Thanh Thủy
Bài đăng ngày 10/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 10/03/2010 18:27 TU
Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ là nơi chịu tác hại nhiều nhất từ các đập thủy điện trên thượng nguồn
(Ảnh : Nguyễn Thạch)
Theo tờ báo, từ một thập niên qua, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc trên sông Mékông và giờ đây với cuộc sống của hàng triệu người bị tác động, vấn đề trở nên khẩn trương.
Trung Quốc đã đơn phương quyết định xây tám đập thủy điện trên sông Mêkông và trong số này bốn đập đã đi vào hoạt động.
Hiện nay về mặt khoa học chưa có gì chứng minh các đập của Trung Quốc đã gây ra một cách trực tiếp hay gián tiếp sự kiện sông Mêkông bị cạn nước.
Tuy nhiên vấn đề chính đối với tờ The Bangkok Post là những lời đính chính thương xuyên rất yếu ớt từ phía các quan chức Trung Quốc.
Tờ báo nhắc lại là sông Mêkông bắt nguồn tại Trung Quốc, chảy qua sáu quốc gia và có tác động khá lớn đối với kinh tế, văn hóa và lối sống của người dân tại các quốc gia này.
Hoạt động trên sông Mêkông thay đổi từ khi Trung Quốc xây đập
Có thể nói là đời sống của nông dân, ngư dân và thương gia bị lệ thuộc vào con sông Mêkông. Nhưng hoạt động trên sông này đã thay đổi từ khi Trung Quốc bắt đầu xây đập thuỷ điện.
Đặc biệt là năm nay mực nước thấp đã gây ra nhiều khó khăn lớn cho người dân đúng vào năm mà mưa rất ít và người ta chờ đợi là hiện tượng thời tiết El Nino sẽ tăng cường cơn hạn hán.
Ủy ban sông Mêkông, được thành lập trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và bao gồm bốn nước Lào, Cambốt, Việt Nam và Thái Lan, có nhiệm vụ hỗ trợ trong việc sử dụng nguồn nước, và Ủy ban này không tin rằng các đập của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Mêkông xuống thấp.
Trong khi đó thủ tưóng Thái Lan, Abhisit Vejjajiva, đặt biệt quan tâm đến hồ sơ này và ông tin chắc là thể nào Trung Quốc cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề.
Nhưng tác giả bài xã luận trên tờ The Bangkok Post hoài nghi là chính quyền Bắc Kinh sẽ có một câu trả lời rõ ràng về việc quản lý hệ thống thuỷ lợi. Cho đến nay phần lớn các yêu cầu cung cấp thông tin do Ủy ban sông Mêkông đưa ra đều bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.
Các thị xã nằm ở thượng nguồn đập xây cất cách tỉnh Chiang Rai của Thái Lan 280 cây số, chuẩn bị đưa ra một loạt kiến nghị « yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đạt được bảo đảm của Trung Quốc về việc bảo vệ sự thăng bằng của lưu vực sông Mêkông », một trong những khu lưu trữ nước lớn nhất trên thế giới.
Kết luận của xã luận báo The Bangkok Post là các chính phủ Thái lan phải có hành động chứ không thể chỉ trông chờ vào những tổ chức của xã hội công dân và « Trung Quốc phải đi tiên phong trong nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với sông Mêkông ».
EADS và Boeing : châu Âu lên án Hoa Kỳ bảo hộ mậu dịch
Nhưng đề tài mà hầu như cả làng báo Pháp hôm nay quan tâm là sự kiện tập đoàn hàng không Âu châu EADS đã rút ra khỏi cuộc đấu thầu cung cấp máy bay tiếp vận cho quân đội Mỹ.
Hàng tựa của Le Figaro nêu bật là « Châu Âu tố cáo Washington áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch ». Tờ báo đưa tin là Pháp và Đức lên án những áp lực chính trị khiến cho tập đoàn EADS và đồng minh, công ty Mỹ Northrop, phải rút ra khỏi cuộc đấu thầu của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Trong bài phỏng vấn trên Le Figaro, ông Louis Gallois, chủ tịch EADS, nhận định là cuộc đấu thầu hoàn toàn có lợi cho Boeing. Đồng thời ông khẳng định quyết tâm củng cố vị trí của EADS trên thị trường Mỹ.
Tờ Le Monde thì cho rằng cuộc đối đầu từ mười năm qua giữa EADS và Boeing đã bị Washington chính trị hóa vì điều kiện của các vụ đấu thầu thường xuyên bị thay đổi trước một cuộc bầu cử.
Theo tờ báo, thị trường máy bay tiếp vận Mỹ là một vụ mua bán mang tính chất vừa kinh tế vừa chính trị. Các nhóm vận động hành lang và các luật gia chi ra cả triệu đôla để có được sự ủng hộ của các nghị sĩ và của chính quyền đương nhiệm, đặc biệt là của những người đứng đầu bộ quốc phòng.
Theo đánh giá của ông Richard Aboulafia, một chuyên gia về quốc phòng và hành không được Le Monde trích dẫn « Northrop và EADS là nạn nhân của một tình hình chính trị và kinh tế không thuận lợi chút nào ».
Chiếc KC-45 của EADS hiện đại hơn chiếc máy bay tiếp vận của Boeing nhưng nó đắt hơn và đây là điểm bất lợi vào thời điểm kinh tế khó khăn và ngân sách bị cắt giảm.
Một yếu tố khác là cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ sắp tới buộc các chính trị gia Mỹ phải có thái độ khuyến khích các sản phẩm « chế tạo tại Hoa Kỳ » . Như câu nói của một nghị sĩ Dân chủ bang Washington « Nhà nước sẽ mua một chiếc máy bay Mỹ, do một công ty Mỹ chế tạo với những công nhân Mỹ ».
Cuộc thảm sát tại Nigéria
Thời sự Phi châu được nhắc đến trên các tờ báo Pháp là vụ thảm sát tại Nigeria, nơi mà xung đột giữa các sắc tộc đã làm cho ít nhất 500 người chết trong đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật tại ba địa điểm mà đa số dân chúng theo đạo Thiên Chúa.
Báo Le Figaro đưa tin là, theo các tổ chức phi chính phủ, vụ thảm sát vừa qua là một hành động trả thù cho vụ thảm sát xảy ra ngày 19 tháng giêng 2010, gây ra cái chết của 300 người.
Tổ chức Human Rights Watch ước tính là từ khi chế độ độc tài quân sự chấm dứt năm 1999 tại Nigéria đã có hơn 13500 người bị giết chết trong những vụ thảm sát nối tiếp nhau.
Trên tờ Libération, bà Maud Gauquelin, một nhà dân tộc học, giải thích là các vụ chém giết tại Nigéria có những nguyên nhân xuất phát từ những khác biệt tôn giáo, sắc tộc và chính trị.
Điểm báo
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO