Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

KINH TẾ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris giới thiệu Tuần lễ Pháp tại Hà Nội

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 16/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  16/03/2010 13:46 TU

Trước cử tọa hơn 120 người, chủ yếu là các doanh nhân ban tổ chức đã nhấn mạnh đến những lợi thế của Việt Nam. Những nhược điểm của của Việt Nam chỉ được nói phớt qua và được trình bày như là những cơ hội cho các nhà đầu tư của Pháp.

Ngày 15/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris tổ chức một cuộc họp để giới thiệu với các doanh nhân Pháp về "Tuần lễ Pháp tại Hà Nội" từ ngày 21 đến 28/11.

"Tuần lễ Pháp tại Hà Nội" theo đuổi những mục đích như là tạo cơ hội cho các doanh nhân Pháp tìm hiểu thị trường Việt Nam, tiếp xúc trực tiếp với các nhà kinh doanh Việt Nam để hướng đến những hình thức hợp tác, cũng như là phía Việt Nam có dịp tiếp cận với một số mặt hàng với một số kỹ nghệ của Pháp.

Trước cử tọa hơn 120 người, chủ yếu là giới doanh nhân ban tổ chức đã nhấn mạnh đến những lợi thế của Việt Nam cũng như là thời điểm thuận lợi diễn ra "Tuần lễ Pháp tại Hà Nội" lần này. Những nhược điểm của của Việt Nam chỉ được nói phớt qua và được trình bày như là những cơ hội cho các nhà đầu tư của Pháp.

Sinh hoạt trong Tuần lễ Pháp tại Hà Nội

Năm 2008, cũng Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris cùng với nhiều đối tác Pháp và Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ Pháp tại TP Hồ Chí Minh. Lần này, ban tổ chức chọn địa điểm là Hà Nội, đúng vào lúc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ hội Ngàn Năm Thăng Long.

Tham vọng đề ra làm thế nào vượt quá ngưỡng 4000 lượt khách tham quan so với cách nay hai năm.

Chương trình năm nay dự kiến khai mạc với một cuộc chạy đua semi marathon, tiếp theo đó là một buổi tham quan bảo tàng dân tộc thiểu số.

Trong ba ngày từ 25 đến 27 tháng 11 Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tổ chức ngay tại trung tâm Hà Nội một cuộc triển lãm để giới thiệu nhiều ngành nghề khác nhau của Pháp từ công nghiệp nhẹ, đến các sản phẩm « de luxe », từ các lĩnh vực dịch vụ đến các mặt hàng mỹ phẩm, từ công nghệ chế biến thực phẩm, đến các sản phẩm đặc thù của Pháp như rượu nho chẳng hạn.

Tuần lễ Pháp tại Hà Nội sẽ kết thúc với các cuộc thảo luận bàn tròn nhằm đẩy mạnh trao đổi mậu dịch song phương, và với một cuộc hội thảo mang nhan đề « Thành phố của tương lai ». Tại đây các bên sẽ chủ yếu thảo luận về chính sách đô thị hóa đưa Ha Nội vào tương lai, về những phương tiện cho phép thành phố này giảm độ gây ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng.

Để chuẩn bị cho Tuần lễ Pháp tại Hà Nội và giúp cho chương trình thêm phong phú, ban tổ chức đã nỗ lực trình bày với cử tọa trong buổi họp sáng hôm qua tại trụ sở Phòng thương mại và công nghiệp Paris về những ưu điểm của Việt Nam.

Lợi thế của Việt Nam 

Theo nhãn quan của Chủ tịch Phòng Thượng mại Pháp tại Việt Nam, Marc Villard cũng như Jean Louis Poli người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Pháp tại Việt Nam lưu ý về triển vọng tươi sáng của Việt Nam :

Hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên hiệp hội các nước Đông Nam Á trong vòng một năm, Việt Nam được coi là một chiếc đầu cầu quan trong mở ra thị trường hơn 580 triệu người tiêu dùng của Asean cho các doanh nhân Pháp.

Theo dự phóng của ngân hàng phát triển châu Á, trong năm nay Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong số 10 nước Asean. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đã có một bước nhảy vọt từ 250 đô la vào năm 1995 lên thành hơn 1000 đô la vào năm 2007. Năm ngoái bất chấp tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,3%

Jean Louis Poli, giám đốc Cơ quan Kinh tế Pháp ở Sài Gòn trong cuộc họp hôm qua tại Phòng Thương mại Paris mở ra toàn cảnh kinh tế Việt Nam :

« Việt Nam là nơi liên tục có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trên 7% một năm cho đến 2007. Đây là một tỷ lệ trung bình. Bên cạnh đó nhu cầu về công nghiệp của Việt Nam cao hơn tỷ lệ tăng trưởng nói trên vào khoảng 6 điểm. Nói cách khác, Việt Nam là một quốc gia sẽ có nhu cầu thiết bị rất lớn.

Nhìn đến tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái, bất chấp khủng hoảng trên thế giới quốc gia nhỏ bé với 87 triệu dân này vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng 5,3%, chủ yếu nhờ vào tiềm năng tiêu thụ nội địa, vì chúng ta biết rằng xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua đã tuột dốc mạnh. Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam cũng đã mang lại nhũng hiệu quả mong muốn. Những yếu tố đó cho thấy triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 tươi sáng hơn »

Một lợi thế khác khiến Việt Nam có sức hấp dẫn đối với những doanh nghiệp đang muốn mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài phạm vi nước Pháp là sức mua rất mạnh của một tầng lớp trung lưu mới nổi lên.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, Marc Villard nêu lên những con số cụ thể : hiện nay 40% dân số Việt Nam có thu nhập hàng tháng từ 250 đến 435 đô la, đây là những thành phần trẻ, có trình độ cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường lao động, và đa số sống ở thành phố.

Nhu cầu mua sắm của lớp này ngày càng cao, và họ đòi hỏi những dịch vụ có chất lượng. Đây chính là những cơ hội làm ăn cho các doanh nhân Pháp để tìm đến với những thị trường mới.

Nền tảng vững chắc

Riêng trong chính sách phát triển mạng lưới công nghiệp, giám đốc Cơ quan kinh tế Pháp tại Việt Nam cho biết nước này đang đẩy mạnh các hình thức gia công, tìm kiếm những hoạt động kinh tế mới, xoay quanh những ngành nghề cần sử dụng đến dầu hỏa.

Về phương diện vĩ mô Cơ quan Kinh tế Pháp tại Việt Nam đưa ra bốn yếu tố thuyết phục : Việt Nam có một tỷ lệ nợ nước ngoài thấp ; khác với Thái Lan Việt Nam là nơi tình hình chính trị được ổn định, nhân lực của Việt Nam dồi dào có trình độ chuyên môn cao, và Việt Nam được nhiều nhà đầu tư quốc tế tín nhiệm.

Đương nhiên ở đây người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Pháp, ông Jean Louis Poli đã không đề cập đến việc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ điểm tín nhiệm đối với Việt Nam do nợ công của Việt Nam đã gia tăng, dự trữ ngoại tệ quá nhỏ so với mức thâm hụt cán cân thương mại của của nước này.

Từ nhược điểm đến cơ hội

Đề cập đến một điểm đặc biệt gây lo ngại cho các doanh nhân ngoại quốc muốn đến Việt Nam làm ăn đó là luật đầu tư trong nước, giám đốc Cơ quan Kinh tế Pháp, ông Jean Louis Poli tỏ ra lạc quan. Ông nhìn nhận bộ luật này chưa hoàn chỉnh và chưa thỏa mãn đúng đòi hỏi của các doanh nhân nước ngoài muốn chen chân vào thị trường Việt Nam nhưng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ :

« Việt Nam đang tiến hành các công cuộc cải tổ từ khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới và cần có thời gian để những biện pháp cải tổ đó bắt đầu được đưa vào thực hiện. Trong kế hoạch 2007-2018 chính quyền Việt Nam cam kết đẩy mạnh cải tổ trong lĩnh vực hành chính với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu.

Liên quan đến chính sách đầu tư nước ngoài, thì phải nói là Việt Nam đã nới lỏng chế độ đầu tư rất nhiều. Hãy còn có những lĩnh vực mà các tập đoàn nước ngoài chưa được phép bỏ vốn vào 100%. Thủ tục xin giấy phép đầu tư vẫn còn đòi hỏi thời gian, và quyết định của nhà nước Việt Nam không đi nhanh như chúng ta mong mỏi nhưng nhìn chung chính sách đầu tư của Việt Nam giờ đây đã thoáng hơn trước ».

Một nỗ lực khác của Việt Nam được các doanh nhân Pháp nhìn nhận đó là Kinh tế nước này còn tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế - chẳng hạn như Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đang bắt đầu thảo luận về các hình thức hợp tác để trong tương lai tiến đến một hiệp định tự do mậu dịch- cho nên Việt Nam đang cố gắng để thích nghi với luật chơi chung của quốc tế.

Trong phần trình bày về những ưu điểm của Việt Nam, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại TP HCM đã đề cao thị trường 87 triệu người tiêu dùng của Việt Nam, Việt Nam cũng là nơi có dân số trẻ và năng động. Nhưng yếu tố dân số này cũng cũng là một thách thức đối với Việt Nam.

Cuối cùng liên quan đến vấn đề hạ tầng cơ sở, Jean Louis Poli ghi nhận đây là một nhược điểm của Việt Nam nhưng theo ông thiếu sót đó cũng có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến thị trường Việt Nam :

 « Đương nhiên thách thức lớn của Việt Nam hiện này là giải quyết yếu kém về hạ tầng cơ sở ở ba cấp khác nhau : một liên quan đến hệ thống cung cấp năng lượng, một liên quan đến vấn mạng lưới cầu đường, giao thông, và thứ ba là nhu cầu đô thị hóa.

Trước sức ép dân số, cộng thêm với chính sách công nghiệp hóa đất nước, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng lớn. Hiện tại, năng lượng Việt Nam chỉ đủ để bảo đảm cho 85% nhu cầu nội địa. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang cần mở rộng hệ thống cung cấp năng lượng, trông đợi nhiều vào việc sử dụng khí đốt và dùng thêm than đá.

Đồng thời thì Việt Nam cũng phải hướng đến các loại nhiên liệu sạch và tất nhiên là các doanh nghiệp phương tây có chỗ đứng trên thị trường này.

Một nhược điểm khác nữa của Việt Nam là khẩu chuyên chở hàng hóa còn yếu kém. Người ta thường nói ở Việt Nam  khâu sản xuất dễ thực hiện hơn là khâu phân phối. Điều này rất chính xác. Hiện tại Việt Nam chủ yếu chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ, trong tương lai quốc gia này cần phải khai thác thêm nữa những hải cảng, để hàng sản xuất được chuyển đi trong một thời gian ngắn nhất đến tay các nhà phân phối, đến tay người tiêu dùng ».

Là một cuộc họp chủ yếu để khuyến khích các doanh nhân Pháp tìm đến với một thị trường có tiềm năng phát triển cao, thông qua "Tuần lễ Pháp tại Hà Nội" dự trù vào cuối tháng 11 sắp tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris cùng với các đối tác kinh tế phía Pháp nhấn mạnh đến thành tựu kinh tế, đến tiềm năng tăng trưởng của nước này nhiều hơn là đến những yếu kém của Việt Nam.

Chẳng hạn như trong phần trình bày vấn đề tham nhũng ở Việt Nam đã không thấy nhắc đến.