Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Hà Nội thời 1000 năm Thăng Long dưới mắt một nhà báo Pháp

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 09/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  09/03/2010 16:58 TU

Quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội (Ảnh : RFI/Đức Tâm)

Quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội
(Ảnh : RFI/Đức Tâm)

Nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, phụ trang về du lịch của tờ Le Figaro đã dành trọn hai trang báo với nhiều ảnh màu để giới thiệu với độc giả Pháp một thành phố Hà Nội mà đặc phái viên François Simon mô tả là thành phố « hấp dẫn và huyền bí hơn bao giờ hết », sau nhiều lần thay da đổi thịt.

Dưới tựa đề « 48 tiếng đồng hồ tại Hà Nội theo nhịp điệu của đường phố », bài phóng sự của François Simon đã mở đầu như sau : « Thành phố này phải nằm trong ký ức tập thể của chúng ta. Nó có một sức ma lực thần diệu khiến cho ta bị thôi miên ở ngay giữa một đại lộ trong dòng xe xích lô lướt trôi như một đàn cá. .. ».

Nhắc lại sự hình thành của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, tác giả bài báo tự hỏi là làm cách nào Hà Nội đã từng bị dội bom, bị hư hại vì chiến tranh lại có thể trở thành ngày nay một thành phố ồn ào, rung động và tràn đầy nhựa sống.

Đối với phóng viên của Le Figaro, khám phá Hà Nội ngày nay là một bài học về cuộc sống, về quy hoạch đô thị. Dân chúng làm đủ mọi công việc ở ngoài đường : từ cắt tóc, đánh răng, súc miệng đến tổ chức tang lễ. Và người ta cũng hôn nhau ở ngoài phố, ít nhất là chung quanh bờ hồ.

Ăn uống ở ngoài đường : một nét hiện đại của Hà Nội

Điều mà Francois Simon nhận thấy là nét hiện đại của Hà Nội mà cả thế giới sắp tới đây sẽ bắt chước : đó là ăn uống ở ngoài đường.

Món phở là một món ăn tập hợp tất cả những gì mà người phương Tây tìm kiếm từ bấy lâu nay một cách chưa rõ ràng : một thức ăn giản dị, bổ khoẻ, cân bằng, lành mạnh, nhanh chóng và không đắt tiền. « Đến nỗi mà nó làm cho chúng ta cảm thấy gần như không thoải mái tại những tiệm ăn sang trọng, nơi mà du khách cười to vì thấy giá cả không là bao ».

Nhưng Hà Nội không chỉ tóm gọm trong một bữa ăn. Nó còn là một thành phố sáng ngời qua nhiều ngõ ngách với những hình ảnh đến từ phim « Apocalypse Now », từ những quyển truyện của Marguerite Duras hay của Somerset Maugham v.v…

Chấm dứt bài ca ngợi những nét độc đáo của Hà Nội, François Simon viết : «  Hà Nội là một thành phố đi tìm kiếm mình, đang trăn trở trên giường và đang ẩn mình để có thể ngủ một mình ».

Theo Le Figaro hiện nay dân số của Hà Nội là hơn 3 triệu người.

Hành trình của một du khách chỉ có 48 tiếng đồng hồ ở Hà Nội bắt đầu từ ngày đầu tại khách sạn Metropole thuộc hệ thống khách sạn Sofitel, nơi mà biết bao nhân vật lẫy lừng như các nhà văn, các nhà báo chiến trường đã để lại dấu vết. Sau đó đến Viện bảo tàng Dân tộc học, được khai mạc năm 1997 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ. Nơi này thể hiện một cách tuyệt vời sự đa dạng của Việt Nam với 54 dân tộc.

Chả cá Lã Vọng : một thử nghiệm không nên bỏ qua

Du khách ngoại quốc cũng không nên quên dừng lại phố Hàng Gai để mua lụa là và may sắm quần áo. Rồi đến tối du khách đến tiệm Chả Cá Lã Vọng để "thử nghiệm một trong một ngàn kinh nghiệm trong cuộc đời." Do có nhiều tiệm ăn mang tên Chả Cá Lã Vọng, nhà báo Le Figaro dặn là phải đến đúng tiệm số 14.

Sau bữa ăn tối du khách có thể đi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, vừa đi vừa thưởng thức một loại kem mua tại quán Fanny.

Ngày thứ hai tại Hà Nội  mở đầu bằng một cuộc đi dạo chợ Đồng Xuân, độc đáo với một lối kiến trúc từ thời xa xưa, gồm nhiều tầng dành cho nhiều sản phẩm khác nhau như trái cây, chè, giầy dép, vật dụng điện tử …

Đến trưa, du khách phải ăn ở ngoài đường để khám phá một cuộc sống sôi sục với đủ mọi hàng quán, một cảnh tượng thật hào hứng và đối với những ai can đảm thì nên thử qua một lần trong đời món thịt chó. Tuy nhiên phóng viên Le Figaro nói thêm đây là một kinh nghiệm không cần thiết.

Đến cuối ngày du khách có thể chọn một tiệm ăn Tây phương, nổi tiếng nhất là tiệm của ông Didier Corfou, một đầu bếp say mê nghệ thuật nấu ăn Việt Nam và say mê Việt Nam.

Pháp khuyến khích năng lượng hạt nhân 

Hôm qua tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chủ trương là tất cả các quốc gia trên thế giới phải được các cơ quan tài chính quốc tế giúp đỡ để xây lò phản ứng hạt nhân.

Do vậy mà hôm nay, dưới hàng tựa lớn « Nước Pháp muốn khuyến khích việc phát triển ngành hạt nhân dân sự », tờ La Croix nhận thấy là « nền ngoại giao hạt nhân chung quanh nguyên tử dân sự có một tươi lai sáng ngời ».

Dù sao đi nữa thì đó là cảm nhận của các lãnh đạo Pháp đã đứng ra tổ chức tại Paris, trong hai ngày, hôm qua và hôm nay, một hội nghị quốc tế về hạt nhân dân sự với sự hợp tác của Cơ quan Quốc tế về Năng lượng Nguyên tử, gọi tắt là AIEA. 65 quốc gia tham dự hội nghị với sự hiện diện của khoảng 40 bộ trưởng.

Ngành nguyên tử dân sự đang từng bước khôi phục lại vị trí sau một thời gian bị gạt qua một bên do tai nạn xảy ra tại Three Mile Island ở Hoa Kỳ năm 1979 và vụ Tchernobyl ở Ukraina năm 1986, khiến cho việc xây cất đa số các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới bị ngưng lại.

Ngày nay tình hình đã thay đổi : theo cơ quan AIEA, từ nay đến năm 2030, sẽ có khoảng 450 lò phản ứng sẽ được xây cất rải rác trên 31 nước, nghĩa là gấp đôi so với tình hình hiện nay.

Báo La Croix cho biết là có nhiều quốc gia đang tìm cách phát triển hay đẩy mạnh trở lại chương trình hạt nhân dân sự để hạn chế sự lệ thuộc vào các năng lượng như là than, dầu hỏa hay khí đốt và qua đó giảm thải ra khí carbonic. Đó là trường hợp của một số nước Á châu như là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Philippin, Thái Lan và Malaysia.

Theo tờ La Croix, sự năng nổ của ông Sarkozy tất nhiên nhắm mục tiêu hỗ trợ cho ngành hạt nhân Pháp trong lĩnh vực xuất khẩu với các tập đoàn EDF, Alstom và Areva. Riêng tập đoàn sau cùng này đã thiết lập được lò phản ứng hạt nhân EPR tại Phần Lan, Trung Quốc và Anh Quốc và sắp tới đây tại Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Về phần Việt Nam, xin nhắc lại là ngày mùng 4 tháng 3 vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ Pháp và Việt Nam về việc phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đã được ký kết tháng 11 năm ngoái tại Hà Nội.

Ngày Quốc tế Phụ Nữ và vai trò của nữ giới tại châu Á

Tại châu Á tờ Indian Express đưa tin là quốc hội Ấn Độ phải biểu quyết hôm nay về dự luật dành 33% ghế đại biểu quốc hội cho nữ giới. Trên nguyên tắc dự luật phải được biểu quyết hôm qua nhưng vì có sự phản đối quyết liệt của một số đảng chính trị mà thành viên lo sợ sẽ bị mất ghế đại biểu cuộc bỏ phiếu phải dời lại hôm nay.

Còn tờ Times of India thì đưa tin là « nỗi sợ đang bao trùm lên các hàng ghế đại biểu phái nam ».

Xã luận của tờ Korean Herald đề cập đến vai trò và vị trí của phụ nữ Hàn Quốc trong xã hội.

Các con số thống kê của năm nay cho thấy là có 82,4% nữ sinh Hàn Quốc tốt nghiệp trung học bước vào đại học, cao hơn tỷ lệ 81,6%  nam sinh tiếp tục theo học bậc đại học sau khi có bằng trung học. Mới cách nay hai thập niên tỷ lệ nữ sinh bước vào đại học chỉ hơn 32%.

Theo tờ Korean Herald, sự thành công của phụ nữ Hàn Quốc trong lĩnh vực nghề nghiệp chủ yếu dựa vào nỗ lực cá nhân chứ nó không nói lên một sự thay đổi trong xã hội Hàn Quốc.

Qua những kiến nghị gửi đến Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, người ta nhận thấy là « phụ nữ vẫn bị đánh đập, bị sách nhiễu tính dục, bị nhục mạ nơi công cộng, bị lạm dụng thể xác và tinh thần và bị thiệt thòi khi đi tìm việc làm ».