Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Vụ Jetstar Pacific cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 15/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  23/01/2010 18:52 TU

Hãng Jetstar Pacific (DR)

Hãng Jetstar Pacific (DR)

Hôm qua, giám đốc điều hành hãng hàng không Qantas của Úc, ông Alan Joyce đã bác bỏ bản báo cáo của Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho rằng hãng Jetstar Pacific, mà Qantas có phần hùn, đã có những sai phạm về mặt an toàn.

Đây là phản ứng mới nhất từ Qantas kể từ khi hãng Jetstar bị đưa vào tầm ngắm của chính quyền Việt Nam với vụ khởi tố và bắt tạm giam ông Lương Hoài Nam, nguyên tổng giám đốc của hãng này. Ông Lương Hoài Nam bị coi là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là thiếu trách nhiệm trong việc quản lý giá mua xăng, khiến Jetstar bị thua lỗ đến 564 tỷ đồng, tương đương với 31 triệu đôla.

Ngoài việc bắt tạm giam ông Lương Hoài Nam, công an Việt Nam còn tạm giữ hai nhân viên cao cấp người Úc của Jetstar, không cho họ rời khỏi Việt Nam về Úc thăm gia đình, để thẩm vấn họ về lý do tại sao hãng hàng không này lại bị thua lỗ nhiều đến thế. Theo hãng Qantas, cuộc điều tra về Jetstar có thể kéo dài hàng tháng. Như vậy, hai phó tổng giám đốc của Jetstar, ông Tristan Freeman và bà Daniela Marsilli không biết bao giờ mới có thể rời khỏi Việt Nam.

Tại Việt Nam, rũi ro kinh có thể bị hình sự hóa 

Trong một bài báo đăng trên Internet hôm nay, tuần báo Time nhận định rằng vụ Jetstar sẽ buộc các nhà đầu tư ngoại quốc phải suy tính thật kỹ trước khi nhảy vào Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có những quy định, luật lệ rất gắt gao về việc quản lý thiếu trách nhiệm gây thua lỗ cho vốn đầu tư của Nhà nước. Như vậy, những rũi ro về kinh doanh có thể bị hình sự hóa.

Hãng Jetstar là công ty liên doanh gồm chủ yếu 70 % vốn của Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước, một công ty của chính phủ Việt Nam,  còn Jetstar nắm giữ  27% vốn.  Ông Lương Hoài Nam cùng với ông Freeman và bà Marsilli bị coi là đã làm thua lỗ vốn của Nhà nước Việt Nam vì họ đã đặt mua xăng dự trữ vào thời điểm giá dầu trên thế giới đang lên cơn sốt, tăng vọt đến 147 đôla/thùng vào tháng 7 năm 2008 và sau đó giá dầu lại tuột dốc xuống chỉ còn 30 đôla/thùng vào tháng 12 năm ngoái, khiến Jetstar bị thua lỗ hàng triệu đôla.

Nhưng như ông Alan Joyce, giám đốc điều hành Qantas, đã nhấn mạnh ngày 11/1, vào thời gian đó, nhiều hãng hàng không khác trong khu vực cũng đã bị thua lỗ như vậy, chứ không riêng gì Jetstar, bởi vì đâu có ai ngờ là giá dầu lại tuột dốc như thế. Nói cách khác, các phó tổng giám đốc người Úc của Jetstar chẳng có làm điều gì sai trái.

Quyền tự do kinh doanh có nguy cơ bị giới hạn

Tuần báo Time cho biết nhiều nhà phân tích sợ rằng vụ Jetstar báo hiệu là đường lối phát triển kinh tế theo hướng thị trường của Việt Nam đang bị đảo chiều. Nói cách khác, trong bối cảnh lạm phát leo thang và xuất khẩu sụt giảm mạnh do khủng hoảng toàn cầu, một số thành phần cứng rắn trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn giới hạn trở lại những quyền tự do kinh tế và tự do cá nhân, thể hiện qua vụ bắt giữ và xét xử hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ cũng như việc ngăn chận truy cập mạng xã hội Facebook.

Trong bối cảnh này, Jetstar đã trở thành mục tiêu tấn công của phe bảo thủ, vốn vẫn không muốn từ bỏ sự kiểm soát khu vực tư nhân, nhất là vì Jetstar đang giành thêm thị phần từ tay hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Tuần báo Time nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bắt giữ nhân viên một công ty nước ngoài chỉ vì làm ăn thua lỗ. Vào năm 2006, bốn nhân viên của ngân hàng Hà Lan ABN AMRO đã bị bắt về tội gian lận sau khi chính phủ bị thua lỗ trong một hợp đồng kinh doanh ngoại tệ. Vào lúc đó, ABN AMRO đã phải trả 4,5 triệu đôla cho một ngân hàng quốc doanh để cứu bốn nhân viên Việt Nam khỏi án tử hình.

Vụ Jetstar cũng đã gây rất nhiều bàn tán trên báo chí Úc và nhiều tờ báo đã không ngần ngại khẳng định rằng hai phó giám đốc Freeman và Marsilli chính là nạn nhân của đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền Việt Nam.