Đức Bình
Bài đăng ngày 26/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày 26/12/2009 16:53 TU
Nếu tình cờ bạn đến thăm Paris vào đúng dịp Noel, tức chiều tối ngày 24, rạng sáng ngày 25/12 với niềm mong ước được đón lễ Giáng Sinh vui vẻ tại thủ đô tráng lệ, thì quả thật đó là một tính toán sai lầm.
Sai lầm ư ?
Vâng, bạn sẽ thỏa thích một mình đi dạo trên đại lộ Champs Elysées, một trong những đại lộ giăng đèn kết hoa với những cửa hàng thời trang de luxe đắt tiền và kiêu xa nhất trên thế giới, bên cạnh một Khải Hoàn Môn sừng sững, mà bạn chẳng hề sợ bị ai chen lấn xô đẩy, hay sợ đụng chạm phải người dân Paris nào đó còn lạc bước trên phố như bạn, ngoại trừ một vài người khách du lịch nước ngoài.
Kỳ lạ thật, kinh đô ánh sáng mà lại như vậy ư ?
Vâng, nhưng xin bạn đừng quá lo lắng, chỉ cần bạn tinh ý một chút để tìm hiểu xem người Pháp nói chung và dân Paris nói riêng đón Noel như thế nào, bạn sẽ có ngay câu trả lời.
Vậy Noel diễn ra như thế nào tại Pháp ?
Khác với không khí đón Giáng Sinh ở Việt Nam, đất nước có khoảng hơn 6 triệu người theo đạo thiên chúa, đứng hàng thứ hai tại Đông Nam Á (chỉ sau Philippines), nơi mà theo thông lệ, vào đêm Noel, nhiều người công giáo thường tập trung tại nhà thờ ở trung tâm thành phố để cầu nguyện mừng ngày Chúa ra đời.
Còn đối với tầng lớp trẻ, thanh niên hay học sinh sinh viên không theo tín ngưỡng tôn giáo, thì đây chỉ đơn thuần là một cơ hội vui chơi giải trí để chiêm ngưỡng những cảnh tượng thú vị.
Thế còn đối với người Pháp, Noel chính là ngày đoàn tụ gia đình. Người Pháp cũng hối hả đổ ra đường để mua sắm và chuẩn bị quà cáp cho người thân, đặc biệt là cho các em nhỏ, nhưng chỉ vào những ngày cận kề trước Noel, và mọi việc mua bán sắm sửa dường như đều được kết thúc muộn nhất là vào chiều ngày 24/12.
Tuy Noel là ngày lễ Thánh mang nguồn gốc tôn giáo, nhưng hàng năm cứ vào dịp này, từ thành phố đến thôn quê, khắp nơi trên nước Pháp đều được trang hoàng lộng lẫy với đủ các loại đèn mầu rực rỡ.
Không chỉ tại các ngôi nhà thờ cổ kính, mà ngay cả các cơ quan hành chính, như tòa thị chính thành phố, các quảng trường, nhà hát, thậm chí trường học hay bệnh viện cũng đều được giăng đèn kết hoa vào dịp Noel.
Nhưng đối với người dân Paris, đặc biệt hấp dẫn và ấn tượng nhất vẫn là cách bày trí bắt mắt tại các tủ kính của các trung tâm thương mại lớn như Galeries Lafayette, Printemps hay BHV.Tại các của hàng này, người ta có hẳn một đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp chỉ chuyên lo về việc trang hoàng và bày biện các tủ kính lớn cỡ 10 người ôm không xuể, mỗi năm theo một chủ đề, một ý tưởng độc đáo khác biệt, rất hiếm khi trùng lập.
Sau khi đã "hòm hòm" chuyện mua sắm chuẩn bị quà cáp cho mọi thành viên trong gia đình, lúc ấy người Pháp mới yên tâm tập trung trang trí nhà cửa và đặc biệt là lo chuyện bếp núc.
Cũng giống như lễ cúng tất niên giao thừa của người Việt, đêm Noel 24/12 là dịp mọi thành viên trong gia đình Pháp trở về xum họp quây quần bên nhau. Con cái học hành và làm việc nơi xa cũng cố gắng thu xếp về cùng với bố mẹ, để sao cho không bị lỡ bữa cơm gia đình đầm ấm vào tối ngày 24/12.
Cây thông xanh được trang hoàng lộng lẫy, được giăng kết những quả cầu kim tuyến vòng quanh, với một máng cỏ nhỏ đặt dưới gốc cây là biểu tượng không thể thiếu trong đêm giáng sinh tại các gia đình Pháp.Nhiều gia đình đông con, để làm hài lòng các cô chiêu cậu ấm, còn cầu kỳ trang trí máng cỏ nhà mình bằng một hoạt cảnh mừng Chúa ra đời, với những con giống ngộ nghĩnh bằng đất sét nung bao gồm Chúa Jésus hài đồng, đức mẹ Maria, và thánh Giuse, bên cạnh đó là một vài con vật nhỏ dễ thương như một con Lừa và một con Bò nhỏ.
Khi mọi người đã có mặt đông đủ trong ngày lễ Noel, thì cũng là lúc chuẩn bị ngồi vào bàn ăn. Có lẽ hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới lại có một nghệ thuật ẩm thực vừa tinh túy, vừa cầu kỳ như người Pháp.
Uống gì trước, ăn gì sau, món nào thì đi với dao nĩa nào, rượu nào thì đi kèm với ly nào, v v… Một loạt các nguyên tắc nghiêm ngặt phải tuân thủ từ khi bắt đầu ngồi vào bàn ăn cho đến lúc kết thúc bữa ăn, mà ngay cả các em nhỏ dường như cũng thuộc làu làu.
Những món ăn không thể vắng mặt trong thực đơn ngày Noel tại các gia đình Pháp có thể kể ra đây như món : Gan Ngỗng béo, Hàu biển tái chanh, cá Hồi hun khói, Dồi heo nhồi sữa, và đặc biệt nhất không thể thiếu món chính, món kinh điển của buổi tiệc đó là Gà Tây bỏ lò ăn kèm với Khoai Tây chiên tỏi hay Hạt Dẻ bỏ lò.
Rượu Champagne cũng được dịp lên ngôi, người Pháp thường dùng rượu Champagne vào đầu hoặc cuối bữa ăn, lúc chuẩn bị ăn đồ tráng miệng hoặc với một mâm Phó-Mát nho nhỏ nhưng đa dạng về chủng loại, hoặc với bánh gateau hình thanh củi, còn trong bữa ăn, đa số người Pháp thường dùng rượu vang, đỏ, trắng hay hồng tuy theo món ăn.
Một bữa ăn theo kiểu Noel truyền thống của gia đình Pháp thường kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ, đây cũng là dịp để mọi người cùng ngồi bên nhau ôn lại kỷ niệm xưa, hoặc kể cho nhau nghe những sự kiện diễn ra xung quanh mỗi người trong năm qua, cũng như những dự án và định hướng sắp làm trong năm tới.
Đến gần 12h đêm, đó cũng là thời điểm mà các gia đình có truyền thống tôn giáo sẽ rời bàn ăn để đi dự lễ nhà thờ, còn đối với những gia đình khác không theo tín ngưỡng thiên chúa, thì sẽ là lúc mọi người mang món quà ra để tặng cho nhau.
Riêng các em nhỏ thì không được nhận quà ngay, các em sẽ phải "hậm hực" lên giường đi ngủ và kiên nhẫn đợi đến tận ngày mai, tức ngày 25/12, vì ông già Noel sẽ chui qua ống khói của mỗi nhà để mang quà đặt dưới gốc cây thông cho chúng chỉ sau lúc chúng đã thật sự say xưa giấc nồng mà thôi.
Và điều gì sẽ diễn ra ngày hôm sau với bọn trẻ ?Chắc chẳng cần giải thích thêm điều gì thì các bạn cũng đoán ra là bọn trẻ vui mừng đến mức nào, chúng sẽ chỉ loay hoay cả buổi bên đống quà, và không ngớt thầm cảm ơn ông già Noel.
Quả thực vậy, nếu có thể làm được điều gì cho bọn trẻ để chúng luôn được vui sống trong hòa bình và hạnh phúc thì xin quý vị và các bạn đừng ngần ngại, như chính những lời tâm sự sau đây của nữ ca sĩ Nana Mouskouri qua nhạc phẩm Prendre un enfant par la main (tạm dịch – Hãy ôm trẻ thơ vào lòng),
Chắc hẳn quý vị và các bạn cũng đã nhận ra nữ ca sĩ nổi tiếng và giàu lòng nhân ái gốc Hy Lạp này, bởi ngoài tiếng tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Hy Lạp, có lẽ Nana Mouskouri là nữ ca sĩ hiếm hoi trên thế giới nói và hát một cách thành thạo các thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia.
Có lẽ cũng bởi vì vào dịp Noel năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quỹ nhi đồng liên hợp quốc, với tư cách là Đại Sứ Thiện Chí của UNICEF, Nana Mouskouri cũng đã sang Việt Nam để thăm các em nhỏ khuyết tật trong các trại trẻ mồ côi.
Cảm ơn quý thính giả đã chọn nghe RFI trong dịp lễ Giáng Sinh, chúc quý vị chuẩn bị bước sang thềm năm mới 2010 với nhiều niềm vui và gia đình hạnh phúc.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO