Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Công nghệ xanh, một thị trường đầy triển vọng

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 15/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  15/12/2009 16:42 TU

Phát huy năng lượng chạy bằng sức gió (Ảnh : http://ec.europa.eu)

Phát huy năng lượng chạy bằng sức gió
(Ảnh : http://ec.europa.eu)

Sau ngành xe hơi và điện tử, công nghệ sạch đang trở thành cột trụ thứ ba của nền công nghiệp thế giới. Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng đều đặn 15% một năm. Trung Quốc dùng pin mặt trời và năng lượng gió làm bàn đạp để phục hồi kinh tế.

Bất chấp khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp chế tạo năng lượng xanh, điện chạy bằng sức gió hay năng lượng mặt trời vẫn ăn nên làm ra. Sau ngành xe hơi và điện tử, công nghệ sạch đang trở thành cột trụ thứ ba của nền công nghiệp thế giới.

Trên đây là nhận xét của một công trình nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên Nhiên WWF được công bố bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu Copenhagen.

Vẫn theo báo cáo trên, đến năm 2020, doanh số của ngành công nghệ xanh ước tính lên đến 1600 tỷ euro. Từ nay đến đó, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng đều đặn ở nhịp độ 15% một năm.

Công nghệ xanh bao gồm hai mảng : một liên quan đến các kỹ thuật cho phép tiết kiệm năng lượng, và một là các nguồn năng lượng mới, cho phép các hoạt động kinh tế giảm độ thải khí gây ô nhiễm môi trường và làm hâm nóng Trái đất.

Theo thẩm định của WWF thách thức lớn nhất đang đặt ra là làm thế nào thỏa mãn được nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng sinh học, về các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch như than đá hay dầu hỏa.

Cánh đồng Colza để chế tạo dầu sinh học DR

Cánh đồng Colza để chế tạo dầu sinh học
DR

Công nghệ sạch, thị trường đầy triển vọng của thế kỷ 21.

Nghiên cứu tại 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tại khối G7 tức bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới và tại bốn quốc gia đang trỗi dậy gọi tắt là nhóm nhóm BRIC bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, WWF đưa ra một số kết luận chính như sau :

- Thị trường các công nghệ xanh đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu năng lượng sạch đang tăng trưởng với nhịp độ 24% một năm trên thế giới. Đòi hỏi về năng lượng sinh học tăng 31% một năm và năng lượng mặt trời tăng 53%

- Doanh thu trên thị trường này trong năm 2007 là 630 tỷ euro. Theo dự phóng của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên Nhiên trong thập niên tới, đây sẽ là một trong ba nền công nghiệp quan trọng nhất thế giới bên cạnh ngành sản xuất xe hơi và điện tử, và qua mặt cả nền công nghiệp dược phẩm

- WWF so sánh sự bùng nổ của lĩnh vực kinh tế này với cuộc cách mạng high tech  vào những năm 1990

- Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện đang dẫn đầu danh sách các nhà cung cấp công nghệ xanh. Trung Quốc đứng hạng tư nhưng trong tương lai, Trung Quốc nhanh chóng có khả năng xáo trộn trật tự nói trên.

-  Nhưng nếu tính theo doanh thu so với GDP thì theo tính toán của WWF, Đan Mạch, Brazil và Đức đang dẫn đầu thế giới : năm ngoái chẳng hạn, ngành công nghiệp sản xuất turbine chạy bằng sức gió của Đan Mạch chiếm đến 20% thị phần trên thế giới. Còn tập đoàn Danish Rockwool hiện đang kiểm soát phần lớn khâu cung cấp thiêt bị cách nhiệt.

-  Về thị trường năng lượng gió thì gần đây Hoa Kỳ và Trung Quốc đang áp đặt luật chơi của Washington và Bắc Kinh

Trung tâm điện chạy bằng sức gió- Liêu Ninh (Ảnh : Reuters)

Trung tâm điện chạy bằng sức gió- Liêu Ninh
(Ảnh : Reuters)

Trung Quốc và chiến lược phát triển công nghệ xanh

Theo báo cáo của cơ quan đặc trách về công nghệ xanh của Trung Quốc China Greentech, được công bố vào đầu tháng 9 vừa qua, tiềm năng phát triển thị trường công nghệ xanh của Trung Quốc hiện đang rất lớn.

Đến năm 2013 khu vực kinh tế này có thể chiếm đến 15% tổng sản phẩm nội địa, tương đương với từ 500 đến 1000 tỷ đô la một năm.

Một trong những điều bất ngờ là Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới, trong những năm gầy đây đã liên tục đẩy mạnh đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo, khuyến khích nâng cao năng suất năng lượng sử dụng trong các ngành như giao thông, hay sản xuất công nghiệp.

Bắc Kinh đang nhắm đến hai mục tiêu cùng một lúc  : vừa đáp ứng nhu cầu tiết kiệm năng lượng trong nước, vừa lợi dụng thời cơ để khẳng định vị trí trên một thị trường mới, có tiềm năng phá triển rất lớn.

Hiện nay, Trung Quốc đang kỳ vọng nhiều vào khoảng 300 ngành công nghệ mới. Chẳng hạn như khả năng cung cấp năng lượng gió của nước này đang tăng trưởng ở nhịp độ 100% một năm.

Lợi thế của Trung Quốc về pin mặt trời (Ảnh : Reuters)

Lợi thế của Trung Quốc về pin mặt trời
(Ảnh : Reuters)

Trong lĩnh vực sản xuất những tấm pin mặt trời, Trung Quốc cũng được coi là một trong những nước tiên phong. Riêng nhu cầu nội địa đã tăng 5% vào năm ngoái. Căn cứ theo thống kê của Nhà nước thì hiện nay, 1 căn hộ trên 10 được cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Trong tương lai gần, Trung Quốc đang phấn đấu để nhân lên gấp đôi khả năng cung cấp thủy điện.

Tháng 11 năm ngoái, trong gói kích cầu 586 tỷ đô la của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng, Bắc Kinh dự trù dành đến 38% khoản tài chính nói trên để phát triển công nghệ xanh.

Theo phân tích của cơ quan tài chính Pricewaterhouse Coopers thì Trung Quốc đã nhanh chóng "bắt mạch" được tầm mức quan trọng và tiềm năng phát triển của ngành công nghệ xanh và nếu như trước mắt Trung Quốc mới chỉ hướng đến nhu cầu nội địa thì trong tương lai rất gần, các nền công nghệ xanh của Trung Quốc sẽ mạnh mẽ tấn công các thị trường của châu Âu và Mỹ. Hay ít ra thì những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc trong lĩnh vực này là một thách thức đối với các đối thủ phương Tây.

Greentech, tương tự như cuộc chạy đua võ trang ?

Vào lúc chính quyền Obama còn gặp nhiều trở ngại để tiến đến việc giảm khí carbon, thì Trung Quốc nhanh chân chen vào thị trường các công nghệ sạch.

Thậm chí một số nhà bảo vệ môi trường ở Mỹ còn lo ngại là Hoa Kỳ sẽ lệ thuộc vào công nghệ xanh Trung Quốc trong thế kỷ này, tựa như nước Mỹ đã lệ thuộc vào dầu hỏa của Á rập Xêút trong thể kỷ 20 vừa qua.

Theo quan điểm của ông Robert F. Kennedy Jr, một luật sư chuyên về các hồ sơ môi trường của Mỹ thì chính quyền Bắc Kinh đang lao vào cuộc chạy đua để chinh phục ngành công nghệ xanh tương tự như chiến lược của Trung Quốc khi đã ồ ặt đầu tư để hiện đại hóa guồng máy quân sự.

Luật sư Kennedy so sánh trường hợp của Hoa Kỳ và Trung Quốc như sau :

- Trong lúc Washington dự trù dành 12% kế hoạch chấn hưng kinh tế để mở mang các ngành công nghệ sạch, thì Bắc Kinh dự trù đến 38%.

- Chính phủ Mỹ đề ra mục tiêu tăng mức sản xuất năng lượng mặt trời thêm 33% vào năm 2020, thì vào cùng thời điểm, mục tiêu đó của Trung Quốc là nhân lên gấp 200 lần so với khối lượng sản xuất của năm 2005.

Các tấm pin mặt trời made in China bán ra với giá rẻ bắt đầu tràn ngập trên thị trường Hoa Kỳ. Hậu quả là nhiều công ty Mỹ như BP Solar, Evergreen hay General Electric đang chuẩn bị di dời các cơ sở sản xuất chủ yếu là sang Trung Quốc.

Thậm chí tập đoàn sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu của Mỹ là Applied Materials đã mở trung tâm nghiên cứu tư nhân lớn nhất thế giới tại Trung Quốc.

Cũng phải nói thêm là trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời trong số 10 tập đoàn đang thống lĩnh thị trường thế giới chỉ có một tập đoàn là của Hoa Kỳ.

Vẫn theo luật sư Kennedy, trong lĩnh vực năng lượng gió, cho đến nay Hoa Kỳ là được coi là nguồn cung cấp quan trọng nhất của thế giới, và đây cũng là một lĩnh vực tạo ra nhiều công việc làm, thì Trung Quốc cũng đang trở thành một mối đe dọa đáng gờm của Mỹ.

Gần đây hãng Shenyang Power Group của Trung Quốc đã chính thức ký hợp đồng để cung cấp cơ phát điện cho công trình xây dựng cánh quạt tạo ra năng lượng gió quy mô nhất trên đất Mỹ ở miền Tây bang Texas.

Toàn bộ công trình dự trù tạo thêm 2800 công việc làm, nhưng chỉ có 400 người lao động Mỹ được tham gia. 2400 chỗ làm còn lại theo luật sư Kennedy được tạo ra cho người Trung Quốc

Pháp chậm chân trong việc tranh giành thị trường công nghệ xanh

Trong bảng xếp hạng Clean Tech 100 của Library House, cơ quan tham vấn kinh tế trụ sở tại Cambridge, Anh Quốc, Pháp không có tên trong số 10 tập đoàn dẫn đầu châu Âu.

Điều đáng tiếc là chúng ta biết rằng đây là một thị trường đang phát triển mạnh, thu hút 470 triệu euro đầu tư vào năm 2006 và 805 triệu một năm sau đó.

Than đá hãy còn là một cột trụ năng lượng của TQ (Reuters)

Than đá hãy còn là một cột trụ năng lượng của TQ
(Reuters)

Dù sao, thì những quốc gia đang trở thành những cột trụ trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng có những điểm tương đồng : thứ nhất là để nhanh chóng phát triển lĩnh vực còn mới mẻ và nhiều thách thức này, tại Trung Quốc Hoa Kỳ hay Đan Mạch, Đức, Brazil...,  Nhà nước đều đóng một vai trò chủ đạo để hỗ trợ cho một chu kỳ canh tân mạng lưới công nghiệp.

Thứ hai nữa là các quốc gia này đều có sứ hút đầu tư rất cao, và cuối cùng là sự thành công đó trước hết phải lấy thị trường nội địa làm đầu tàu.  

Cũng chính nhờ ngành công nghệ sạch mà kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng phục hồi sau trận động đất tài chính hồi tháng 9/2008.