Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

NHỊP CẦU TRI ÂM

Lời tri ân thính giả sau nhiều năm phát sóng "Nhịp Cầu Tri Âm"

  Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 17/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày  18/02/2010 10:52 TU

Sau gần 20 năm gắn bó với làn sóng điện của Ban Việt ngữ RFI, hôm nay, Ánh Nguyệt xin tạm biệt tất cả những thính giả lâu nay đã theo dõi chương trình của đài, đặc biệt với những thân hữu đã dành cho ban biên tập nói chung, Ánh Nguyệt nói riêng, nhiều tình cảm quý mến.

Tạp chí Nhịp cầu tri âm

17/02/2010

Trong khoảng thời gian dài làm việc cho Ban Việt ngữ RFI, chúng tôi luôn cố gắng giữ đúng tâm nguyện đóng góp với đời những điều tốt lành của nghề báo chí. Đôi khi không tránh khỏi sơ suất nghề nghiệp, làm phiền lòng thính giả, có vị đã biên thư hoặc gọi điện thọai góp ý, phê bình. Những góp ý đó, dù xuất phát từ thiện ý hay không, chúng tôi vẫn lắng nghe để tìm hiểu, sửa chữa nếu được. Đôi lúc gặp người đồng điệu, thật là hạnh phúc.

Những năm sau này, do phụ trách tạp chí Nhịp cầu tri âm, và trước đó, chương trình Người Việt khắp nơi những năm 2002-2003 chúng tôi càng có thêm cơ hội làm quen và tìm hiểu về tâm tình của nhiều người Việt, đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi lứa tuổi, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tại nhiều nơi trên thế giới. Những mối quan hệ công việc này càng làm cho đời sống nghề nghiệp phong phú thêm lên. Nhân dịp này, Ánh Nguyệt xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị đã từng nhận trả lời phỏng vấn.

Trong đời làm báo có biết bao là cơ hội gặp gỡ những nhân vật đáng yêu, đáng kính. Nhờ làn sóng RFI chúng tôi được gặp lại và học hỏi thêm nhiều điều ở giáo sư Vũ Quốc Thúc, người thầy kính mến từ những ngày theo học ở trường Đại học Luật khoa Sài Gòn. Cũng từ RFI, chúng tôi có dịp làm quen với những bậc đàn anh trong làng báo Việt Nam như ông Nguyễn Ngọc Linh, anh Nguyễn Ngọc Bích, anh Phạm Trần, hay những phóng viên kỳ cựu của ngành truyền thông Sài Gòn trước 1975, các anh Thiên Ân, Lê Phú Nhuận.  

RFI tạo cơ hội cho chúng tôi được trò chuyện với giáo sư Trịnh Xuân Thuận người đã lý giải những biến đổi của bầu trời tinh tú bao la với nhãn quan bàng bạc triết lý đạo Phật. RFI cũng mời được cựu dân biểu Nguyễn Trọng Nho, chánh án Việt Nam đầu tiên của tòa thượng thẩm California tại quận Cam thuật lại những ngày đầu hội nhập đày gian khó của cá nhân ông và cũng là hình ảnh phấn đấu của hàng triệu người Việt đã đi tìm cuộc sống mới nơi đất khách, quê người. 

Đài RFI cũng là nhịp cầu đưa chúng tôi đến với những bạn bè ở Hoa Kỳ và Canada nặng lòng với tương lai con sông Mekong và nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt nhà văn – bác sĩ Ngô Thế Vinh là người đã đi và sống với nhịp sống của con sông này qua những vùng lãnh thổ khác nhau. Cũng không thể quên ánh mắt thật thà của em Trần Quốc Dũng ở Bangkok, sống với thu nhập ít oi, bán những chiếc xe tuktuk đồ chơi làm bằng vỏ lon bia do em làm ra nhưng cũng cố dành dụm gởi tiền về nuôi cha mẹ già ở Việt Nam.

Rồi còn những bạn lao động trẻ Việt Nam đang gặp gian nan trên đất Tiệp giá lạnh mùa đông, sống lây lất trong sự đùm bọc của những đồng hương giàu tình nhân ái, một cộng đồng người Việt tại Paris coi đội ngũ phóng viên RFI như người thân gia đình, sẵn sàng đóng góp cho sự tồn tại của Ban Việt ngữ mỗi khi có sóng gió đe dọa. Rất nhiều những câu chuyện, những tâm tình kể hoài không hết mà gần 20 năm góp tiếng nói trên RFI chúng tôi đã góp được.

Chia tay với thính giả thân yêu, lòng không khỏi bâng khuâng. Cuộc sống có bắt đầu tất có kết thúc. Nhưng mong sao tấm thạnh tình đẹp đẽ lâu nay mà quý thính giả đã trao tặng sẽ như dòng sông vô thủy, vô chung