Đức Tâm
Bài đăng ngày 24/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 24/12/2009 14:16 TU
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ngày hôm qua, 23/12. ông Yvo De Boer, đại diện Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ biến đổi khí hậu, đã kêu gọi các quốc gia chấm dứt các cuộc tranh cãi, phê phán. Có như vậy, thì mới có thể thúc đẩy các cuộc thương lượng, nhằm đạt được một văn bản hoàn chỉnh, mang tính ràng buộc vào cuối năm 2010.
Thụy Điển, nước đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu đã đánh giá thất bại của hội nghị Copenhagen là một thảm họa và quy trách nhiệm chủ yếu cho Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia gây ô nhiễm nhất hành tinh. Ngay cả tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng thừa nhận mức độ hạn chế của thỏa thuận được ký tại Copenhagen.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Đan Mạch, Hoa Kỳ và đại diện các nước đang phát triển là Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, Nam Phi đã soạn thảo một văn bản tối thiểu, gọi là thỏa thuận Copenhagen. Thỏa thuận này được 28 quốc gia chấp nhận, còn những nước khác thì chỉ “ghi nhận”.
Xin nhắc lại thỏa thuận Copenhagen khẳng định mục tiêu giới hạn mức độ hâm nóng trái đất không quá 2°C và có điều khoản nói về việc giúp đỡ các nước nghèo nhất. Tuy nhiên, văn bản này lại không đề ra tham vọng giảm thải 50% khí CO2 từ nay đến năm 2050, trên phạm vi thế giới và không có những mục tiêu ràng buộc đối với các quốc gia.
Thương lượng tối đa, thoả thuận tối thiểu
Đại diện Liên Hiệp Quốc, Yvo De Boer cho rằng các tranh cãi giữa Trung Quốc, Anh Quốc kể từ sau hội nghị đến nay có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia, bởi vì, “năm tới, các nước này phải ngồi thương lượng với nhau, do vậy, việc tố cáo lẫn nhau không giúp ích được gì.”
Để tạo bầu không khí lạc quan, ông Yvo De Boer nhấn mạnh, thỏa thuận Copenhagen có thể làm cơ sở cho các cuộc thương lượng tiếp theo và trong năm 2010, vẫn có thể đạt được một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc. Ông hy vọng là ngoài 28 quốc gia đã ký, thì sẽ có thêm nhiều nước khác tham gia thỏa thuận Copenhagen. Trong những ngày tới, chính phủ Đan Mạch gửi thư tới từng quốc gia thông báo nội dung thỏa thuận Copenhagen, nhắc lại khả năng các nước này tham gia ký kết và thời hạn để làm việc này. Đại diện Liên Hiệp Quốc trấn an là việc ký thỏa thuận Copenhagen không có nghĩa là phải đưa ra những cam kết cắt giảm thải cụ thể và cũng không có chuyện trừng phạt tài chính đối với những nước chậm tham gia văn bản này.
Theo thỏa thuận Copenhagen, từ nay đến cuối tháng giêng 2010, các nước công nghiệp phát triển phải đệ trình mục tiêu giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, còn các quốc gia đang phát triển đề xuất các sáng kiến nhằm hạn chế thải khí CO2.
Nhận định về tiến trình đàm phán tại Copenhagen, ông Yvo De Boer cho rằng do có những hiểu lầm, chứ không phải là những ý kiến chống đối, đã làm cho các cuộc thương lượng thất bại. Theo phân tích của chuyên gia này thì các nước đang phát triển đã ngần ngại bởi vì họ không thể ký một hiệp ước mang tính ràng buộc mà không hiểu rõ tác động của văn bản này đối với sự phát triển kinh tế, đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu sẽ được nối lại vào tháng 5 năm 2010, tại Bonn, Cộng Hòa Liên Bang Đức với mục tiêu chuẩn bị một dự thảo hiệp ước hoàn chỉnh cho hội nghị quốc tế sẽ được thổ chức vào cuối năm 2010 tại Mêhico. Để thực hiện lịch trình này, đại diện Liên Hiệp Quốc Yvo De Boer xác định bốn bước cần thực hiện từ nay đến tháng 5 năm tới, đó là đánh giá đúng những kết quả đạt được tại Copenhagen, vận động để văn bản này có được sự chấp thuận của nhiều nước, nếu cần sẽ tổ chức thêm các cuộc họp giải quyết các bất đồng, chuẩn bị những cơ sở vũng chắc cho vòng đàm phán tại Bonn vào tháng 5 năm 2010.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO