Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BẮC Á

Trung Quốc muốn can thiệp chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 08/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  08/03/2010 12:46 TU

Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng "chế độ nông nô Tây Tạng"  (Ảnh : Reuters)

Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng "chế độ nông nô Tây Tạng"
(Ảnh : Reuters)

Hôm qua, 08/03/2010, Trung Quốc đã tỏ cho thấy là họ sẽ có một thái độ cứng rắn hơn trong viêc chọn người kế nhiệm lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuyên bố bên lề kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, cựu chủ tịch khu tự trị Tây Tạng và cũng là đại biểu Quốc Hội, ông Qiangba Puncog nói rằng quyết định cuối cùng về việc chọn người tái sinh của các vị Lạt Ma là thuộc về Bắc Kinh. Nói cách khác, nếu không có sự chuẩn y của chính quyền trung ương, việc tái sinh này sẽ bị coi là không có giá trị.

Theo truyền thống, việc tìm người tái sinh kế nhiệm các vị Lạt Ma là do chính các vị này tiến hành. Nhưng chính phủ Trung Quốc do đảng Cộng sản vô thần lại đòi quyền can thiệp vào việc này, cho rằng đã có một tiền lệ từ một vị hoàng đế Trung Hoa trước đây.

Việc chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma là vấn đề hết sức nhạy cảm và có thể bùng nổ thành sự cố lớn, sau các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Tây Tạng vào tháng 03/2008, dẫn đến việc Bắc Kinh gia tăng trấn áp và siết chặt an ninh ở vùng này.

Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma là chủ trương Tây Tạng ly khai, chuyên xúi giục bạo loạn, nhưng Ngài đã bác bỏ điều này, khẳng định là chỉ muốn quê hương của Ngài được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Tại Tây Tạng, Ngài vẫn được đa số người dân tôn sùng. Nhưng nhiều chuyên gia về Tây Tạng nghĩ rằng Bắc Kinh đang chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, rồi sẽ chỉ định một vị lãnh tụ tinh thần mới cho Tây Tạng.

Bên lề kỳ họp Quốc Hội hôm qua, chính chủ tịch khu tự trị Tây Tạng Padma Choling cũng đã nói với các phóng viên rằng : '' Bây giờ chẳng cần phải bàn quá nhiều về vấn đề Đạt Lai Lat Ma tái sinh. Hãy chờ cho đến khi ông ta chết, rồi chúng ta sẽ nói về chuyện ấy.''

Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tròn 75 tuổi vào tháng 7 tới và được biết là vẫn còn khoẻ mạnh, nhưng dĩ nhiên Ngài không thể trường sinh bất tử. Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đã từng nói rằng người kế nhiệm Ngài có thể được chọn trước khi Ngài qua đời hoặc được bầu lên một cách dân chủ. Ngài cũng nói rằng Đạt Lai Lạt Ma có thể được tái sinh ở hải ngoại, tức là ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Nhưng khi viếng thăm Los Angeles vào tháng trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng, trong việc chọn người kế vị, nếu người dân Tây Tạng không còn muốn theo truyền thống đã có từ hàng mấy thế kỷ qua thì Ngài sẳn sàng chấp nhận.

Việc chọn Lạt Ma tái sinh đã gây tranh cãi từ năm 1995, khi Bắc Kinh chọn bé trai Gyaincain Norbu làm Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, tức là nhân vật cao cấp số hai của Phật giáo Tây Tạng, mặc dù  bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn một bé trai khác là Gedhun Choekyi Nyima làm Ban Thiền Lạt Ma. Ban Thiền Lạt Ma này đã mất tích từ nhiều năm nay và được cho là đang bị quản thúc tại gia. Hôm qua, chủ tịch khu tự trị Tây Tạng Padma Choling khẳng định là gia đình của Gedhun Choekyi Nyima vẫn sống thỏa mái ở Tây Tạng, chỉ có điều là họ không muốn bị quấy rầy.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách nâng cao vai trò của Ban Thiền Lạt Ma chính thức, năm nay là một thanh niên 20 tuổi, bằng cách bổ nhiệm người này làm phó chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Quốc và đại biểu Chính Hiệp, cơ quan tham vấn cho Quốc Hội Trung Quốc.