Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hoa Kỳ sẽ không còn là một ngoại lệ?

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 15/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  15/12/2009 12:32 TU

Reuters

Reuters

Ngay sau khi đắc cử, tổng thống Barack Obama đã hứa hẹn '' một thời đại mới '' về biến đổi khí hậu , cam kết rằng chống hiện tượng Trái đất bị hâm nóng là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Tại Chicago ngày 17/11 năm ngoái, tổng thống tân cử Mỹ đã tuyên bố rằng : '' Không có thách đố nào khẩn cấp bằng việc chống biến đổi khí hậu. Ngay khi tôi nhậm chức, Hoa Kỳ sẽ trở lại vị trí của mình trong các cuộc thương lượng quốc tế''.

Một năm sau, đây không còn là lúc tuyên bố những lời hùng hồn nữa. Tổng thống Obama chuẩn bị đến Copenhagen ngày 18/12, nhưng ông vẫn chưa thuyết phục được Quốc hội thông qua một luật về khí hậu và tương lai của hành tinh chúng ta nay bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Tuy vậy, giọng điệu mới này là cả một cuộc cách mạng văn hóa, sau những năm chối bỏ và chần chờ dưới thời tổng thống Bush. Trong một cuộc tranh luận truyền hình khi ra vận động tái tranh cử tổng thống năm 2004, ông George Bush đã từng tuyên bố rằng : '' Nếu chúng ta phê chuẩn nghị định thư Kyoto, nước Mỹ sẽ mất rất nhiều việc làm. Đây là một trong những hiệp định sẽ giúp chúng ta nâng cao uy tín ở châu Âu, nhưng chúng ta sẽ trả giá rất đắt''.

Các sáng kiến ở cấp độ địa phương

Mặc dù quan điểm chính thức của Washington là như thế, nhưng trên thực tế, họ không hoàn toàn khoanh tay đứng nhìn. Trong tám năm trở lại đây, các địa phương tại Hoa Kỳ đã đua nhau thực hiện các sáng kiến để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính. Bà Miriam Levon, một nhà tư vấn quốc tế về khí hậu làm việc tại Los Angeles, cho biết : '' Chẳng hạn như bang California đã thông qua một đạo luật ngay từ năm 2006. Trước đó, đã có một sáng kiến còn táo bạo hơn, đó là tự nguyện kiểm kê lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính để mỗi công ty bắt đầu ý thức được về những gì mà họ thải ra không khí và từ đó hạn chế lượng khí thải đó ''. Ba mươi trong số năm mươi bang của Mỹ nay đã có hẳn một kế hoạch về khí hậu với những mức độ khác nhau về quy định, luật lệ.

Khí hậu bị đẩy xuống hàng thứ yếu

Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nay không che giấu nổi thất vọng trước kết quả hoạt động về mặt khí hậu của tổng thống Obama. Do phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh, với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và với cuộc tranh luận triền miên về bảo hiểm y tế, ông Obama đã buộc phải hạ thấp những tham vọng về mặt môi trường. Ông Mathieu Wemaere, một nhà nghiên cứu làm việc cho Viện phát triển bền vững và bang giao quốc tế IDDRI,  nhận định : '' Ông Obama thật sự là rất muốn hành động, nhưng chính quyền của ông đang ở vào thế yếu vì không dựa trên một đạo luật do Quốc hội thông qua''.

Tuy vậy, tổng thống Hoa Kỳ đến Copenhagen không phải là hoàn toàn với hai bàn tay trắng. Trước khi bay đến thủ đô Đan Mạch, ông đã đề ra các mục tiêu với số liệu cụ thể : từ đây đến năm 2020 sẽ giảm 17% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính của Mỹ so với mức của năm 2005. Mục tiêu dài hạn mà ông Obama đề ra ngay từ tháng tư là đến năm 2050 sẽ giảm 83% lượng khí thải so với mức của năm 2005.

Tiền lệ Kyoto

Nhưng điều vẫn đeo bám tâm trí ông Obama, đó là tránh tiền lệ của nghị định thư Kyoto mà tổng thống Bill Clinton đã ký vào năm 1997, mặc dù biết chắc là văn kiện này sẽ không được thông qua bởi một Quốc hội mà đa số do Đảng Cộng Hoà nắm.

Chính là theo chiều hướng đó, mà đúng vào ngày khai mạc hội nghị Copenhagen 6/12, Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã công bố các kết luận, theo đó cơ quan này chính thức nhìn nhận là các khí gây hiệu ứng lồng kính cũng gây nguy hại cho sức khoẻ. Quyết định này mới nghe qua có vẻ chẳng quan trọng chút nào, nhưng thật ra nó có tác động rất lớn, bởi vì kể từ nay, chính phủ Mỹ buộc phải giảm lượng khí thải, hoặc là thông qua con đường lập pháp, hoặc bằng cách ban hành nghị định của chính phủ, nếu Quốc hội Mỹ trì hoãn.