Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Google-Trung Quốc, một cuộc đọ sức tay đôi

  Thanh Hà

Bài đăng ngày 18/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  18/03/2010 15:33 TU

Trụ sở công ty Google tại Bắc Kinh (Reuters)

Trụ sở công ty Google tại Bắc Kinh (Reuters)

Trước 99% khả năng Google dời khỏi Trung Quốc, Libération chạy hàng tựa nổi bật trên trang nhất « Google chống Trung Quốc, cuộc chiến trên máy vi tính ». Bên cạnh là một ông Trung Quốc to lớn bịt miệng thằng nhỏ Google.

Ở phần trang trong, trước khi nêu lên câu hỏi điều gì sẽ xảy ra cho 400 triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc một khi Google với tên miền Google.cn không còn hoạt động, tờ báo trình bày lại vấn đề : ngày 13/1 Google tuyên bố ý định rút lui khỏi Trung Quốc với lý do tập đoàn này là nạn nhân của các vụ tấn công tin học và bị đội ngũ công an cyber của Trung Quốc kiểm duyệt.

Thoạt đầu Bắc Kinh có vẻ choáng váng sau lời tuyên chiến của công cụ tìm kiếm trên mạng uy tín nhất thế giới này, nhưng nay thì Trung Quốc dường như đang muốn đẩy Google của Mỹ ra khỏi biên giới.

Xã luận của Tân Hoa Xã trong tuần nhận định : "việc Google rút lui hay không khỏi thị trường Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Có Google hay không thì internet của Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phát triển như từ trước đến nay". Nhật báo Gobal Times chế diễu "Google tự coi mình là người hùng bảo vệ tự do và dân chủ".

Về phần mình Bắc Kinh còn ra điều kiện khi cho rằng dù có đi khỏi Trung Quốc thì Google cũng phải ra đi đúng theo luật lệ của nước này.

Khả năng Google.cn ngưng hoạt động đang khiến các đối tác của tập đoàn này tại Trung Quốc lo ngại : 27 hãng quảng cáo làm việc với Google.cn kêu gọi công ty mẹ phải bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng trong trường hợp cổng vào này thực sự đóng cửa.

Trên thực tế từ khi khai chiến hôm 13/1 vừa qua đến nay, Google tiến hành đàm phán với phía chính quyền Trung Quốc nhưng câu hỏi Libération đặt ra là đôi bên có gì để thương lượng với nhau ?

Trung Quốc không ngừng củng cố mạng lưới công an trên internet. Bắc Kinh không có ý định để cho Google hay bất kỳ một công ty nào phá vỡ thành trì kiên cố trong chính sách kiểm duyệt mà Trung Quốc đang muốn áp đặt với các công cụ tìm kiếm trên mạng khác như Yahoo và Microsoft. Cả hai cùng đang muốn chen chân vào thị trường hơn 380 triệu người sử dụng internet tại nước đông dân nhất địa cầu.

Thiệt hại cho 40% người sử dụng internet Trung Quốc

Toàn cảnh cyber của Trung Quốc sẽ ra sao khi thiếu vắng địa chỉ Google.cn ?

Theo tác giả bài báo có hai khả năng, nếu Google nặng tay tức hủy toàn bộ các chức năng « tự kiểm duyệt » thì 700 cộng tác viên của tập đoàn này đang làm việc tại quê hương của Mao Trạch Đông có khả năng bị chính quyền sách nhiễu với lý do vi phạm pháp luật. Ngoài ra đội ngũ công an trên mạng của Trung Quốc thừa sức phá hoại địa chỉ google.com của công ty Mỹ này.

Khả năng thứ hai là Google ra đi một cách êm thắm thì có lẽ người sử dụng internet từ Trung Quốc vẫn có thể truy cập vào địa chỉ với tên miền .com nếu như không đụng vào những từ khóa nằm trong danh sách húy kỵ của Bắc Kinh.

Dù ra đi dưới hình thức nào, đây cũng sẽ là một sự thiệt thòi đối với 40% các nhà sử dụng internet Trung Quốc vốn có thói quen tìm kiếm thông tin trên địa chỉ của Google.

Trong xã luận Libération nhấn mạnh đến sự kiện Google là tập đoàn duy nhất của phương Tây đã cưỡng lại luật chơi do Bắc Kinh áp đặt với tất cả những công ty nào muốn vào Trung Quốc hoạt động. Tờ báo tán đồng lập trường của Google và nhận thấy đây là một việc làm xứng đáng để giới sử dụng mạng internet và ở những cấp cao hơn ủng hộ

Nhân dân tệ trước sức ép của phương Tây

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, đơn vị tiền tệ của nước thu hút chú ý của nhiều tờ báo Pháp hôm nay : nhân dân tệ trước áp lực của cộng đồng quốc tế.

Trong phần trang kinh tế Le Figaro lưu ý, sau Hoa Kỳ đến lượt Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và châu Âu đòi Bắc Kinh nâng giá đồng yuan. Nhưng chắc chắn một điều theo phân tích của tờ báo là "ông khổng lồ Trung Quốc sẽ không chấp nhận để bất kỳ một ai lên tiếng dậy đời đối với Bắc Kinh".

Le Monde trong bài xã luận xem cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh chung quanh vấn đề tiền tệ là "khúc dạo đầu của những xung đột về kinh tế trong thế kỷ 21"