Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

ĐIỆN ẢNH

Giới đồng tính theo đạo Mẫu-Tứ Phủ ở Việt Nam qua bộ phim "Love Man, Love Woman"

  Trọng Thành

Bài đăng ngày 29/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  30/01/2010 14:07 TU

Đạo diễn Nguyễn Trinh Thi (DR)

Đạo diễn Nguyễn Trinh Thi (DR)

Tại Vesoul đang diễn ra liên hoan phim châu Á lần thứ 16. Liên hoan phim Vesoul lần này có hơn 80 phim, đặc biệt toàn bộ chương trình Francophonie d'Asie (các nước châu Á nói tiếng Pháp), dành cho 7 phim tài liệu đến từ Việt Nam, trong đó có "Love Man, Love Woman", bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Trinh Thi.

Ra đời năm 2007, "Love Man, Love Woman" (tạm dịch là Ái nam, ái nữ, mặc dù diễn đạt này không thể hiện chính xác được thực tế ấy) được coi là một trong những phim tài liệu nhân học đầu tiên ở Việt Nam và trở thành tài liệu tham khảo cho các sinh viên ngành nhân học và chuyên ngành phim tư liệu. Năm 2008, bộ phim tham gia Liên hoan Phim Nhân học Jean Rouch tại Pháp. Rời Hà Nội năm 1997, đạo diễn Nguyễn Trinh Thi du học nhiều năm tại Mỹ. Chị đã tốt nghiệp cao học ngành báo chí và chuyên ngành nghiên cứu Đông Nam Á. Chị còn được đào tạo về phim dân tộc học. Có thời gian chị làm phóng viên cho Reuters ở Mỹ.

Ám ảnh bởi câu hỏi về đời sống của những cộng đồng thiểu số, nhất là cộng đồng những người đồng tính sống tại một xã hội mà trong một thời gian rất dài, bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hóa “đồng phục”, dưới chế độ quân chủ Khổng giáo trước kia cũng như dưới chế độ "cộng sản thời chiến", Nguyễn Trinh Thi quyết định thâm nhập vào môi trường đạo Mẫu, tôn giáo của các thầy đồng. Dù có truyền thống hàng trăm năm tại Việt Nam, nhưng cho đến thời gian rất gần đây, truyền thống tôn giáo này vẫn không được quan điểm chính thống thừa nhận hoàn toàn.

Nguyễn Trinh Thi đã tìm được nhân vật chính cho bộ phim đầu tay của mình : thầy đồng Lưu Ngọc Đức, một chủ điện có thanh thế với hàng nghìn đệ tử tại Hà Nội.  Sự hấp dẫn trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Trinh Thi, có thể nói là nhờ ở sự cởi mở và tự nhiên của thầy đồng Đức.

Hầu hết các cảnh trong phim được quay ngay tại bản điện của chính ông đồng Đức và một ngôi đền thân thuộc với ông tại Hà Nội. Thời gian chủ yếu của bộ phim dành cho việc ông Đức tự kể về mình, đan xen với những bình luận của một người bạn thân. Vốn là một giáo viên, có năng lực và có khả năng thăng tiến trong nghề, nhưng ông Lưu Ngọc Đức đã chấp nhận rẽ ngang để trở thành một chủ điện thờ Mẫu, bởi ông tự nhận thấy mình có một số phận khác hẳn "những người bình thường". Như ông nhận xét, bản thân ông sinh ra vốn không phải như thế, nhưng tình cờ một lần, khi ông còn là một cậu bé, một người đàn ông đã "giúp" ông khám phá ra nhu cầu này, và kể từ đó, ông trở nên đặc biệt thích người cùng giới tính.

Một cảnh trong phim "Love Men, Love Women"

Một cảnh trong phim "Love Men, Love Women"

Điều đặc biệt là ông đồng Đức không dừng lại trong quan hệ với một người, mà cùng một lúc ông mở rộng quan hệ với nhiều người, với nhiều mức độ quan hệ khác nhau. Điều này mang lại cho ông một thú vui đặc biệt. Thầy Đức không ngần ngại phô bày bản chất gay của mình trong cộng đồng những người theo đạo Mẫu, và ông thường xuyên nhận được sự tán thưởng.

Khác với những người đi theo đạo Mẫu-Tứ Phủ chỉ để lên đồng hầu thần thánh, mà ông gọi là đồng theo lối cổ, đối với ông Đức, không gian của đạo Mẫu-Tứ Phủ chính là nơi ông thể hiện được toàn bộ sở thích và cung cách sống của mình. Đời sống tôn giáo, xung quanh tôn giáo, và chính cuộc sống của bản thân, đối với ông về cơ bản cũng giống như một trò vui, một cuộc tiêu khiển triền miên.

Sảng khoái trong quan hệ với các đệ tử, bạn đạo, thăng hoa trong các lễ hầu thánh, không có gì phàn nàn về xã hội, nhưng vào lúc đêm khuya, trong phần cuối của bộ phim, con người tự coi là « thân nam, bóng nữ » này cảm thấy cô đơn. « Một mảnh tình riêng ta với ta », sự cô độc trong đáy lòng khiến ông tự ví mình với bà huyện Thanh Quan, khi tuổi ngày một cao, khi bạn bè đều có nơi, để lại ông đối diện với chính mình.

Thầy đồng Lưu Ngọc Đức là một nhân vật đa diện và phức hợp. Không cần che dấu lối sống của một người đồng tính, tuy nhiên thầy đồng Đức cũng không vào thuộc nhóm những người lên tiếng công khai nhằm làm giảm bớt những phân biệt đối xử đè nặng lên cộng đồng mình, như ông Nguyễn Văn Dũng, chủ nhiệm của một trong những câu lạc bộ người đồng tính đầu tiên của Việt Nam, người đầu tiên công bố cuốn tự truyện (2008) (xem « "Bóng" phá vỡ bức tường vô hình của sự im lặng », chương trình phát thanh của RFI do Bảo Thạch thực hiện, lên mạng ngày  22 tháng 8 năm 2008).

Giai đoạn nhập môn vào đời sống tình dục đồng tính của ông đồng Đức cũng khiến chúng ta không khỏi nhớ đến quan hệ cùng giới giữa những người đàn ông trưởng thành (ἐραστής, éraste) với các thiếu niên nam (ἐρώμενος, éromène), được coi là một trong những biện pháp quan trọng đánh thức nam tính ở các công dân tự do thuộc tầng lớp chủ nô trong nền văn hóa cổ đại Hy Lạp. Tuy nhiên, mục tiêu của truyền thống Mẫu-Tứ phủ mà ông Đức tham gia rất khác. 

Lễ hội các thần linh tại Taung Byone, Miến Điện (DR)

Lễ hội các thần linh tại Taung Byone, Miến Điện (DR)

Cuối cùng, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, nếu như người "đồng cô" này có mặt tại Taung Byone (Miến Điện) vào ngày hội các thần linh, một trong những lễ hội lớn nhất của những người đồng tính ở châu Á. Tuy nhiên, ông Lưu Ngọc Đức cũng không phải là một người quá sùng tín. Tôn giáo, mà ông theo, dường như chỉ đem lại một cái nền để giúp ông vui sống. Để hiểu thêm về nhân vật và bộ phim, chúng tôi đã phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Trinh Thi.

Phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Trinh Thi

29/01/2010