Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Cơ chế phát triển sạch : Nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các nước giàu và nghèo

  Anh Vũ

Bài đăng ngày 17/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  17/12/2009 15:25 TU

Cơ chế CDMNguồn : http://www.climate-change.ir

Cơ chế CDM
Nguồn : http://www.climate-change.ir

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một trong những cơ chế linh hoạt đã được Nghị định thư Kyoto quy định. Với CDM các tổ chức, doanh nghiệp, Nhà nước và tư nhân của các nước phát triển được đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển để nhận được tín dụng dưới dạng CERs.
Nghị định thư Kyoto năm 1997 là một mốc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lần đầu tiên chính phủ các nước tham gia nghị định thư đã chấp nhận sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với mức phát thải khí nhà kính của mình.

Đồng thời Nghị định thư cũng đã đưa ra các cơ chế hợp tác nhằm mục đích đạt được chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính đối với các nước phát triển song song với việc hỗ trợ phát triển bền vững ở các nước đang phát triển. Trong số các cơ chế linh hoạt của Nghị định thư Kyoto thì Cơ chế phát triển sạch (CDM) đang được quan tâm triển khai rộng nhất.

Cơ chế phát triển sạch CDM là gì ?

CDM là tên viết tắt tiếng anh Clean Development Mechanism – cơ chế phát triển sạch – được quy định tại điều 12 của nghị định thư Kyoto.

Quy định này cho phép các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển, gọi là dự án cơ chế phát triển sạch (dự án CDM ), để nhận được tín dụng dưới dạng các “chứng nhận giảm phát thải ”, viết tắt là CERs.

CDM khuyến khích các công ty tư nhân và chính phủ các nước phát triển đầu tư cho các dự án tại các nước đang phát triển nhằm giảm hoặc tránh không phát thải, ví dụ như chuyển sang công nghệ sạch.

Nói một cách khác là các nước phát triển có thể giảm chỉ tiêu phát thải của họ qua các chứng nhận giảm phát thải mà họ đã đầu tư cho các nước đang phát triển.

Dự án CDM là dự án phải được đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường, có hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính được Ban chấp hành quốc tế về CDM cấp chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính.

Sở dĩ CDM được các nước phát triển lẫn đang phát triển đặc biệt quan tâm vì dựa trên tinh thần và mục tiêu như trên, CDM sẽ là cơ chế để các nước phát triển thực hiện cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của mình với chi phí hiệu quả hơn.

Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển, CDM sẽ mang lại sự đầu tư sạch và gia tăng cho các dự án giảm nhẹ, đồng thời trợ giúp các nước đang phát triển thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững tại các nước này. Hơn nữa các dự án CDM sẽ là nguồn đầu tư nước ngoài mà bất kỳ một nước đang phát triển nào đều rất cần.

Một trong những mục tiêu chính của CDM là thúc đẩy đạt được phát triển bền vững tại các nước đang phát triển. Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với chính phủ của các nước đang phát triển  phải đưa ra được các chính sách phát triển  có tính đến các yếu tố trọng tâm là : Kinh tế, môi trường và xã hội.

Theo quy định chung của quốc tế thì các dự án CDM được xây dựng xung quanh 15 lĩnh vực. Tùy theo hòan cảnh mà mỗi nước có thể ưu tiên các lĩnh vực khác nhau.

Một số tiêu chí để xác định dự án CDM ưu tiên là: Chi phí yêu cầu trên một đơn vị (tấn) carbon giảm (khía cạnh tài chính), khả năng tạo công ăn việc làm (khía cạnh xã hội và phát triển), các tác động môi trường địa phương (khía cạnh kinh tế và môi trường) và hiệu quả về công nghệ.

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường thì Việt Nam có tiềm năng lớn để thực thi các dự án CDM trên các lĩnh vực then chốt như: năng lượng sạch, xử lý rác thải và nước thải, cắt giảm sử dụng xăng dầu, đầu tư về giao thông công cộng, thay thế nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ giá rẻ và tiêu hao ít năng lượng…

Tuy nhiên theo theo thông tin từ Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) thì các dự án CDM ở Việt Nam đã đăng ký « chứng nhận phát thải thải CERs » mới chỉ đạt con số hơn một triệu, trong lúc mà hiện tại đã có gần 400 triệu đơn vị của các nước đang phát triển đã đăng ký và được cấp CERs.

Đây là cơ chế hợp tác giữa một bên là các nước có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính, tức các nước công nghiệp phát triển và một bên là các nước đang phát triển, không có nghĩa vụ giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính. 

Thực hiện dự án CDM, các nước đang phát triển sẽ nhận được nguồn đầu tư mới từ nước ngoài và tiếp nhận các công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống khí hậu.