![]() |
Thanh Phương
Bài đăng ngày 19/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 19/12/2009 13:34 TU
Trong buổi thảo luận đêm ngày 18/12, một đại biểu Soudan đã so sánh thỏa thuận ở Copenhagen như là một ''cuộc diệt chủng Đức quốc xã'' đối với châu Phi, gây phẫn nộ cho các bộ trưởng châu Âu có mặt tại chỗ.
Tuyên bố như vậy đúng là quá đáng, nhưng thật ra nó phản ánh sự bất mãn của các nước nghèo tại Copenhagen khi thấy rằng bản tuyên bố chính trị đã được thương lượng một cách bí mật, sau cánh cửa khép kín, trái ngược hoàn toàn với thông lệ quốc tế.
Bản tuyên bố này đã được đề nghị sau các cuộc thảo luận giữa 28 quốc gia công nghiệp phát triển và các nước đang trỗi dậy, hay nói đúng hơn là sau các cuộc mặc cả giữa Hoa Kỳ và một số cường quốc tương lai như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil và Nam Phi.
Ngay cả Liên hiệp châu Âu cũng đã bị gạt ra khỏi các cuộc thương lượng giờ chót và chỉ ủng hộ thỏa thuận một cách miễn cưỡng, '' một quyết định khó khăn '' như lời của thủ tướng Đức Angela Merkel.
Những nước phản đối mạnh mẽ nhất chính là các đảo quốc nhỏ, những nước đang bị hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa, như Tuvalu.
Đại biểu của quốc gia tí hon ở Thái Bình Dương này hôm qua (18/12) đã nhấn mạnh rằng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là quá mơ hồ và có nghĩa là đánh dấu sự tiêu vong của Tuvalu.
Xin nhắc lại là các đảo quốc nhỏ vẫn đòi giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C, vì quá mức này, họ sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới.
Đại biểu của những nước Nam Mỹ như Vênêzuêla, Bolivia, Cuba hay Nicaragua cũng đã đồng loạt lên án một thỏa thuận sẽ không giúp hành tin của chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu.
Như vậy, hội nghị Copenhagen đã làm lộ rõ thêm sự phân hóa giữa một bên là các nước đang phát triển và bên kia là các nước công nghiệp phát triển cùng với những nước lớn đang trỗi dậy như Trung Quốc.
Đặc biệt là Trung Quốc, với tư thế cường quốc kinh tế thứ ba, thậm chí chẳng bao lâu nữa là thứ hai thế giới, coi như đã bắt chẹt cả hội nghị, khi dứt khoát không chấp nhận bất cứ một cơ chế giám sát nào của quốc tế, với lý do bảo vệ chủ quyền đất nước.
Chính thái độ của Bắc Kinh đã khiến hội nghị Copenhagen suýt nữa đã thất bại hoàn toàn.
Chỉ đến khi tổng thống Mỹ Obama thảo luận trực tiếp với thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm qua (18/12), bế tắc mới được khai thông phần nào để dẫn đến một thỏa thuận, mà ngay chính ông Obama cũng cho là '' không đầy đủ''.
Như nhận định của một thành viên tổ chức Green Peace Trung Quốc, mặc dù trong nước, Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều trong việc chống biến đổi khí hậu, nhưng họ đã để lỡ dịp Copenhagen để chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm trên vấn đề này.
Chính vì vậy mà các nước đồng minh của Trung Quốc trong nhóm G77, tức là nnóm các quốc gia đang phát triển và đang trỗi dậy, cảm thấy như bị bỏ rơi.
Thỏa thuận Copenhagen đánh dấu sự hình thành một cách bán chính thức của nhóm gọi là G2, bao gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngay cả những quốc gia từng công khai ủng hộ Trung Quốc như Ấn Độ và Brasil nay cũng trách cứ Bắc Kinh là chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng mình.
Rốt cuộc, chỉ có Trung Quốc là phái đoàn duy nhất tuyên bố rằng '' tất cả mọi người đều vui mừng về kết quả hội nghị.'' Hội nghị Copenhagen rõ ràng chỉ đạt được một thỏa thuận tối thiểu và coi như đã thất bại vì không đạt mục tiêu đề ra.
Khi gặp lại nhau trong sáu tháng tới tại Bonn nhân hội nghị giữa kỳ, liệu các nước đang phát triển với các nước công nghiệp và các nước đang trỗi dậy có sẽ thu hẹp được những bất đồng để đạt đến một hiệp định có tính chất bó buộc hay không ? Chúng ta hãy chờ xem.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO