Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Vụ đập phá thánh giá ở Đồng Chiêm lại gây căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo với chính quyền Việt Nam

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 09/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  09/01/2010 14:17 TU

Cây Thánh Giá trên Núi Thờ

Cây Thánh Giá trên Núi Thờ

Vụ đập phá thánh giá Đồng Chiêm một lần nữa lại gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền Việt Nam, vốn vẫn gặp rắc rối do vấn đề nhà đất. Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cực lực lên án hành động đàn áp giáo dân và xúc phạm thánh giá của lực lượng an ninh Việt Nam.

Trong những năm gần đây, những vụ xung đột giữa giáo dân với lực lượng an ninh Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều, nhưng có lẽ chưa có vụ nào nghiêm trọng như vụ vừa xảy ra tại giáo xứ Đồng Chiêm ngày 6/1.

Theo bản thông báo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, ngày hôm đó, hàng trăm người, gồm dân quân, công an và cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay, đã phong tỏa giáo xứ Đồng Chiêm và khu vực núi Chẽ, rồi đập phá Thánh giá bằng bêtông trên núi này.

Khi giáo dân muốn ngăn chận hành động kể trên, họ đã bị cảnh sát ném lựu đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó hai người bị thương nặng phải nằm bệnh viện để điều trị.

Những hình ảnh giáo dân bị đánh thương tích máu me đầy người đã được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Nhưng báo chí chính thức, chẳng hạn như tờ Hà Nội Mới, thì khẳng định ngược lại, tức là chính quyền điạ phương chỉ huy động công nhân tháo dỡ thánh giá, nhưng cha Nguyễn Văn Hữu đã ''kích động một số giáo dân chửi bới, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ''.

Tờ báo này còn khẳng định rằng, ''do được các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục, những giáo dân này đã tự động giải tán'', tức là không hề có chuyện giáo dân bị đánh đập tàn nhẫn.

Thật hư thế nào thì độc giả rồi cũng sẽ hiểu ra, nhưng đáng nói hơn cả đó là hành động xúc phạm đến thánh giá, biểu tượng thiêng liêng nhất của đức tin Kitô giáo.

Trong bài giảng thánh lễ tại nhà thờ Đồng Chiêm ngày 6/1, ngay sau khi xảy ra vụ đập phá thánh giá, cha Phạm Minh Triệu cảnh báo rằng lịch sử Việt Nam cho thấy chính quyền nào xúc phạm đến biểu tượng tôn giáo là chính quyền đó đang đi đến chỗ tự sát.

Trước mắt, vụ này một lần nữa lại gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền Việt Nam, mà vốn vẫn gặp rắc rối do vấn đề nhà đất.

Cho tới nay, theo luật định, đất đai vẫn là thuộc sở hữu của toàn dân và do Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý. Trong khi đó, rất nhiều cơ sở nhà đất của Giáo hội Công giáo trước đây bị Nhà nước trưng dụng, tịch thu và nay giáo hội muốn đòi lại để có nơi thờ tự, tu tập hoặc làm công tác giáo dục, xã hội.

Nhưng các yêu cầu này đã không được đáp ứng, mà ở một số nơi, đất đai của các giáo xứ, dòng tu, nay lại bị chiếm dụng thêm để xây dựng các công trình và trước sự phản kháng quyết liệt của các tu sĩ và giáo dân, chính quyền bèn chuyển dự án ban đầu thành công viên như trường hợp ở khu vực tòa Khâm sứ cũ, giáo xứ Thái Hà.

Về vụ xảy ra ở giáo xứ Đồng Chiêm, đối với chính quyền địa phương của huyện Mỹ Đức và xã An Phú, việc xây dựng cây thánh giá bằng bêtông trên đỉnh núi Chẽ là trái phép, vi phạm các luật hiện hành về đất đai, về tín ngưỡng.

Trong khi đó, linh mục chính xứ Đồng Chiêm, cha Nguyễn Văn Hữu khẳng định là khu đất này đã được giáo xứ sử dụng từ 100 năm qua.

Phản ứng về vụ Đồng Chiêm, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 7/1 đã cực lực lên án hành động đàn áp giáo dân và xúc phạm thánh giá của lực lượng an ninh Việt Nam.

Toàn thể các giám mục Giáo tỉnh Hà Nội, Giám mục Lạng Sơn Đặng Đức Ngân và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã viết thư hiệp thông cho Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, để chia sẻ với Ngài về điều mà họ gọi là '' biến cố đau thương này ''.

Riêng các giám mục Giáo tỉnh Hà Nội, tức là các giám mục của toàn thể giáo phận ở miền Bắc, nhắc lại yêu cầu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong bản '' Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay'', công bố vào năm ngoái, tức là chính quyền nên xét lại Luật Đất Đai để giải quyết tận gốc những tranh chấp nhà đất nhằm tránh tái diễn những vụ tương tự ở Đồng Chiêm.

Trong bối cảnh mà Việt Nam và Vatican đã tỏ rõ ý định tiến đến thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện qua cuộc hội kiến giữa chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Giáo hoàng Benedicto 16 vừa qua, vụ Đồng Chiêm và những vụ tranh chấp nhà đất khác có thể khiến cho con đường bình thường hóa bang giao này càng thêm trắc trở.