Tuấn Thảo
Bài đăng ngày 08/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 20/01/2010 14:48 TU
Với thành tích kể trên, đạo diễn James Cameron ngang nhiên bước vào Câu lạc bộ của các nhà làm phim hái ra bạc tỷ, số thành viên có thể được đếm trên đầu ngón tay, ngoài Steven Spielberg, còn phải kể đến Michael Bay và Peter Jackson. Chỉ có điều là các tên tuổi này lập kỷ lục nhờ khai thác phim trong nhiều tháng, có khi đến cả năm. Trong trường hợp của James Cameron, bộ phim Avatar đạt thành tích chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần lễ.
Với Titanic và Avatar, đạo diễn Cameron 2 lần hái ra bạc tỷ
Bước chân vào rạp hát, người xem có thể tự nhủ một lần nữa, đây sẽ là một bộ phim hoành tráng, chứa đầy kỹ xảo điện toán (CGI). Nhưng ưu điểm đầu tiên của Avatar là các kỹ thuật tối tân nhất về hình ảnh và âm thanh phục vụ cho kịch bản, cốt truyện, chứ không giống như nhiều bộ phim khác theo kiểu đầu tư tối đa, nội dung tối thiểu. Tác phẩm này khai phóng cách làm phim với công nghệ số, nâng trình độ làm kỹ xảo lên đến một mức chưa từng thấy, khai thác màn ảnh ba 3 chiều (3D) nhờ kỹ thuật chồng hình và kính phân cực.
Nét đẹp hoang sơ của hành tinh Pandora, biểu tượng cho sự ngây thơ trong trắng mà con người đã đánh mất
Trên hành tinh Pandora, có một mỏ khoáng chất quý hiếm mà con người muốn kinh doanh khai thác. Nhưng đây lại là vùng đất thiêng liêng của người dân bản địa gọi là Nav’i. Họ cao đến 3 thước, có nước da màu xanh dương, cặp mắt to như mắt mèo. Các bộ lạc người Nav’i sống trong rừng rậm, hòa mình với thiên nhiên. Để có thể liên lạc trao đổi, loài người chế tạo ra những hóa thân gần giống với dân bản địa. Nhiệm vụ của Jake, nhân vật chính trong phim, là dùng trí óc để điều khiển hoá thân avatar, gần gủi với người Nav’i để có thể thuyết phục họ rời khỏi vùng đất thiêng, để cho loài người có thể khai thác các nguồn khoáng chất.
Chủ hòa và chủ chiến
Ở đây, loài người được chia thành hai nhóm. Nhóm chủ hòa là các nhà nghiên cứu khoa học muốn tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của các bộ lạc. Còn nhóm chủ chiến thì lại muốn dùng sức mạnh để chiếm đoạt tài nguyên của người Nav’i. Sau 3 tháng sống chung với dân bản địa, Jake quên dần đi nhiệm vụ của một người lính, đem lòng yêu thương Neytiri, con gái của tộc trưởng, cho dù họ đến từ hai hành tinh khác biệt, và không có cùng chủng giống.
Jake quyết định giúp người Nav'i vùng dậy để chống lại kế hoạch xâm chiếm của con người, tuy gọi là văn minh nhưng lại đối xử với nhau rất tàn nhẫn và hung bạo. Đối với Jake, sống với người Nav’i mới là cuộc sống thật của mình, còn cái thân xác tàn phế của anh tựa như một giấc chiêm bao.
Bộ phim kết thúc với một trận đánh ác liệt trên không. Loài người có trực thăng, súng đạn và máy móc hiện đại, dân Nav’i thì chỉ có giáo mác, cung tên, nhưng sức mạnh của họ vẫn là niềm tin và sự đoàn kết. Loài người thất bại vì quá tự tôn ngông cuồng, coi thường dân bản địa khi gọi họ là một bầy khỉ xanh. Còn dân Nav’i chiến thắng nhờ hội đủ ba yếu tố : thiên thời, nhân hòa, địa lợi. Những hình ảnh cuối bộ phim ngầm cho hiểu là vạn vật thiên nhiên sẽ hợp sức lại để dạy cho những kẻ hiếu chiến một bài học để đời. Xem bộ phim Avatar, ta sẽ thấy đạo diễn Cameron và êkíp làm phim của ông giàu tưởng tượng đến chừng nào. Hành tinh Pandora là một thế giới hoang sơ nhưng đẹp một cách kỳ lạ, thác nước hùng vĩ, rừng nguyên thủy ngút ngàn, một màu xanh bát ngát, đồi núi nhỏ to nhưng lại lơ lững bồng bềnh như những cụm mây trời. Hành tinh Pandora không cần có ánh lửa, vì ban đêm vạn vật tỏa ánh lân quang, hễ chạm vào là tỏa ra một màu ánh sáng dìu dịu.Thế giới này giống như một địa đàng, có thể được xem như là một ẩn dụ cho sự ngây thơ trong trắng mà con người đã đánh mất. Jake nhân vật chính của bộ phim từng thốt lên câu nói : khi tàn phá thiên nhiên, loài người đã làm cạn kiệt nguồn sữa mẹ, giết chết người nuôi dưỡng mình. Bộ phim đưa người xem vào một cõi thơ mộng, tựa như trái đất vào thuở khai thiên lập địa, để rồi xô đẩy toàn thế giới ấy vào chiến tranh khốc liệt, xám như tro bụi, đỏ như lửa máu.
Sự va chạm giữa hai nền văn minh
Sự đối chọi giữa con người và thiên nhiên cũng là sự va chạm của hai hành tinh, với hai nền văn minh khác biệt. Loài người coi trọng tiến bộ kỹ thuật, tận dụng khoa học để phục vụ cho nhu cầu ích kỷ. Còn các bộ lạc Nav’i tôn sùng thiên nhiên như thánh thần. Thế giới loài người bằng xương thịt mà lãnh cảm, thế giới của người Nav’i hư ảo mà lại cảm xúc dạt dào. Sự va chạm và đối đầu giữa hai cực vật chất thực dụng và tâm linh huyền bí không thể nào tránh khỏi. Không phải ngẫu nhiên mà James Cameron chọn Avatar làm tựa đề bộ phim. Nguồn gốc từ này xuất phát từ tiếng Phạn, một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, biểu tượng của tâm linh.
Được xem như là bộ phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh, chi phí thực hiện xấp xỉ 300 triệu đôla, chưa kể đến số tiền bỏ ra để tiếp thị quảng cáo, phim Avatar đánh dấu ngày trở lại trên tột đỉnh của James Cameron đã từng lập kỷ lục trước đây với phim Titanic. Sau phim này, ông đã không thực hiện một dự án nào đáng kể, ngoại trừ một số phim tài liệu quay dưới lòng đại dương.
Ý tưởng thực hiện bộ phim Avatar đã nẩy sinh trong tâm trí của ông cách đây 15 năm, nhưng mãi đến gần đây, ông mới hoàn chỉnh các loại ống kính thu hình kỹ thuật số có thể giúp cho ông dàn dựng bộ phim này. Đối với nhiều người, điện ảnh là một cách để phản ánh góc nhìn cá nhân về xã hội xung quanh. Đối với Cameron, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật để cho ông thực hiện những ám ảnh điên rồ nhất.
Phản bội giống nòi : một ý tưởng táo bạo
Phim Avatar không hẳn chỉ toàn là những ưu điểm. Phần mở đầu có nhiều đoạn hơi dài dòng để giải thích cách điều khiển avatar bằng trí óc. Cái chết của người em sinh đôi do không được khai thác, nên giống như một cái cớ trong kịch bản để đưa Jake lên hành tinh Pandora. Số phận của người Nav’i có nhiều điểm giống như thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ. Quan trọng hơn cả là nội tâm của nhân vật chính : động lực nào khiến cho Jake một người lính thủy quân lục chiến đi đến chỗ phản bội giống nòi, phản bội đồng loại.
Trong một bộ phim Mỹ, vào thời điểm mà quân đội Hoa Kỳ đang dấn thân vào hai cuộc chiến, thì đây qủa thật là một ý tưởng khá táo bạo, nhưng đạo diễn Cameron chỉ thoáng qua chứ không khai thác triệt để. Nhưng dù gì đi nữa, Avatar khá hay nhờ vào cốt truyện vững chắc, cho dù không có nhiều tuyến phụ. Đây không chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí, có đủ sức hấp dẫn để kích thích trí tưởng tượng của người xem. Về mặt kỹ xảo 10 điểm trên 10, nhưng nếu nội dung được đào sâu hơn nữa, thì Avatar sẽ là một chiếc phi thuyền không gian, bay cao với vận tốc ánh sáng.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO