Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

REDD : cơ chế giúp bảo tồn rừng để giảm CO2 trong không khí

  Mai Vân

Bài đăng ngày 14/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  15/12/2009 09:59 TU

Tại Indonesia, hơn 80% khí carbone thải ra là do phá rừng ồ ạt(Ảnh : Solenn Honorine/RFI)

Tại Indonesia, hơn 80% khí carbone thải ra là do phá rừng ồ ạt
(Ảnh : Solenn Honorine/RFI)

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trợ thủ đắc lực của con người là rừng, nơi vừa lưu trữ, vừa hấp thụ bớt khí thải CO2 hâm nóng địa cầu. Trước tình trạng rừng bị phá hoại ngày càng nhiều đặc biệt ở Châu Á hay Châu Mỹ La tinh, Liên Hiệp Quốc đã thiết lập chương trình cắt giảm khí thải CO2 bằng cách hỗ trợ các nước nghèo bảo tồn rừng. Sáng kiến này mang tên là REDD (Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developping Countries) : ''giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng ở các quốc gia đang phát triển''

Là một công cụ vừa giúp giữ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân nghèo tại chỗ, để khuyến khích họ bảo vệ môi trường rừng. REDD vận hành như một cơ chế tài chính.

Nói một cách đơn giản thì trước hết các nước giầu hay các định chế tài chánh lập ra một loại ngân quỹ để tài trợ cho các nước nghèo để họ ngưng phá rừng, cứu vớt những khu rừng đang bị hủy hoại, thậm chí trồng thêm rừng. Diện tích rừng được bảo tồn, được tôn tạo hay được trồng thêm sẽ được quy thành đơn vị gọi là ''tín dụng carbone''.

Các nước nghèo sau đó có thể bán các khoản tín dụng carbone đó cho các cơ sở công nghiệp tại các nước giầu, bị bắt buộc phải giảm việc thải khí CO2 theo một tỷ lệ nhất định, nhưng vì không thể đáp ứng được, nên cần phải mua ''tín dụng carbone'', có nghĩa là mua ''quyền được thải khí''

Nạn phá rừng chịu trách nhiệm đến 20% khí CO2 thải ra

Sáng kiến REDD được đưa ra từ hội nghị về khí hậu lần thứ 11 tại Montréal Canada, năm 2005. Theo các nhà khoa học, từ 15 đến 20% tổng lượng khí thải do hoạt động con người trên pham vi toàn cầu, xuất phát từ nạn phá rừng và rừng suy thoái. Cho nên bảo tồn rừng rất cần thiết để giúp hạn chế biến đổi khí hậu.

Rừng Amazone tại Brazil bị tàn phá dữ dội. Hai năm 2003-2004, có đến 20% diện tích rừng của Brazil biến mất (Ảnh : DR)

Rừng Amazone tại Brazil bị tàn phá dữ dội. Hai năm 2003-2004, có đến 20% diện tích rừng của Brazil biến mất
(Ảnh : DR)

Vấn đề là rừng lại chủ yếu bị phá tại các nước nghèo. Tỷ lệ phá rừng ở một số quốc gia đang phát triển rất đáng ngại : Brazil chẳng hạn, có tới 3 triệu ha bị mất đi, tương đương với 25%  rừng bị phá trên thế giới. Còn tại tại Châu Á thì Indonesia dẫn đầu với 2% diện tích rừng bị mất mỗi năm.

Mục tiêu của REDD như nói trên, trước tiên là bảo tồn rừng nguyên sinh, vì đây là những khu rừng chứa nhiều carbon nhất, phát triễn bền vững nhất với khả năng phục hồi lớn hơn nhiều so với các khu rừng bị thoái hoá. Bên cạnh đó, còn có việc khôi phục rừng đã bị suy thoái.  REDD cũng hỗ trợ các phương án thay thế cho việc khai thác gỗ công nghiệp, hầu bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Hội nghị khí hậu lần thứ 13 ở Bali, Indonesia, tháng 12/2007, đã thông qua kế hoạch hành động Bali, trong đó có đề nghị đưa REDD trở thành một cơ chế chính thức thuộc hệ thống các biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt trong giai đoạn sau Nghị Định Thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Hội nghị cũng kêu gọi các bên tiếp tục thử nghiệm cơ chế REDD, và Hội nghi Copenhagen hiện nay sẽ dựa trên tổng kết kinh nghiệm thực tế, để đưa ra một số quyết định và đề nghị mới.

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia(Photo : Solène Honorine)

Các công ty giấy Trung Quốc cũng góp phần gây nên nạn phá rừng như tại Indonesia
(Photo : Solène Honorine)

Theo một số nhà quan sát, nếu một số đề nghị đươc thông qua thì các nước giàu có thể chuyển đến 30 tỷ đô la mỗi năm sang các quốc gia sở hữu các rừng đang bị đe doạ.

Hiện nay thì REDD, đang đươc thử nghiệm tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam nơi mà nạn mất rừng và suy thoái rừng vẫn tiếp diễn.

Thị trường tín dụng carbone bắt nguồn từ REDD đã xuất hiện

Trả lời RFI, chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc đã giải thích thêm về phương thức hoạt động của REDD. Theo ông Ngân hàng Thế giới hiện đã tạo ra một thị trường nhỏ về tín dụng carbon qua cơ chế REDD.

- Ngân hàng Thế giới đã bắt đầu lập ra thị trường tín dụng carbone... Họ đặt mua một số tín dụng carbone từ một vài công ty hay nhà đầu tư đã vào các nước đang phát triển để hợp tác với chính quyền địa phương, hoặc những dân tộc địa phương trong các đề án giữ rừng. Các công ty này sẽ tính ra khối lượng CO2 mà họ không phát ra khi quyển nhờ các khu rừng mà họ bảo vệ được. Trên cơ sở đó Ngân hàng Thế giới sẽ mua lại.

Do đó hiện nay đã có một thị trường nhỏ về tín dụng carbone của Ngân hàng Thế giới thông qua cơ chế Redd, song song với thị trường tín dụng carbon từ khu vực công nghiệp của Cơ chế Phát triển Sạch CDM tại Châu Âu.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace căng biểu ngữ trên đảo Sumatra (Indonesia) kêu gọi tổng thống Mỹ ngăn chặn nạn phá rừng nguyên sinh tại nước này (ngày 12/11/2009)(Ảnh : Reuters)

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace căng biểu ngữ trên đảo Sumatra (Indonesia) kêu gọi tổng thống Mỹ ngăn chặn nạn phá rừng nguyên sinh tại nước này (ngày 12/11/2009)
(Ảnh : Reuters)

Ở Đông Nam Á, cách đây vài năm, có nhiều nhà đầu tư đã vào Indonesia trong khuôn khổ cơ chế REDD. Họ suy luận rằng khi nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012, cơ chế REDD này sẽ được phát huy sau khi cơ chế CDM được bổ túc. Họ đầu tư ngay từ bây giờ để có được tín dụng carbone mà họ có thể dùng về sau trong cơ chế mới do Hội nghị Copenhagen thiết lập sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Một thí dụ là tổ chức thương mại Carbone Conservation đã ký kết với Ngân hàng Đầu tư Merrill Lynch một hợp đồng khoảng 9 triệu đô la tín dụng carbone, qua đề án bảo tồn khoảng 750.000 ha rừng ở vùng Sumatra, cùng với chính quyền tỉnh Aceh. Merrill Lynch sẽ đầu tư vào khoản tín dụng đó để bán lại hoặc là giữ lại đó rồi sau này bán lại trong khuôn khổ thị trường cơ chế REDD.

Một mô hình có lợi cho mọi bên tham gia

- Ngoài Indonesia, tại một số nước Phi Châu và Nam Mỹ, cũng có một số nhà đầu tư hợp tác với các tổ chức phi chính phủ,  trong các đề án bảo tồn rừng. Theo mô hình REDD, tất cả đều có lợi : các tổ chức phi chính phủ về môi trường thì giữ đươc rừng, cư dân và chính quyền địa phương lại có thêm tiền, và các ngân hàng thương mại đầu tư cũng kiếm được lời nhờ bán tín dụng carbone ra thị trường thế giới.

Chính vì vậy mà hiện nay cơ chế REDD đang được một số quỹ đầu tư để ý đến và họ đã đi vào những nước đang phát triển như Brazil, Congo, lập ra các đề án để cùng với các chính quyền địa phưong, các dân tộc địa phương tham gia bảo tồn rừng.

Phá rừng làm đồn điền cũng góp phần hủy diệt môi trường sống các loài động thực vật.(Ảnh : WWF-Canon/Alain Compost)

Phá rừng làm đồn điền cũng góp phần hủy diệt môi trường sống các loài động thực vật.
(Ảnh : WWF-Canon/Alain Compost)

Theo tôi, cư dân địa phương sẽ tích cực tham gia giữ rừng vì họ được tiền. Họ sẽ không phá rừng, và có thể chống lại những mưu toan của chính quyền nếu chính quyền muốn phá rừng để làm những chuyện gì khác. Người dân được tiền để giữ rừng, nếu phá đi, tài chánh thu được sau đó nhiều khi không bằng khoản tiền họ nhận được từ giữ rừng. Cho nên đây là một tính hình mọi bên đều có lợi, cho cả những người điạ phương, cho rừng và cho trái đất.

Cách tính toán tín dụng carbone phát sinh từ việc bảo vệ rừng

- Vấn đề khó khăn cho REDD là làm sao xác minh được lượng CO2 được giữ lại là bao nhiêu, tại vì mỗi vùng rừng, mỗi loại cây, giữ tỷ lệ CO2 khác nhau, vì vậy mà phải đặt ra các chuẩn tính toán. Hiện nay trong Hội nghị Copenhagen, có một nhóm nghiên cứu việc thiết lập hệ thống chuẩn để xác minh tín dụng REDD, sao cho chính xác để tất cả các nước đều có thể áp dụng.

Việc xác minh dựa trên diện tích rừng, số lượng cây rừng, số lượng carbon do rừng hấp thụ... Tín dụng carbone tỷ lệ với diện tích, tỷ lệ với lại cái loại cây, chủng cây.  Việc xác minh có thể xác minh thực hiện từ vệ tinh. Hiện nay người ta có thể tính toán rất nhanh, nhờ vệ tinh có thể xác định được các loại cây, các loại rừng, từ đó họ tính được cái lượng CO2 giữ lại là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, họ sẽ trả tiền và dùng cái tín dụng đó để thẩm định lượng tài chính cung cấp cho một vùng nào đó.

Theo tôi, vấn đề kỹ thuật để đưa ra tiêu chuẩn nhằm xác minh được lượng CO2 của mỗi loại rừng, mỗi chủng cây, mỗi loại cây, tuy phức tạp, nhưng hầu như sắp sửa giải quyết xong. Khi giải quyết xong thì tín dụng REDD sẽ được mang vào thị trường tín dụng carbone mới sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn.