Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hội nghị Copenhagen kết thúc với một thỏa thuận tối thiểu

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 19/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  19/12/2009 16:45 TU

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Hội nghị Copenhagen lần thứ 15 về biến đổi khí hậu

Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã "ghi nhận'' bản Thỏa thuận Copenhagen. Bao gồm 3 trang, Thỏa thuận ấn định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C  nhưng không đề ra những phương cách đạt đến mục tiêu. Văn bản không đề ra những chỉ tiêu cụ thể về giảm khí carbon.

Sáng hôm nay (19/12), các đại  biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã '' ghi nhận '' bản Thỏa thuận Copenhagen. Thỏa thuận này đã được lãnh đạo 28 quốc gia công nghiệp phát triển và quốc gia đang trổi dậy thông qua vào tối ngày 18/12

'' Ghi nhận '' là một từ ngữ không có tính chất bó buộc về mặt pháp lý và chính trị so với việc thông qua bằng sự đồng thuận. Nhờ thủ tục đặc biệt này mà bản Thỏa thuận Copenhagen vẫn có hiệu lực mà không cần được toàn thể các nước tham gia thông qua, một khả năng không thể xảy ra do bất đồng giữa các nước đang phát triển tại hội nghị Copenhagen.

Chỉ bao gồm 3 trang, bản Thỏa thuận Copenhagen ấn định mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng không đề ra những phương cách đạt được mục tiêu.

Văn bản chỉ kêu gọi các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển từ đây đến tháng tư khẳng định bằng giấy trắng mực đen những cam kết về giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính, mà không đề ra những mục tiêu cụ thể.

Thỏa thuận này dự trù các cơ chế bảo đảm sự minh bạch của việc thực hiện các cam kết đó. Thỏa thuận Copenhagen còn dự trù viện trợ 10 tỷ đôla hàng năm trong vòng ba năm tới để giúp các nước nghèo thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. 

Số tiền này sau đó sẽ tăng lên thành 100 tỷ đôla từ đây đến năm 2020.  Một '' Quỹ Xanh Khí hậu '' sẽ được lập ra để hỗ trợ các dự án của các nước đang phát triển nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính.

Đối với tổng thư ký Liên hiệp quốc, Thỏa thuận Copenhagen là '' một giai đoạn chủ yếu '' đầu tiên trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Tuy tổng thống Hoa Kỳ Obama cho rằng thỏa thuận này là '' không đầy đủ'', nhưng một thành viên phái đoàn Mỹ xem đây là '' một bước tiến lịch sử và có ý nghĩa", từ đó phải tiến thêm nữa.

Về phần tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận định đây là một thỏa thuận '' tích cực'' , nhưng '' không hoàn hảo''. Ông Sarkozy cũng bày tỏ nỗi thất vọng khi thấy bản thoả thuận đã không đề ra mục tiêu giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050 để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ.

Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ môi trường chỉ trích kết quả hội nghị mà họ cho là một sự '' thảm bại'', vì thỏa thuận Copenhagen không có tính chất ràng buộc, mà cũng không đề ra các mục tiêu cho năm 2020 cũng như 2050.

Nhiều nhà thương thuyết cũng rất thất vọng vì đoạn nói về sự cần thiết đạt đến một hiệp định '' có tính chất ràng buộc về pháp lý từ đây đến hội nghị Mexico năm 2010 '' rốt cuộc đã không thấy được ghi trong bản thỏa thuận.

Theo nhận định của đặc phái viên RFI Sylvain Bibille từ Copenhagen, hội nghị về biến đổi khí hậu như vậy đã không tương xứng với những tham vọng ban đầu :

'' Vào lúc khai mạc hội nghị, thủ đô Đan Mạch Copenhagen đã được đặt tên lại là Hopengagen, nói lên niềm hy vọng đặt vào cuộc hẹn có một không hai trên thế giớI này. ''Hãy giúp chúng tôi cứu vãn hành tinh''. Một bé gái đã kêu gọi như trên trong một bộ phim về những thiên tai, được chiếu khi mở màn hội nghị.

12 ngày sau, bầu không khí hứng khởi đã hoàn toàn biến mất. Các nhà lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận vào giờ chót, nhưng họ đã rời khỏi Copenhagen mà không đợi cho đến khi thỏa thuận này được thông qua.

Điều đó phản ánh thái độ không tin tưởng vào một bản thỏa thiệp tối thiểu. Văn bản đúng là đã nhắc lại cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng không kèm theo những điều khoản có tính chất ràng buộc.

Việc tài trợ cho những nước bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu chỉ mới là những cam kết trên giấy tờ. Hơn thế nữa, việc thông qua một hiệp định thay thế cho nghị định thư Kyoto đã bị dời lại vô hạn định.

Những cuộc tranh cãi triền miên về những vấn đề thủ tục làm trì hoãn việc thông qua thỏa thuận càng làm mất đi ý nghĩa của một hội nghị mà rõ ràng là đã không tương xứng với các tham vọng đề ra ban đầu''.