Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHÂU Á

Báo chí Trung Quốc bị bịt miệng kể cả khi đồng ý với chính quyền

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 12/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  13/03/2010 09:56 TU

Bầu cử cấp vùng tại Pháp ngày chủ nhật 14/3 là đề tài nổi cộm trên các tờ báo Paris hôm nay. Về châu Á, Le Monde trở lại chủ đề Bắc Kinh gia tăng kiểm duyệt báo chí Trung Quốc với một nghịch lý : các nhà báo có thể bị kỷ luật ngay cả khi họ nói về một đề tài đã từng được giới lãnh đạo nêu lên, chỉ vì đấy là một đề tài «nhạy cảm».

Thông tín viên của Le Monde từ Bắc Kinh nêu lên trường hợp cụ thể của 13 tờ báo Trung Quốc hôm 1/3 vừa qua đã đăng chung một bài xã luận kêu gọi chính quyền bãi bỏ chế độ hộ khẩu vì bị coi là quá « bó buộc, đi ngược lại với Hiến pháp và vi phạm nhân quyền ».

Chế độ hộ khẩu : đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc

Ngay lập tức, bài xã luận này đã bị rút xuống khỏi các trang báo điện tử. Tổng biên tập của các tờ báo này cho biết họ đang bị kỷ luật.

Chẳng hạn như phó tổng biên tập tuần báo kinh tế Economic Observer tại Bắc Kinh từ nay trở đi chỉ còn tự giới thiệu mình là « một nhà quan sát độc lập ». Le Monde ghi nhận : điều đó chúng tỏ là nhân vật này vừa bị cách chức.

Còn theo tiết lộ của một tờ báo đặt trụ sở tại Hồng Kông, chiến dịch hù dọa nhắm vào báo giới không chỉ dùng lại ở cấp tổng biên tập, mà còn nhắm đến cả những cán bộ kiểm duyệt của Nhà nước, đã để sót những bài nhạy cảm như trên !

Điều khó hiểu hơn hết là đề tài mà xã luận của 13 tờ báo Trung Quốc đã đăng tải hôm đầu tháng không có gì mới mẻ và cũng không phải là một chủ đề cấm kỵ, khi bản thân thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã từng coi đây là một vấn đề mà chính quyền cần phải giải quyết. Ông này đã nhìn nhận rằng, "chế độ hộ khẩu của Trung Quốc cần phải phù hợp với thực tế kinh tế và xã hội" của ngày hôm nay.

Những hành động tập thể, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh

Theo giải thích của Le Monde thái độ cứng rắn nói trên của Bắc Kinh đối với báo giới chẳng qua là vì bài xã luận đòi bãi bỏ chế độ hộ khẩu này được tung ra trước khi khai mạc khóa họp thường niên của Quốc hội và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân.

Bên cạnh đó việc 13 tờ báo cùng lên tiếng, đăng cùng một bài xã luận là một hành động tập thể, là một tín hiệu mạnh, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thì rất lo ngại trước những hành động tập thể như vậy. Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên mà các tờ báo đồng thanh lên tiếng trên một đề tài xã hội nhạy cảm, mà điển hình là vấn đề hộ khẩu.

Thái Lan và chuyện dài nhiều tập Thaksin

Nhìn đến phần thời sự nổi bật ở Châu Á, đương nhiên cuộc biểu tình rầm rộ ở Bangkok của phe "áo đỏ" ủng hộ cựu thủ tuớng Thái Lan, Thaksin chiếm trang nhất của các tờ The Nation và Bangkok Post.

Ngoài các bài tường thuật về diễn tiến các cuộc biểu dương lực lượng giữa một bên là rừng người áo đỏ và bên kia là 50 ngàn binh lính và cảnh sát để bảo đảm an ninh, tờ Bangkok Post ghi nhận « dân chúng Bangkok nín thở » chờ cho làn sóng áo đỏ này đi qua và đang cầu mong không xảy ra bạo động.

Về phần The Nation tập trung nói về hiện tượng phe ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin đã huy động người biểu tình như thế nào : số này là một trăm ngàn, như nguồn tin chính phủ cho biết,hay là sáu trăm ngàn như dự báo của ban tổ chức ? Chưa thể biết được một cách đích xác.

Chỉ biết rằng, phe ủng hộ Thaksin từ nhiều ngày qua đã đưa "người người lớp lớp" từ các vùng quê lên thành phố, họ đã huy động nông dân và học sinh quy tụ về Bangkok để tham gia các cuộc biểu tình từ hôm nay cho đến hết ngày chủ nhật sắp tới, một cuộc biểu dương lực lượng mà tờ báo gọi là « một chuyện dài nhiều tập » trên chính trường Thái Lan.

2009, một năm đen tối với người lao động ở Pháp

Rời khỏi châu Á để quay trở về với thời sự nước Pháp : L'Humanité trở lại với con số 322 ngàn người bị mất việc trong năm 2009 chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Hiện tượng mà tờ báo gọi là « xuất huyết » trên thị trường lao động.

Được công bố ba ngày trước cuộc bầu cử cấp vùng, con số nói trên khiến cử tri phải suy nghĩ và là một điềm không hay cho đảng UMP đang cầm quyền.

Libération thì nói đến một « kỷ lục đen tối » đối với giới làm công ăn lương. Les Echos nhìn rộng hơn khi đưa ra con số : 600 ngàn chỗ làm bị xóa bỏ từ đầu khủng hoảng kinh tế đến nay, chỉ riêng tại Pháp.

Riêng phụ trang kinh tế của báo Le Figaro chỉ đưa tin này trong một cột nhỏ, cho dù ai cũng biết vấn đề cơm áo gạo tiền bao giờ cũng là một đề tài thiết thân đối với độc giả.

Ở phần trang chính, tờ báo đăng bức ảnh lớn của Nicolas Sarkozy, mở diễn đàn cho tổng thống Pháp trình bày về đường lối lãnh đạo trong những tháng tới. Nói cách khác chủ nhân điện Elysée như thể đang chuẩn bị dư luận cho thời kỳ hậu bầu cử cấp vùng!

Pháp chuẩn bị đón sinh viên ngoại quốc

Nếu là một sinh viên có lẽ bạn sẽ chăm chú đọc bài báo của Le Figaro mang tựa đề « Nước Pháp đang chuẩn bị đón một làn sóng sinh viên ngoại quốc sang du học », chủ yếu là sinh viên châu Á.

Đến năm 2015, trên toàn thế giới sẽ có 200 triệu sinh viên và ba phần tư trong số đó là sinh viên châu Á.

Với dân số hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc mỗi tuần phải xây dựng thêm một trường đại học với khả năng đón nhận 20 ngàn sinh viên để đáp ứng nhu cầu.

Rất đông sinh viên châu Á muốn được sang Pháp du học. Số sinh viên ngoại quốc sang Pháp tu nghiệp trong 10 năm nữa sẽ tăng lên gấp ba so với hiện nay (750 000 người thay vì 250 000) và nước Pháp đang chuẩn bị để đón nhận số học viên mới đó !