như Pháp và Anh đề xuất tại Hội nghị Copenhagen là ngay lập tức thành lập một quỹ trợ giúp các nước nghèo ở mức 10 tỷ đôla mỗi năm, từ 2010 cho đến 2013. Sau đó, quỹ trợ giúp này sẽ được bổ sung. Tất nhiên, đề nghị này đang dấy lên nhiều bất đồng và khó mà được các nước nghèo chấp nhận.

Còn về câu hỏi ‘‘ai chi’’ thì trước thềm Hội nghị Copenhagen, ông Yvo de Boer, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc về vấn đề khí hậu đã trả lời : ‘‘Trong thực tế, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto đã mang đến câu giải đáp rõ ràng : Các nước phát triển phải tài trợ. Lý do thật đơn giản : ngày nay việc khí hậu bị hâm nóng, phần lớn do họ mang trách nhiệm gây ra’’.

Xin nhắc lại, theo số liệu thống kê, các nước phát triển đã thải 95% lượng khí carbon CO2 xuất phát từ các nguồn năng lượng hóa thạch, kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 cho đến năm 1950. Và từ 1950 đến 2000, các nước này chịu trách nhiệm về việc gây ra 77% lượng khí CO2.

Tài trợ chống biến đổi khí hậu phải được tách biệt khỏi viện trợ phát triển

Một vấn đề khác cũng nổi lên tại Hội nghị Copenhagen, đó là yêu sách của các nước nghèo muốn nguồn tài trợ chống biến đổi khí hậu phải được tách biệt khỏi viện trợ phát triển. Theo nhiều nguồn tin khó kiểm chứng, Liên Hiệp Châu Âu dự trù chống đối việc tính riêng nguồn tài trợ chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhóm các nước nghèo bác bỏ mọi dự án muốn gộp việc này vào việc kia.

Xin nhắc lại, theo cam kết năm 2000, được mệnh danh là Mục tiêu Phát triển cho Thiên niên kỷ (Millenium Development Goals), các nước giàu đã đưa ra chỉ tiêu dành 0,7% tổng sản phẩm nội địa - GDP- của họ cho viện trợ phát triển. Mục tiêu này cho đến nay vẫn còn xa vời, ngoại trừ trường hợp một số quốc gia Bắc Âu.

Do đó, cho dù Hội nghị Copenhagen còn kéo dài cho đến 18 tháng 12 nhưng áp lực trên các nước giàu đang gia tăng.