Mai Vân
Bài đăng ngày 15/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 15/03/2010 17:01 TU
Sẵn sàng đi tìm một việc làm khác. Ảnh chụp công nhân trẻ ở Đông Quan, Quảng Đông, ngày 09/03/2010
(Ảnh : Reuters)
Tác giả bài báo đã mô tả cảnh một cơ quan tìm kiếm và thu dụng công nhân cho các xưởng, nhà máy ở đặc khu kinh tế này : Thông báo tìm nhân công chồng chất, có xưởng tìm từ 30 đến 50 lao động, có nơi khác thì cần tới từ 300 đến 400 người, thậm chí có nơi phải tuyển thêm 2000 công nhân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đồng lương công nhân nhận được quá thấp. Nhà máy thường chi trả tiền ăn ở cho công nhân, nhưng lại trừ chi phí này vào trong lương. Cuối tháng, công nhân chỉ còn nhận được khoảng 40, 50 euros, tức là vỏn vẹn 1/4 tiền lương họ được thông báo. Ngoài ra, thông thường công nhân được trả lương theo sản phẩm, trong lúc giới lãnh đạo và chủ nhà máy thì lại tùy nghi quyết định về mức lương.
Theo một chuyên gia về lao động ở Thâm Quyến được Le Monde trích dẫn, mô hình tuyển dụng, trả lương công nhân theo kiểu đó hiện không còn thích hợp nữa. Vì không thương lượng được tiền lương, công nhân không muốn ở lại lâu tại một nơi cố định, nhất là giới trẻ. Họ dễ nản chí, hoặc là xoay qua lãnh vực dịch vụ hoặc là trở về nông thôn.
Bài báo trích dẫn một vài ví dụ. Một thanh niên 19 tuổi, quê Hà Nam, sau 12 ngày làm việc tại nhà máy, đã tuyên bố sẽ tìm một nơi làm việc khác. Một thanh niên thứ hai, 25 tuổi, đến từ Mãn Châu, sau 4 ngày tàu hoả, anh khám phá ra rằng mình chỉ được lãnh có 1/4 lương đã hứa hẹn. Anh dứt khoát cho biết sẽ không làm việc lâu trong nhà máy, vì không đáng đồng tiền bát gạo. Anh sẽ tìm một công việc khác, như đi làm trong nhà hàng hoặc làm nghề cắt tóc chẳng hạn. Những ví dụ trên tất nhiên không phải là trường hợp cá biệt.
Áo Đỏ nhạt mầu tại Bangkok
Một quốc gia Châu Á khác cũng được báo Pháp chú ý hôm nay, đó là Thái Lan với cuộc biểu tình của phe Áo đỏ tại thủ đô Bangkok vào hôm qua. Dưới tựa đề ''Áo đỏ bị phai màu ở Bangkok'', Libération ghi nhận là rốt cuộc số người về biểu tình ít hơn dự kiến rất nhiều. Chỉ có khoảng 100.000 người thay vì con số 1 triệu mà giới lãnh đạo phong trào Áo Đỏ từng loan báo là họ sẽ huy động được.
Mở đầu bài báo, Arnaud Dubus, phóng viên Libération trích dẫn một nữ giáo viên về hưu đã tham gia cuộc biểu tình. Giải thích lý do bà xuống đường, bà cho biết là tại đất nước Thái Lan có hai công lý : một số người thuộc giới ưu tú, dù có làm gì đi chăng nữa thì vẫn không bị đưa ra trước toà án, trong lúc những người thấp cổ bé miệng như bà, chỉ cần vi phạm luật, dù nhẹ, nhưng lập tức bị trừng trị nặng nề. Bà cương quyết ở lại phản đối cho đến khi nào chính quyền của thủ tướng Abhisit bị lật đổ.
Theo tác giả bài báo, đông đảo những người Áo Đỏ, đến từ vùng nông thôn miền Đông Bắc Thái, rất trung thành với cựu thủ tướng Thaksin. Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ ông Thaksin, họ còn muốn tố cáo điều mà họ cho là tính chất bất công trong xã hội Thái. Đối với họ, chỉ có một tầng lớp duy nhất ở Thái Lan được hưởng đặc quyền : tướng lãnh quân đội, lãnh đạo hành chính, giới thân cận hoàng cung. Rõ ràng là xã hội Thái thiếu công lý.
Tuy nhiên theo Arnaud Dubus, trước tình trạng số người biểu tình huy động được hôm qua (14/3) ít hơn mong đợi, giới lãnh đạo phe Áo Đỏ đã phải thay đổi chiến thuật, không tập trung tại một địa điểm, mà đe doạ rải người biểu tình của họ ra khắp thủ đô nếu chính quyền không giải tán Quốc Hội.
Le Figaro cũng theo dõi cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ. Trích dẫn giới quan sát, tờ báo nêu bật là chính cảm nhận bất công trong xã hội Thái Lan đã đẩy những người Áo Đỏ xuống đường hơn là mong muốn ủng hộ ông Thaksin.
Trích dẫn giáo sư Aphornsuvan, Đại học Thammasat, Bangkok, Le Figaro ghi nhận rằng dù không đạt được số 1 triệu người biểu tình như họ từng tuyên bố, nhưng phe Áo Đỏ đã thành công ở chỗ là chưa bao giờ mà người dân nông thôn lại lên biểu tình đông đảo ở Bangkok như lần này để nêu bật những yêu sách về mặt chính trị.
Bài báo còn mô tả cảnh cư dân Bangkok lo ngại bạo động trước những tin đồn nào là phe Áo Đỏ đã tuyển mộ lính đánh thuê, đang nằm chờ ở biên giới Thái Lan - Cam Bốt, nào là vũ khí được lén lút đưa vào Bangkok. Nhiều người dân đã đóng kín cửa và tích trữ lương thực. Đề tài truyền miệng tại thủ đô Thái Lan là tài sản của ông Thaksin còn bao nhiêu, cất giấu ở đâu, ở đảo Fidji, hay đầu tư vào các mỏ vàng ở Swaziland. Đối với giới trung lưu ở Bangkok, sự ổn định của Thái Lan tùy thuộc vào số tài sản mà vị cựu thủ tướng có trong tay.
Kết quả bầu cử Pháp : cánh tả vươn lên, tỷ lệ vắng mặt kỷ lục
Chủ đề mà toàn thể báo giới Pháp quan tâm vào hôm nay, dành tựa trang nhất cũng như nhiều trang báo bên trong, là kết quả vòng đầu cuộc bầu cử cấp vùng ở Pháp diễn ra hôm 14/3. Từ ngữ sử dụng có khác nhau đôi chút, tùy theo xu hướng thiên tả hay thiên hữu của mỗi tờ báo, nhưng nội dung đều có thể tóm lược như qua hàng tựa của nhật báo thiên hữu Le Figaro : cánh tả vươn lên, tỷ lệ không đi bầu ở mức kỷ lục.
Ở trang trong, Le Figaro nhận định tình hình sau cuộc bỏ phiếu : thất bại đối với đảng cầm quyền UMP, đảng Xã Hội trong thế mạnh, đảng cực hưũ Mặt Trận Quốc Gia FN trong thế phá rối. Theo Le Figaro, các cử tri đã rút thẻ vàng cảnh cáo ngành hành pháp.
Còn hướng tới vòng hai vào chủ nhật sắp đến, Le Figaro nhắc lại là các cuộc thương lượng, tìm thoả hiệp giữa các đảng, như giữa đảng Xanh và Xã Hội, hay công cuộc vận động cử tri đã khởi sự ngay từ tối hôm qua. Le Figaro cảnh báo là cánh hữu chỉ có 8 ngày để tránh đại bại, trong khi mà cánh tả vẫn giữ nguyên cơ may thành công.
Nhưng điều quan trọng cần rút ra trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, là chưa bao giờ, trong một cuộc bầu cử cấp vùng tỷ lệ người không đi bầu xuống đến mức thấp kỷ lục như vừa qua : hơn 53%, cao hơn 10% so với các lần bầu cử trước.
Về nguyên nhân, Le Figaro nhận thấy là khác với những lần trước đây, cuộc bầu cử cấp vùng năm 2010 không đi kèm với một cuộc bầu cử khác, và lại diễn ra trong bối cảnh khó khăn kinh tế xã hội. Trong tình hình khó khăn đó, người Pháp trông chờ vào các biện pháp cấp chính phủ hơn là ở cấp vùng, mà vai trò cũng không được hiểu rõ.
Tờ La Croix cũng đưa ra cùng nhận định trong bài xã luận, và còn nêu bật yếu tố mất lòng tin của cử tri đối với tầng lớp chính trị, bị cho là không hữu hiệu trước khủng hoảng. Đối với La Croix, rõ ràng là cử tri Pháp sẵn sàng đi bỏ phiếu khi thấy là quan trọng, như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007. Thế nhưng, họ thờ ơ với những cuộc bầu cử họ cho là thứ yếu.
Theo La Croix, cho dù như vậy, nhưng lá phiếu hôm qua cũng cho thấy nhiều điều : trước tiên đó là lời chỉ trích đối với chính phủ, và nêu bật tình thế khó khăn của tổng thống Sarkozy và êkíp của ông. Mặt khác, cánh cực hữu có dấu hiệu vươn lên trở lại, ở một mức khả dĩ và có thể chiếm nhiều vùng. Tuy nhiên La Croix nhắc lại là chưa có gì chắc chắn vào chủ nhật tới đây. Các đảng Xã Hội, đảng Xanh và những đảng khác phải tìm kỳ được thỏa hiệp.
Điểm báo
16/03/2010 19:22 TU
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO